Tâm thư một giáo viên gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Tăng lương không có nghĩa là đòi hỏi quá đáng của giáo viên mà chính là sự trân trọng của xã hội đối với giáo dục. Chỉ khi nào các thầy cô không còn vật lộn với cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình thì lúc ấy, giáo dục mới trả về đúng giá trị của nó.
Ngay khi Quốc hội vừa thông qua nghị quyết bầu ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay thế cho ông Phạm Vũ Luận vừa được miễn nhiệm, giới giáo viên tỏ ra mong đợi nhiều sự thay đổi từ vị tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Dưới đây là tâm thư của một giáo viên gửi tới Bộ trưởng mới với mong mỏi 8 điều dưới đây sẽ được ông để ý, thay đổi.
Nội dung bức tâm thư:
Kính thưa Ngài Bộ trưởng!
Chúng tôi vẫn tự nói với nhau rằng: Giáo dục là một con thuyền lớn nhất trong mọi con thuyền, hành khách lên đến hàng triệu người. Ngài là người quyết định tiến hay lùi, rẽ hay thôi. Còn giáo viên chỉ là người lái đò, bây giờ đi trên con thuyền mới ra biển lớn, có lẽ cần thợ máy hơn là người lái đò.
Nhiệm kỳ mới bắt đầu, với tất cả sự trân trọng, tôi mong Ngài hãy lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh khi đổi mới.
Đầu tiên, tôi xin chúc mừng Ngài đã được Quốc hội tín nhiệm và giao trọng trách chèo lái con thuyền giáo dục. Tiếp đó, tôi xin gửi gắm Ngài 8 điều mong mỏi của giáo viên:
1. Mong Ngài quan tâm tới tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm hiện nay.
Cách đây nhiều năm, sư phạm là ngành "hot", giáo viên ra trường có việc làm ngay. Vậy mà giờ đây ngành sư phạm dường như bị thất thế. Thất nghiệp đang là nỗi lo của bất cứ sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng nào sắp ra trường.
Thưa Ngài, tôi vẫn mong chờ một thống kê chính xác xem bao nhiêu phần trăm sinh viên sư phạm ra trường được làm đúng nghề hay phải đi làm công nhân, ra chợ buôn bán. Nhìn cảnh những sinh viên ấp ủ giấc mơ đứng trên bục giảng, bao năm dùi mài kiến thức mà ra trường đứa đi bán trà đá, đứa đi lắp điện thoại ở Samsung, khá hơn thì đi học cao học nhưng tôi có thể chắc chắn họ cứ học thôi chứ không biết có bằng cao học rồi sẽ ra sao.
Có người may mắn xin đi dạy hợp đồng, hơn chục năm rồi vẫn chưa biên chế, lương ba cọc ba đồng, chế độ lại không có, cả gia đình trông vào đồng lương giáo viên. Ở nông thôn còn đỡ, như nhiều anh em ở thành phố rất cực khổ và khó nói. Nhìn thấy điều đó, tôi thực sự đau lòng thưa Ngài.
2. Tăng lương cho giáo viên
Xã hội hiện nay đang có ba ngành cần quan tâm đặc biệt: Đó là bác sĩ, quân đội và giáo viên.Bác sĩ cứu người, quân đội bảo vệ người và giáo viên dạy người. Nếu so bậc lương của các ngành này với nhau, có lẽ không ít người cảm thấy choáng bởi sự chênh lệch quá lớn.
Một số giáo viên kiếm được tiền bằng cách dạy thêm (thực tế là dạy chui), còn đại đa số giáo viên như chúng tôi tồn tại bằng lương. Với hơn 3 triệu đồng tiền lương, để nuôi bản thân còn khó nữa là gia đình. Nhiều giáo viên trường cách nhà vài chục cây số, lương tháng đủ đổ xăng, hàng tháng vẫn xin tiền bố mẹ.
Chẳng ai mong làm giàu bằng nghề giáo, nhưng ai cũng mong gia đình mình không phải khổ. Tại sao gia đình có bố mẹ công tác trong quân đội (có thời hạn) được miễn giảm học phí, còn gia đình có bố mẹ làm trong ngành giáo dục lại không? Kính mong Ngài xem xét. Tăng lương không có nghĩa là đòi hỏi quá đáng của giáo viên mà chính là sự trân trọng của xã hội đối với giáo dục. Chỉ khi nào các thầy cô không còn vật lộn với cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình thì lúc ấy, giáo dục mới được trả về đúng giá trị của nó.
3. Bỏ thông tư 30
Nhắc đến Thông tư 30, hầu hết các thầy cô đều thừa nhận tính đúng đắn về mục tiêu. Song, cách thực hiện thì quả thật rất có vấn đề. Học sinh học ngày càng kém, giáo viên quay cuồng trong đống sổ sách, nhận xét. Các thầy cô tranh thủ nhận xét ở khắp nơi, giờ ăn trưa, giờ giải lao, về nhà cũng cắm đầu vào soạn giáo án, sổ sách. Ước mơ lớn nhất của giáo viên là giảm mấy loại sổ sách, nhận xét đi để tập trung vào công việc chính.
4. Bỏ VNEN
Mô hình này thật sự không phù hợp ở Việt Nam. Nhiều thầy cô nói rằng nên học tập có chọn lọc và chỉ nên thực hiện ở một số nơi. Chứ học kiểu này, em nào học giỏi thì có lợi, còn kém thì ngày càng kém. Nhất là ở các trường dân tộc thiểu số, trước đó lớp học được xây dựng theo quy mô 20-25 em, giờ 35 em. Chật như nêm cối. VNEN thì “trang trí” vào đâu khi cuối lớp còn phản ngủ trưa, giá để cặp lồng cơm, để chăn, gối...
5. Bỏ thi giáo viên giỏi và phổ cập theo thành tích
Dạy học là một nghệ thuật và người dạy là một nghệ sĩ. Hàng năm, khắp các địa phương nô nức tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi.
Để một thầy cô đi thi, hàng loạt thầy cô khác và gia đình đều nhảy vào, nào là giáo án, tập huấn rồi lên kịch bản, giáo viên lên diễn. Năm nào cũng vậy, đó là cuộc thi giáo viên diễn giỏi chứ không phải là giáo viên giỏi, mong sao Bộ ta bỏ những cuộc thi kiểu này để tránh bệnh thành tích lây lan. Nhiều thầy cô chỉ muốn là giáo viên tốt chứ không muốn làm giáo viên giỏi theo kiểu như thế.
Mong Ngài xem xét về việc này, tôn trọng thực tế và không chạy theo thành tích ảo.
6. Tăng quyền cho giáo viên
Giáo dục học sinh là một trong các nhiệm vụ của giáo viên.
Nhưng một ngày các em đi học thì ít, mà ở với gia đình là chủ yếu. Nhiều gia đình đổ hết lỗi con cái hư cho giáo viên, học sinh hư giáo viên không dám mắng, đánh nhau không dám phạt nặng bởi sợ các em nghĩ quẩn, hoặc về kể với phụ huynh, phụ huynh phản ánh lên hiệu trưởng thì mang hoạ. Ai sẽ là người bảo vệ giáo viên những lúc như thế?
Giờ giáo viên vẫn bảo nhau, học sinh láo thì cứ mặc kệ, dạy xong đi về chứ đụng vào không khéo mất việc. Nhiều thầy cô vẫn còn lương tâm nghề nghiệp, tìm cách động viên nhẹ nhàng không ăn thua, đành phải mắng chửi, uốn nắn nghiêm khắc thậm chí sẵn sàng roi vọt để bắt các em phải học, phải thành người tử tế.
Nếu có thể, mong tư lệnh tăng quyền cho giáo viên được chủ động dạy dỗ học trò bằng mọi cách trong phạm vi cho phép. Còn đánh, còn mắng là còn thương học trò, đỉnh cao của sự vô cảm mới là sự mặc kệ các cháu.
Nếu có thể, một năm học Bộ ta nên quy định phụ huynh học sinh nên đi học thêm cách dạy dỗ con cái cùng với nhà trường. Nhiều phụ huynh còn thờ ơ và không biết giáo dục con cái đúng cách. Nhà trường không thể đơn độc một mình thành ốc đảo trong việc dạy học trò.
7. Hãy lắng nghe ý kiến giáo viên
Bộ ta đang tiến hành đổi mới, giáo viên cũng rất ủng hộ việc đổi mới. Nhưng trước khi đổi mới, xin hãy cho chúng tôi được góp ý trực tiếp qua hệ thống đường dây nóng. Nhiều cơ sở chỉ có lãnh đạo đi góp ý, lại sợ phật ý cấp trên nên cố tình nói theo kiểu cổ vũ, đồng tình chứ không dám đưa ý kiến khác biệt. Mong Ngài hãy quan tâm tới vấn đề này.
8. Sách giáo khoa
Chúng ta đã nhiều lần cải cách SGK, tuy nhiên nội dung lại không gần gũi và khó đi vào lòng người. Thời gian gần đây, bộ sách giáo khoa cũ được truyền trên mạng xã hội lại trở thành một cơn sốt gợi nhớ về một tuổi thơ.
Để tránh lãng phí cũng như khai thác tối ưu những hiệu quả mà SGK mang lại thì cần một bộ sách giáo khoa gọn nhẹ về chương trình nhưng mang tính giáo dục sâu sắc.
Cuối cùng, Xin kính chúc Ngài có nhiều sức khoẻ để lãnh đạo ngành ta ngày càng phát triển.