Tái mặt với quỹ phụ huynh
Nhiều trường học xem quỹ phụ huynh như một nguồn thu chính. Những thỏa thuận ngầm, những gợi ý của ban đại diện cha mẹ học sinh khiến phụ huynh không đóng không xong.
Hai ngày 12 và 13-9 vừa qua, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm. Sau khi kết thúc các cuộc họp, nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay với hàng tá khoản thu mang tên quỹ phụ huynh.
Quỹ phụ huynh nằm trong danh mục các khoản thu tự nguyện, thu theo thỏa thuận giữa các phụ huynh nhưng ngày càng bị biến tướng, khoản tự nguyện này trở thành áp đặt ở hầu hết các trường học.
Tiền triệu cho quỹ
Phụ huynh một trường tiểu học tại quận Gò Vấp, TP HCM kể trong cuộc họp nhận lớp đầu năm, giáo viên chủ nhiệm cho biết trường đang tổ chức hoạt động quyên góp quỹ làm từ thiện, mong phụ huynh đồng lòng giúp đỡ. Mức đóng góp tùy tâm nhưng theo chủ trương chung của nhà trường và tham khảo các lớp khác thì tối thiểu mỗi lớp từ 5 triệu đồng trở lên. Lớp có 40 học sinh, như thế chia bình quân ra mức tối thiểu; còn phụ huynh nào có điều kiện đóng nhiều hơn thì càng tốt.
Minh họa: KHỀU
Nhiều phụ huynh đã phản ánh với Báo Người Lao Động về những khoản thu hết sức lạ lùng tại Trường THCS Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM), trong đó có khoản quỹ phụ huynh được mặc định 120.000 đồng/năm dù nguyên tắc quỹ này là tự nguyện.
Một phụ huynh cho biết: “Mới chỉ là các khoản tạm thu nhưng phụ huynh khối lớp 9 như chúng tôi phải đóng tổng cộng đến 3,14 triệu đồng. Đáng nói là có những khoản như tiền xét tốt nghiệp, tiền làm bằng là 135.000 đồng, rồi tiền hình, tiền ấn phẩm. Tôi có cảm giác bước chân vào trường học là cái gì cũng bị quy ra tiền. Đến quyền được xét tốt nghiệp cũng quy thành tiền thì chúng tôi không hiểu nổi!”.
Theo chị Lan Phương - phụ huynh có con học tại một trường THCS ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - con trai chị vừa mang về nhà tờ thông báo đóng tiền máy điều hòa. Thông báo ghi rõ là lớp sẽ mua 2 máy điều hòa trị giá 30 triệu đồng, công lắp đặt 2 triệu đồng, ngoài ra còn một số khoản linh tinh khác. Số tiền này dự kiến chia cho 40 học sinh trong lớp.
Chị Phương cho biết mới chỉ là một khoản thu đầu năm mà đã ngót nghét tiền triệu, cộng các khoản tiền trường đầu năm phải đóng khi họp phụ huynh thì con số sẽ phải lên đến vài triệu đồng.
Lách luật để lạm thu
Theo Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đối với nguồn kinh phí: Kinh phí hoạt động của ban đại diện có được từ sự ủng hộ tự nguyện của ban đại diện và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện; kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện đầu năm học.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, quy định là vậy nhưng các trường có đủ kiểu lách luật để tận thu. Điển hình là hiện nay, không còn trường nào chỉ thu một khoản là quỹ phụ huynh ở lớp mà phụ huynh phải đóng cả 2 khoản: quỹ trường, quỹ lớp.
Theo quy định, ban đại diện được quyền sử dụng nguồn quỹ theo thỏa thuận giữa các phụ huynh nhưng thực tế vẫn còn ràng buộc ở chỗ phải có sự tham mưu, bàn bạc với hiệu trưởng. Vì vậy mới có khoản thu hộ, chi hộ ở các trường.
Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn: “Khi nào quỹ phụ huynh không tách rời hẳn với nhà trường thì khi đó, nguồn quỹ này còn bị biến tướng. Thử hỏi, nếu ban đại diện đã thỏa thuận với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm, tự quyết định mức đóng góp thì phụ huynh nào dám phản đối?”.
Phụ huynh một trường tiểu học tại quận 11, TP HCM phản ánh trong cuộc họp đầu năm, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp gợi ý các phụ huynh đóng góp để lát lại gạch sàn trong lớp học. Khi nhiều phụ huynh phản ứng rằng khoản cơ sở vật chất đóng hằng năm cho nhà trường đi đâu mà còn phải đóng thêm khoản này, ban đại diện trả lời rằng đợi quyết toán chi cho từng lớp rất lâu nên phụ huynh cần chủ động trước. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm tự quyết định mức đóng góp luôn.
“Nói là ban đại diện nhưng chỉ là ý kiến của một số người. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp những khoản nào thấy hợp lý, thấy tốt cho các cháu. Tuy nhiên, có những khoản rất vô lý mà nhà trường cũng gợi ý để ban đại diện gợi ý lại chúng tôi. Tivi, màn hình LED còn mới, ghế nhựa vẫn đang sử dụng được mà năm nào cũng phải đóng tiền mua. Trường giải thích là để lại cho các học sinh khóa dưới, vậy cớ sao học sinh khóa dưới vẫn phải đóng tiếp?” - phụ huynh trên nêu thực tế.
Mới đầu năm đã thu tiền... hè Anh Lê Minh Tuấn, có con đang học lớp 1 ở một trường công lập tại Hà Nội, cho biết tính từ ngày con anh đi học (30-7) đến nay, số tiền gia đình phải đóng đã gần 4 triệu đồng. “Ngày đầu vào lớp, cô giáo nhắc sẽ thu một loạt khoản như đồng phục (5 bộ) gần 900.000 đồng, tiền máy điều hòa 540.000 đồng, bảng học sinh viết trên lớp 20.000 đồng, ghế nhựa 35.000 đồng, vở viết hè 50.000 đồng, đồ dùng hè 50.000 đồng, tiền quản lý bán trú hè 180.000 đồng, tiền hoạt động hè 900.000 đồng, tiền ăn bán trú 450.000 đồng, sách và đĩa tiếng Anh 220.000 đồng. Đến tháng này đi học chính thức, tôi phải đóng cho con hơn 800.000 đồng nữa” - anh liệt kê. Theo anh Tuấn, các khoản thu nêu trên dù đều hợp lý nhưng dồn vào đầu năm đóng luôn “một cục” thì đúng là nặng gánh cho phụ huynh vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Một gia đình công chức bình thường mà đóng tiền trường cho 2 con đi học một lúc thì đúng là thiếu trước hụt sau. |