Tại sao trẻ em Nhật Bản tự lập sớm như vậy?
Ở Nhật Bản, trẻ nhỏ ra đường chạy việc vặt cho bố mẹ một mình, đi tàu điện một mình, không hề có cha mẹ bên cạnh không phải là chuyện hiếm.
Một cảnh thường thấy trên các phương tiên công cộng là: trẻ con đi thành từng nhóm hoặc đi một mình, tự tìm ghế ngồi.
Ở Nhật Bản, trẻ nhỏ ra đường chạy việc vặt cho bố mẹ một mình, đi tàu điện một mình, không hề có cha mẹ bên cạnh không phải là chuyện hiếm.
Chúng thường đi tất đến đầu gối, đi giày da bóng loáng, mặc váy kẻ ô, đầu đội mũ rộng vành có quai và vé tàu ghim sau ba lô. Những đứa trẻ chỉ khoảng 6 hay 7 tuổi vẫn một mình hàng ngày đi học và về nhà.
Các bậc phụ huynh người Nhật thường cho trẻ cơ hội tiếp xúc với thế giới ngay từ khi còn nhỏ. Trong chương trình truyền hình nổi tiếng của Nhật có tên Hajimete no Otsukai (Nhiệm vụ đầu tiên của tôi), trẻ nhỏ khoảng 2 hay 3 tuổi được giao nhiệm vụ đi ra ngoài một mình để giúp đỡ cha mẹ một số việc vặt.
Có khi là đến cửa hàng rau, siêu thị, đến nhà họ hàng... tất cả hoạt động trên đường đều được máy quay bí mật đi theo bọn trẻ để ghi lại. Chương trình được nhiều người yêu thích và đã có tuổi đời hơn 25 năm.
Kaito, 12, sống ở Tokyo, cho biết do bố mẹ ly dị đã lâu, cậu phải tự một mình đi tàu từ khi lên 9, đi đi lại lại giữa nhà bố và mẹ. Cậu thừa nhận: “Lúc đầu cháu hơi lo lắng, không biết liệu cháu có thể đi tàu một mình được không. Nhưng chỉ lo một chút thôi ạ”.
Bây giờ, Kaito cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều trong việc đi lại. Lúc đầu, bố mẹ cậu bé cũng có chút lo sợ nhưng sau đó thì cảm giác cũng tan dần đi, vì họ cho rằng con trai họ đã đủ lớn để làm những việc như vậy.
Mẹ kế của Kaito cho biết: “Thực sự, tôi nhớ những gì tôi nghĩ lúc đó là tàu điện rất an toàn và đúng giờ, có nhiều chuyến. Kaito cũng là một cậu bé thông minh. Bản thân tôi cũng từng đi tàu một mình lên Tokyo hồi nhỏ tuổi hơn Kaito. Lúc đó, không có điện thoại di động, nhưng tôi vẫn kiểm soát được để đi từ điểm A tới điểm B bằng tàu lửa. Bây giờ, nếu thằng bé bị lạc, nó có thể gọi cho chúng tôi”.
Dwayne Dixon, nhà nhân chủng học văn hóa từng viết luận án tiến sĩ về giới trẻ Nhật cho rằng: “Trẻ con Nhật học những việc đó từ sớm. Bất cứ thành viên nào của cộng đồng đều được khuyến khích tự phục vụ mình hoặc giúp đỡ người khác”.
Tự đi tàu điện ngầm, không cần sự giám sát của bố mẹ
Ở trường học, trẻ thay phiên nhau dọn dẹp và tự phục vụ bữa trưa, thay vì giao cả cho đội ngũ nhân viên làm những việc này.
Chịu trách nhiệm về không gian chung cũng có nghĩa là trẻ em có quyền tự hào về quyền sở hữu và hiểu rõ hơn về hậu quả của việc xả rác bữa bãi, vì trẻ sẽ phải tự mình lau dọn. Bài học đạo đức này được áp dụng ở cả những nơi công cộng. Đó cũng chính là lý do tại sao đường phố Nhật Bản lại sạch sẽ đến vậy. Một đứa trẻ khi đi ra ngoài đều biết rằng nó có thể nhờ mọi người giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp.
Nhật Bản có tỷ lệ phạm tội rất thấp, đó chính là lý do khiến các bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm khi để trẻ đi ra ngoài một mình. Tuy nhiên, việc quy hoạch không gian đô thị quy mô nhỏ và văn hóa đi bộ, có lẽ cũng là một yếu tố quan trọng.
Ở các thành phố của Nhật Bản, người dân quen với việc đi bộ. Ở Tokyo, một nửa số chuyến đi là bằng xe buýt hoặc tàu điện, ¼ là đi bộ. Các tài xế thì quen với việc nhường đường cho người đi bộ và đi xe đạp.
Mẹ kế của cậu bé Kaito nói rằng bà sẽ không cho phép một đứa trẻ 9 tuổi đi tàu điện ngầm một mình ở London hay New York, mà chỉ ở Tokyo mà thôi. Điều đó không có nghĩa là tàu điện ngầm ở Tokyo thì không nguy hiểm.
Tuy nhiên, một vấn đề còn tồn tại là phụ nữ và các bé gái thường hay bị sàm sỡ, dẫn đến việc xuất hiện loại xe dành riêng cho phụ nữ vào năm 2000. Nhiều trẻ em thành phố vẫn tiếp tục tới trường bằng tàu điện ngầm và chạy quanh khu dân cư để giúp việc vặt cho gia đình mà không cần người giám sát.
Bằng việc cho trẻ được tự do, phụ huynh Nhật Bản đặt sự tin tưởng tuyệt đối không chỉ vào những đứa trẻ, mà còn tin tưởng tuyệt đối vào cả cộng đồng. Ông Dixon quan sát thấy rằng rất nhiều đứa trẻ trên thế giới này có thể tự lập, nhưng thứ mà ông cho rằng người phương Tây phải ngạc nhiên ở Nhật Bản là lòng tin và sự giúp đỡ lẫn nhau, không cần phải nói ra và luôn được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Dễ nhận thấy rằng trẻ em Pháp có cách cư xử tốt, thông minh và cũng rất năng động. Chúng cũng không quá nghịch ngợm,...
Nguồn: [Link nguồn]