Tác hại của việc khen trẻ thông minh từ sớm
Ít ai ngờ tới lời khen “Con thông minh lắm” mà hầu như ông bố bà mẹ nào cũng dùng khi con đạt kết quả cao hay làm việc gì đó tốt lại có ảnh hưởng tai hại đến nhường này.
Khi trẻ đạt điểm số cao, khi trẻ vẽ được bức tranh đẹp hay thậm chí chỉ là khi trẻ có một hành động đáng yêu, khác lạ và lém lỉnh, nhiều bậc cha mẹ cũng thường xuyên khen: "Con thông minh quá!", nhưng vấn đề ở chỗ, đây có thể là điều tệ hại nhất mà bạn nói với con.
Theo một số chuyên gia tâm lý Đại học Trinity ở Ireland, việc thường xuyên khen con thông minh sẽ khiến bộ não của trẻ hình thành nên một dạng thức, thông minh là điều mình vốn có và không cần phải quá nỗ lực học hành hay làm việc. Điều này sẽ đi ngược lại những gì cha mẹ mong muốn, con cái cần phải có động lực để luôn cố gắng trong cuộc sống nhiều hơn.
Việc khen trẻ thông minh từ khi còn bé sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc yêu thích tìm tòi, phát triển khả năng tiềm ẩn. Những em bé tự nhận biết mình là người "thông minh" như thế nào sẽ tự khắc có sự phản kháng trong việc không cần cố gắng ở mọi việc. Vô hình chung sẽ tạo cho trẻ sự lười biếng, ỷ lại vào cha mẹ.
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, đây chính là hệ quả của việc cha mẹ khen bé "thông minh" quá sớm khiến cho trẻ mất đi tính kiên nhẫn, ham học hỏi. Đôi khi khiến trẻ trở nên dễ chán nản, bỏ cuộc nếu phải đối mặt các vấn đề khó.
Jo Boaler, một giáo sư Toán đến từ Đại học Stanford cho biết những kiểu suy nghĩ như vậy thường sẽ kéo dài cho đến khi trẻ trưởng thành và gây tác hại lớn, nhất đối với những bé gái có kết quả cao.
Lý do là gì? Theo bà, đó đơn giản là bởi vì "những trẻ em gái thường bị xã hội nói rằng chúng sẽ không học giỏi được Toán và những môn khoa học như con trai. Và điều đó đồng nghĩa với việc những bé gái sẽ có thể tránh thử thách bản thân ở môn Toán và những môn khoa học hơn và việc e ngại mắc lỗi đó sẽ dẫn đến học hỏi cũng như tiến bộ bị giảm sút".
Trong một bộ phim truyền hình của Mỹ, một trùm băng đảng Mexico có nói một câu đáng suy nghĩ, đó là "quà cáp tạo ra nô lệ". Một đứa trẻ được khen nhiều, được tung hô nhiều, có thể sẽ thành tự mãn, hoặc hình thành thói quen "làm việc đó là để được khen thưởng" chứ không phải làm vì một lý tưởng nào khác. Và lời khen tặng lúc đó đối với chúng sẽ trở nên "tất yếu", không còn quý nữa.
Vậy nên khen con thế nào?
Thường thì ai cũng nghĩ khen là dễ, nhưng không hẳn là như vậy. Thường đứa trẻ luôn thích được khen hơn là bị chê, ngay cả người lớn cũng vậy. Nhưng để một lời khen mang lại lợi ích cho sự phát triển của đứa trẻ thì cha mẹ phải cực kỳ khéo léo.
Chắc chắn một lời khen sẽ rất lợi, nếu phù hợp với hành động, sự việc liên quan, đúng với hành vi, kết quả và đúng mức. Nhưng thế nào là đúng, thế nào là phù hợp và thế nào là đúng mức?
Đúng với hành vi là khi có cố gắng vượt qua khả năng cũng như yêu cầu bình thường với chúng. Đứa trẻ 3 tuổi tự xúc cơm ăn rất đáng khen, kể cả khi nó làm đổ hơn nửa bát cơm ra bàn. Nhưng nếu đã 4 tuổi thì đó là yêu cầu tối thiểu phải biết, không có gì để khen cả.
Khen ngợi dựa trên sự nỗ lực của con. Thay vì khen "thông minh" thì cha mẹ có thể khen bé: "Tốt lắm, đó là phần thưởng cho sự cố gắng của con đấy". Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra rằng việc chăm chỉ, cố gắng phấn đấu sẽ tạo ra phần thưởng và những lời khen.
Gắn lời khen với những việc mà trẻ đã làm được. Ví dụ như: "Tóc con đẹp quá, là do con tự chải đúng không?" hay như "Con đạt điểm 10 Toán à? Tuyệt quá, mẹ tin là việc con chăm chỉ học sẽ mang lại kết quả cao mà."
Lời khen phải đúng mực, phù hợp. Nếu trẻ làm được một việc đơn giản như đưa đồ giúp mẹ hay sắp xếp đồ chơi, bạn có thể đưa ra lời khen như một lời khen: "Cảm ơn con, con biết giúp mẹ vậy là rất ngoan". Còn khi trẻ thực hiện được những việc khó hơn, có được những thành công lớn thì lời khen và thái độ khen ngợi của bạn cũng nên chân thành và phù hợp để động viên trẻ kịp thời.
Nhớ cho trẻ biết lý do trẻ được khen. Khi phê bình, chê trách luôn cần phải có lý do rõ ràng, nhưng lời khen cũng không thể khen bừa được. Bạn hãy giải thích cho trẻ về việc trẻ làm tốt để được khen, nếu không trẻ sẽ không hiểu được vì sao mình được khen và sẽ không biết cách để phát huy những yếu tố tích cực đó.
Cha mẹ phải nhớ: không được so sánh. Dù là khen hay chê, chúng ta cũng không nên so sánh con trẻ với người khác. Khen con vì điều con nỗ lực, điều con làm tốt, không phải vì con làm tốt hơn bạn hàng xóm.
Giáo sư Boaler khuyên bố mẹ không nên chỉ khen mỗi khi con làm tốt mà ngay cả khi con làm không tốt hay bị điểm thấp, bố mẹ nên thể hiện sự thông cảm đối với con và trò chuyện với con vì như thế sẽ giúp con biết học từ những sai lầm. Bà giải thích: "Khi chúng ta cho con biết được rằng mắc lỗi không có gì là xấu và rằng những người thành công là những người không ngại mắc lỗi, nó có thể thay đổi cả cách nghĩ và quỹ đạo học tập và làm việc của trẻ".
Các bậc phụ huynh cần tránh thốt ra 6 câu này dù là trong lúc nóng giận, mất kiểm soát, nếu không sẽ vô tình làm ảnh hưởng...
Nguồn: [Link nguồn]