“Sức khỏe” các trường ĐH ngoài công lập: Èo uột làm sao tăng tốc?

Sự kiện: Giáo dục

Một cuộc khảo sát toàn diện 59/60 trường Đại học ngoài công lập vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức. Lần đầu tiên, sức khỏe của các trường ĐH được đánh giá, nhìn nhận tổng thể.

“Sức khỏe” các trường ĐH ngoài công lập: Èo uột làm sao tăng tốc? - 1

Dưới 20% giảng viên là tiến sĩ

Tính đến nay, hệ thống GDĐH Việt Nam có 235 trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) trong đó các trường ĐH NCL với tổng số 60 trường (chiếm 25,5%). Hai phần ba trong số 60 trường ĐH NCL hiện tại là các trường được thành lập mới còn lại là các trường được nâng cấp lên từ trường cao đẳng.

Theo số liệu kê khai năm 2016, tổng số giảng viên của các trường ĐH NCL là trên 20.500 giảng viên, trong đó 71% là giảng viên cơ hữu, số còn lại là giảng viên thỉnh giảng. Đặc biệt trường ĐH Quốc tế Bắc Hà 97 giảng viên thì số lượng giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên cơ hữu (48 cơ hữu và 49 thỉnh giảng).

Tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư và phó giáo sư chiếm khoảng 5% tổng số giảng viên của hệ thống các trường ĐH NCL. Đối với giảng viên cơ hữu vẫn còn 29% giảng viên là cử nhân. Đối với giảng viên thỉnh giảng tỷ lệ này là 19%.  Số lượng giảng viên là thạc sĩ vẫn chiếm chủ yếu, đều trên 50%, ở đối tượng giảng viên thỉnh giảng, tỷ lệ này chiếm đến 58%. Còn tỷ lệ tiến sĩ ở cả hai đối tượng đều chiếm chưa tới 20%. 

Bản khảo sát cũng chỉ ra rằng nguồn nhân lực ở các trường ĐH NCL có hai đặc điểm chính: Đa phần các trường đều có đội ngũ cán bộ quản lý cấp phòng, khoa có chức danh khoa học. Họ ở độ tuổi khá cao, nhiều người đã giữ chức vụ quản lý ở các cơ quan quản lý nhà nước hoặc ở các trường đại học công lập.

Đã chú trọng xây dựng đội ngũ. Tuy nhiên, hỗ trợ của nhà trường cho giảng viên nâng cao trình độ thường chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện thời gian, cho phép giảng viên đi học và nếu có trả lương, thì chỉ trả bằng cách nộp tiền bảo hiểm các loại cho cán bộ của mình.

Trên 27% số trường vẫn đi thuê cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất là vấn đề khó khăn nhất của các trường ĐH NCL. Số liệu báo cáo cho thấy số trường hiện nay đang hoạt động trên diện tích đất sở hữu là 24 trường, chiếm 54,5% tổng số trường có thông tin. Số trường đi thuê 100% cơ sở đào tạo là 12 trường chiếm 27,3%.

Một vấn đề đáng lưu ý là 5/12 trường  này (chiếm gần 42%) là những trường đã được thành lập trên 20 năm. Trong khi đó 16/24 trường ( chiếm gần 67%) sở hữu toàn bộ đất đai là những trường mới được thành lập trong khoảng 10 năm gần đây.

Mặt khác, về điều kiện đảm bảo cho sinh viên học tập, hiện mới chỉ có 38/59 trường khảo sát có thu viện điện tử.

Liên quan đến vấn đề  tài chính, trong năm 2016, đã có 33/43 (~77%) trường hoạt động có thu vượt chi và 13 trường thu không đủ bù chi (Dân lập Phú Xuân, Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu, Quốc tế Bắc Hà, Yersin Đà Lạt, Trưng Vương, Phan Thiết, Việt Bắc, Dân lập Hải Phòng, Hòa Bình, Công nghiệp Vinh, Tư thục Quốc tế Sài Gòn, Thái Bình Dương và Công nghệ Đông Á).

“Các trường hoạt động thu không đủ chi đa phần là các trường đang trong quá trình tái cơ cấu/chuyển đổi mô hình hoạt động và chủ đầu tư hoặc các trường có tiềm lực tài chính thấp” – báo cáo lý giải.

Tuyển sinh: Báo động khó khăn

Hiện nay, ngoài Trường ĐH Hùng Vương - Tp. HCM không có sinh viên và trường ĐH Hà Hoa Tiên còn rất ít sinh viên đang theo học do đã dừng tuyển sinh, 58 trường ĐH NCL còn lại đều có sinh viên đang theo học và tham gia khảo sát. Trường có ít sinh viên nhất hiện nay là Trường ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Á Châu (135 sinh viên), trường có nhiều sinh viên nhất là Trường ĐH Công nghệ Tp. HCM với 24.932 sinh viên.

Giai đoạn 2013-2015, số sinh viên tại các trường ĐH NCL có xu hướng tăng và đạt tổng số sinh viên đăng ký học các trường đạt 80.802 sinh viên. Tuy nhiên, năm 2016, con số này lại giảm xuống chỉ còn 72.056 sinh viên tại 52 trường có tuyển sinh.

Như vậy, trong công tác đào tạo của các trường ĐH NCL thì công tác tuyển sinh là vấn đề khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay. Việc tuyển sinh gặp khó khăn tại tất cả các hệ đào tạo gây ảnh hưởng xấu tới các trường ĐH NCL do các trường này đều tự chủ về tài chính và học phí là nguồn thu quan trọng nhất của nhà trường.

Thiếu sinh viên khiến cho các khoa và bộ môn không đủ kinh phí duy trì hoạt động và đầu tư cho cải tiến chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, thu nhập của giảng viên không đảm bảo làm giảm động lực trau dồi chuyên môn và tâm huyết với công việc giảng dạy.

Do chất lượng đầu vào của sinh viên không đồng đều và thường thấp hơn mặt bằng chung, việc đào tạo gặp nhiều khó khăn. Điểm sáng trong công tác sinh đến từ góc nhìn của sinh viên, phần lớn sinh viên đánh giá các tiêu chí về thông tin tuyển sinh của khối trường ĐH NCL rõ ràng, dễ tiếp cận với thủ tục nhập học đơn giản.

Nguyên nhân công tác tuyển sinh gặp khó khăn tại tất cả các hệ đào tạo một phần do cơ chế, chính sách tuyển sinh, một phần do địa điểm xây dựng trường ở một số địa phương và một phần do uy tín và các điều kiện học tập của trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút người học dẫn đến việc không tuyển đủ sinh viên về số lượng và chất lượng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, đào tạo và NCKH.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật kịp với xu thế phát triển của thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ lý thuyết - thực hành trong chương trình đào tạo chưa phản ánh đúng tính chất đào tạo ứng dụng của các trường ĐH NCL.

Hôm nay, 14/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị các trường ĐH NCL tại TPHCM. Đây có thể coi là một hội nghị Diên Hồng để tháo gỡ khó khăn và tìm hướng phát triển cho các trường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra mà dư luận quan tâm nhất đó là liệu thời gian tới, với những trường ĐH NCL kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT có mạnh dạn “khai tử” hay vẫn để tình trạng sống “lay lắt” như hiện nay?

Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN