Suất ăn bán trú trường học: Nhiều nơi kiểm tra thực phẩm chỉ bằng… cảm quan

Sự kiện: Giáo dục

Mặc dù được tham gia kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại các trường học, song theo chia sẻ từ một số phụ huynh, khâu tiếp nhận tại một số trường chủ yếu bằng quan sát và kinh nghiệm để phân biệt thực phẩm khi đưa vào trường học.

Bữa cơm trưa của học sinh tại một trường tiểu học ở TPHCM khiến nhiều phụ huynh bất bình vì quá nghèo nàn và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: TL

Bữa cơm trưa của học sinh tại một trường tiểu học ở TPHCM khiến nhiều phụ huynh bất bình vì quá nghèo nàn và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: TL

Suất ăn xuất hiện giòi, phụ huynh lo lắng

Trong tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự việc phụ huynh Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục (quận Ba Đình, Hà Nội) phản ánh về bữa ăn của học sinh có giòi. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, làm rõ. Bước đầu, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Ba Đình xác định nhà trường đã có hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh. Sau khi xem hình ảnh do nhà trường cung cấp, đoàn kiểm tra liên ngành nhận định: Trong khay đựng suất cơm trưa ngày 23/11 của học sinh có một con ấu trùng. Trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục cũng đã chủ động tiến hành việc dừng hợp đồng với nhà cung cấp.

Còn theo Sở GD&ĐT Hà Nội, ngay sau khi nhận được thông tin báo cáo về sự việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn học sinh tại Trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục, Sở đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và kiểm tra chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, căng tin trường học, nhất là với các trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Đảm bảo không để xảy ra những sự việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn học sinh, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Dù sự việc nói trên còn đang trong quá trình làm rõ, song nhiều phụ huynh có con học bán trú tại Trường Thực nghiệm Khoa học giáo dục cũng như các trường học khác cũng cảm thấy khá lo lắng, bởi không chỉ sự việc nói trên mà trong thời gian qua, tình trạng bữa ăn bán trú của học sinh cấp học mầm non, tiểu học, THCS tại một số nơi đã xảy ra tình trạng học sinh bị đau bụng, có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm… Dù đóng từ 20 - 35.000 đồng/ngày (chủ yếu là bữa trưa), song nhiều phụ huynh chưa thực sự yên tâm với bữa ăn bán trú của con, bởi tại nhiều nơi việc cung cấp các suất ăn cho học sinh đang được "khoán trắng" cho các công ty cung cấp thực phẩm. Trường học chỉ thực hiện khâu chế biến, thậm chí chỉ là giám sát chất lượng.

Lo lắng cho bữa ăn của con, chị Thu Huyền (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con học tiểu học và THCS đều ăn bán trú cho biết: "Con đi học ở trường mà tôi cũng cảm thấy lo lắng, bởi nhiều khi bữa ăn cung cấp cho hàng nghìn học sinh, nên cũng có thể xảy ra sơ suất, thậm chí nhiều công ty vì chạy theo lợi nhuận mà cung cấp thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Mong muốn của tôi là các trường học cần nâng cao hơn nữa vai trò kiểm soát, đẩy mạnh các biện pháp an toàn thực phẩm trong trường học. Có như vậy, phụ huynh mới yên tâm, thậm chí nâng giá bữa ăn một chút cũng không sao, miễn là an toàn".

"Thẩm định" thực phẩm bằng quan sát

Đối với các trường học cũng đặt vấn đề an toàn thực phẩm trường học lên hàng đầu, nhằm tạo sự tin tưởng, tuy nhiên khâu giám sát chủ yếu qua trực quan. Chia sẻ về quy trình kiểm soát thực phẩm tại nhà trường, bà Phạm Thị Minh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (Tây Hồ) cho biết: "Nhà trường thường phối hợp với Ban Đại diện phụ huynh học sinh trong khâu giao nhận thực phẩm, từng phụ huynh học sinh thay phiên tới trường cùng bên cung ứng kiểm tra khâu giao nhận đầu vào cho đến cân định lượng sống, định lượng chín đưa vào suất ăn cho học sinh. Phụ huynh khi được trực tiếp giám sát các khâu nên cảm thấy tin tưởng và an lòng hơn với suất ăn cho con em".

Ghi nhận tại một số trường, dù các trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có sự tham gia của phụ huynh, tuy nhiên quá trình thực hiện cũng nảy sinh những bất cập có thể trở thành "lỗ hổng" để thực phẩm thiếu an toàn có thể vào trường học. Cụ thể, quá trình kiểm tra thực phẩm "đầu vào" từ công ty cung ứng cũng chỉ nhận biết bằng mắt thường, theo cảm quan kinh nghiệm bản thân chứ chưa có những thiết bị hỗ trợ. Bên cạnh đó, những loại thực phẩm chín như bánh ngọt, sữa... nhập về trường cũng khó có thể kiểm chứng được chất lượng, bởi chủ yếu dựa trên các đơn vị cung cấp.

Liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm trong trường học hiện nay, Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 25/11, Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Tuân thủ 2 quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với chế độ rèn luyện thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Cũng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của ngành Giáo dục, ngành Y tế, huy động sự tham gia của Ban Đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau bữa ăn của học sinh có giòi, Hà Nội yêu cầu rà soát chặt thực phẩm trường học

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và kiểm tra chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN