Tại sao không nên khen trẻ thông minh?
Một nghiên cứu tâm lý học chứng minh rằng trẻ em được khen chăm chỉ, nỗ lực có cơ hội thành công nhiều hơn trẻ được khen thông minh.
Trẻ em được nhận xét thông minh gần như phản ứng tiêu cực với những thành công hay thất bại mình đối mặt
Thế giới có rất nhiều nghiên cứu tâm lý học có thể giúp giáo viên thay đổi, cải tiến cách thức dạy dỗ với học trò, dù các loại nghiên cứu thiên về học thuật này không phải lúc nào cũng dễ dàng áp dụng trong công tác giảng dạy. Nhật báo Anh The Guardian đã có bài viết phân tích các nghiên cứu tâm lý giúp các giáo viên đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để các nhà giáo có thể giúp học sinh mình tiến bộ hơn.
Tâm lý tăng trưởng – nghĩa là quan niệm cho rằng trí thông minh được nuôi dưỡng, phát triển theo năm tháng chứ không phải bất biến – được cho là giả thuyết về tâm lý phổ biến nhất trong giáo dục ngày nay. Thuyết này được nêu ra từ 20 năm trước và đến hiện tại, rất nhiều nghiên cứu tiếp nối. Vậy những phát hiện trong nghiên cứu này có ảnh hưởng gì?
Trong Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội xuất bản năm 1998, hai tác giả Claudia Mueller và Carol Dweck từ ĐH Columbia (Mỹ) đã khám phá ra tác động của những kiểu khen ngợi đối với sinh viên. Thật ra, nghiên cứu này là sự kết hợp của 6 nghiên cứu riêng biệt trước đó.
Trong mỗi nghiên cứu, học sinh từ 9 đến 12 tuổi đã hoàn thành một trò chơi giải quyết vấn đề. Sau đó, các em sẽ được chia làm 2 nhóm: Một nhóm được thông báo mình có trí thông minh tự nhiên, nhóm còn lại được khen các em đã hoạt động chăm chỉ, nỗ lực như thế nào. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã báo cáo về cách học trò suy nghĩ, cư xử trong các nhiệm vụ tiếp theo.
Kết quả, những đứa trẻ được khen thông minh nhiều khả năng sẽ chọn những công việc tiếp theo mà chúng nghĩ sẽ khiến mình trông thông tuệ. Những trẻ được khen ngợi vì nỗ lực có khuynh hướng chọn những công việc giúp chúng học được những điều mới mẻ.
Trẻ được khen ngợi thông minh có độ yêu thích công việc ít hơn những trẻ được khen có nỗ lực. Bên cạnh đó, trẻ được nhận xét thông minh cũng ít có khả năng kiên trì, tiếp tục công việc đang thực hiện hơn những đứa trẻ từng được ca ngợi chăm chỉ, cố gắng.
Trẻ được khen thông minh kém cạnh hơn trong việc chuẩn bị các bài tập ngày mai. Trong khi đó, những đứa trẻ được khen nỗ lực làm tốt các bài tập này.
Đáng chú ý, phần lớn (86%) số trẻ được khen thông minh đã yêu cầu được biết thông tin về cách bạn trang lứa đã thực hiện cùng một nhiệm vụ. Chỉ 23% trẻ được khen nỗ lực yêu cầu được biết những thông tin này, trong khi hầu hết trong số các em được khen chăm chỉ yêu cầu được nghe lời nhận xét về mình để những lần sau thực hiện tốt hơn.
Một phần đáng kể (38%) trẻ được khen thông minh đã nói dối về số lượng các vấn đề giải quyết trong trò chơi, trong khi chỉ 13% trẻ được ca ngợi nỗ lực làm như vậy.
Các nhà khoa học kết luận nghiên cứu làm nổi bật tầm quan trọng của cách người lớn khen ngợi, nhận xét đối với trẻ, đặc biệt giáo viên. Những lời khen kiểu: "Em quá thông minh" hay "Em thật có năng khiếu" không nên nói với học trò vì nó ảnh hưởng hành vi, kết quả công việc trong tương lai chúng.
Bằng cách khen ngợi trẻ nỗ lực và sử dụng các chiến lược cụ thể khác, nhiều khả năng chúng ta sẽ có được một học sinh đi theo đà những hành vi đúng mực. "Trẻ em tiếp xúc với thông tin nhận xét mình thông minh gần như phản ứng tiêu cực với những thành công hay thất bại phải đối mặt. Trong khi trẻ được cung cấp thông tin mình chăm chỉ, nỗ lực sẽ thấy rõ giá trị, hiệu quả của việc học tập nên ít gặp thất bại" – các nhà nghiên cứu kết luận.
Các bậc phụ huynh và giáo viên thường khen ngợi để khích lệ trẻ, nhưng khen không đúng cách có thể gây tác dụng tiêu...