Tại sao không nên cho tiền khi trẻ làm việc nhà?
Mặc dù việc cho trẻ tiền có thể khiến chúng làm việc nhà, tập trung học hành nhưng nó chỉ mang tác dụng ngắn hạn.
Steven Mintz, nhà sử học nghiên cứu về trẻ em tại Đại học Texas ở Austin, Mỹ rằng nói: “Có 2 lý do cha mẹ cho trẻ tiền tiêu vặt, thứ nhất là cho phép chúng mua kẹo, đồ chơi, thứ mình thích, thứ 2 là dạy cho chúng giá trị của đồng tiền”.
Ngày nay, trung bình một đứa trẻ ở Mỹ nhận được 800 USD (19 triệu đồng) tiền tiêu vặt mỗi năm, theo Viện Kế toán Công chứng Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ Mỹ cho con tiền tiêu vặt theo cách bắt chúng làm việc vặt.
Nhiều bậc cha mẹ có xu hướng cho con tiền tiêu vặt theo cách này. Gần đây có một bài báo đăng trên trang Washington Post với tiêu đề: "Tôi cho con tiền để chúng tự mặc quần áo, làm bài tập về nhà và hơn thế nữa. Đó là quyết định đúng đắn nhất mà tôi từng đưa ra".
Tác giả là một bà mẹ có 2 con mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Cô nhận thấy rằng, chỉ cần chi 10 xu hoặc 25 xu là các con của mình sẽ làm bài tập về nhà một cách nghiêm túc. Cô gợi ý các bậc cha mẹ nên thử làm điều gì đó tương tự.
“Trong tâm lý học hành vi, điều này được gọi là củng cố tích cực”, cô nói.
Phương pháp này có thực sự hiệu quả không?
Các chuyên gia giáo dục bày tỏ sự lo ngại về mối liên hệ chặt chẽ giữa tiền tiêu vặt và công việc nhà. Cho dù phương pháp này có tác dụng ngắn hạn rõ rệt hay không, nó có thể mang tới những tác dụng phụ ngoài ý muốn đối với trách nhiệm gia đình, xã hội và cá nhân.
Trên thực tế, trẻ em trong một số gia đình bắt đầu làm công việc nhà từ sớm và cảm thấy tự hào về thành tích của mình, cha mẹ không cần lấy tiền làm “mồi nhử”.
Nhà tâm lý học Suniya Luthar thuộc Đại học Bang Arizona, Mỹ bày tỏ sự nghi ngờ về việc đưa tiền để bắt con cái làm việc nhà. “Làm sao bạn có thể tiếp tục đưa cho con mình 10 xu mỗi khi nó thu nhặt quần áo bẩn vứt lung tung”, Suniya nói.
Suniya không phản đối việc cha mẹ cho con cái tiền tiêu vặt nhưng cần dạy bọn trẻ hiểu rằng, làm việc nhà không phải để nhận phần thưởng mà vì chúng đang giúp đỡ gia đình của mình.
“Đó là điều mà bất cứ thành viên trong nhà cần phải làm. Không ai trả tiền để bạn để buộc dây giày hoặc cất đồ đạc. Bất kể cách tiếp cận nào, cha mẹ cần hiểu việc dạy con cái đòi hỏi rất nhiều công sức”, Suniya nói.
Nhà báo Ron Lieber của tờ New York Times gợi ý rằng, cha mẹ có thể sử dụng tiền tiêu vặt để chỉ cho trẻ cách tiết kiệm, cách cho người khác và cách tiêu tiền vào những thứ chúng yêu thích.
Ông chia sẻ: “Trẻ em nên làm việc nhà vì chúng cần phải làm, đó là điều bắt buộc. Cha mẹ nên sử dụng tiền tiêu vặt như một công cụ giáo dục chứ không phải tiền lương”.
Cũng có những người phản đối quan điểm này. Nhiều bậc cha mẹ chế giễu ý tưởng cho con tiền tiêu vặt ngay lập tức mà không cần làm việc nhà, vì điều đó có thể khiến chúng dễ dàng có được tiền mà không lao động.
Trong số các hộ gia đình không thuộc tầng lớp trung lưu và không giàu có, quan điểm này có thể không phổ biến. Nhà báo Lieber đề cập đến điều này trong cuốn sách của mình. Ông cho rằng, các bậc cha mẹ phản đối cách tiếp cận này có thể cân nhắc việc cho con cái họ tiền tiêu vặt nếu chúng thường xuyên làm những công việc vất vả như rửa xe hoặc sơn nhà.
Heather Beth Johnson là một nhà xã hội học tại Đại học Lehigh, Mỹ, người chuyên nghiên cứu về gia đình và khoảng cách giàu nghèo. Anh rất đồng ý với nhà báo Lieber về việc nhà và tiền tiêu vặt.
Johnson tin rằng, trong các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, nếu đứa trẻ học giỏi hoặc biết phụ giúp mẹ chăm em, cha mẹ có thể cho chúng một số tiều tiêu vặt. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy chúng xứng đáng được khen thưởng vì đã hoàn thành trách nhiệm.
Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở những gia đình nghèo khó. Johnson nói: “Cha mẹ không nghĩ tới việc mình sẽ cho con tiền nếu con biết chăm sóc em. Việc chăm em là trách nhiệm của bậc anh chị và trẻ cần phải chăm”.
Johnson có 2 đứa con, 14 tuổi và 10 tuổi. Những đứa con của anh không bao giờ nhận được tiền tiêu vặt. Tuy nhiên, khi cần tiền, chúng có thể xin tiền từ mẹ. Bọn trẻ cũng thường làm những việc vặt trong nhà như đổ rác.
David Lancy là giáo sư tại Đại học Jewish State, Mỹ. Ông từng nghiên cứu các hộ gia đình trên thế giới về vấn đề làm việc nhà. Ông nhận thấy rằng, trách nhiệm gia đình ở tầng lớp trung lưu và thấp hơn rất khác so với ở Mỹ.
Lancey giải thích rằng, sau 18 tháng, trẻ em trên khắp thế giới gần như muốn giúp đỡ cha mẹ chúng. Trẻ có thể không làm được những việc nặng nhưng nhanh chóng học được cách làm khi quan sát.
Trong một email, ông nói điều này rất khác với thông lệ gia đình Mỹ: "Trong xã hội của chúng ta và ở hầu hết các quốc gia ngày nay, cha mẹ không yêu cầu con cái giúp đỡ mình. Khi con cái ngủ thì người mẹ thường tranh thủ làm việc nhà hoặc nấu ăn.
Điều này giống như việc cha mẹ đang nói với con cái rằng, việc giúp đỡ giống như gánh nặng. Vì thế, không có gì lạ khi bản năng muốn giúp đỡ của trẻ ngày càng mất đi.
Do đó, khi trẻ 6 hoặc 7 tuổi, lúc này cha mẹ nghĩ con cái đã có thể làm được việc nhà, chăm sóc em, dọn dẹp đồ đạc thì chúng không còn hứng thú giúp đỡ nữa”.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quan điểm của nhiều người, người mẹ thường dịu dàng, cưng chiều con cái, còn cha mới nghiêm khắc, nhưng liệu điều này có tốt cho sự phát triển của một đứa trẻ?