Sửa đổi Thông tư 30: Chưa giải quyết được gốc rễ
Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, việc sửa đổi Thông tư 30 lần này vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ.
Chỉ đáp ứng được nguyện vọng giáo viên
Thông tư 30 sửa đổi, theo ông đã giải quyết được vấn đề bất cập của thực tế chưa?
Tôi nhận thấy, với 4 nội dung sửa đổi cơ bản lần này đã tính đến những đề nghị của giáo viên. Tôi chắc giáo viên, phụ huynh sẽ hoan nghênh. Nhất là việc bỏ sổ theo dõi chất lượng. Cách đánh giá học sinh cũng được lượng hóa cụ thể hơn bằng A, B, C chứ không đơn thuần là Đạt hay Không đạt như trước.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy Bộ đưa ra cách xếp loại A, B, C có hướng dẫn, mô tả kèm theo ngoài nhận xét của giáo viên, cách xếp loại còn phụ thuộc vào điểm kiểm tra cuối kỳ. Ví dụ, học sinh xếp loại A phải có điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm đạt 9 điểm trở lên. Việc này sẽ rất khó cho giáo viên khi xếp loại học sinh. Thậm chí, nhiều giáo viên lười có thể chỉ căn cứ vào điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm để xếp loại học sinh chứ khó để nhớ, theo dõi cả quá trình.
Riêng quy định về hồ sơ đánh giá, Bộ cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Tôi vẫn băn khoăn việc mỗi giáo viên có cuốn sổ tay ghi chép cá nhân. Vậy sổ tay này có trở thành quy định bắt buộc mỗi giáo viên phải có hay không? Và có thì cán bộ quản lý có kiểm tra giáo viên ghi chép gì vào đó hay không? Điều này dẫn đến hai chuyện. Một là không kiểm tra thì giáo viên lười sẽ không ghi chép. Nhưng nếu kiểm tra thì giáo viên cũng lại chịu áp lực không khác gì sổ theo dõi chất lượng giáo dục như trước.
Theo ông, Thông tư 30 sửa đổi cần cân nhắc, sửa đổi thêm điều gì trước khi áp dụng vào thực tiễn nữa hay không?
Hiện nay, bản sửa đổi Thông tư đưa ra các tiêu chí để đánh giá học sinh gồm: Học tập, năng lực, phẩm chất. Việc tách bạch học tập và năng lực ra thành hai tiêu chí theo tôi rất khó hiểu trong khi kết quả học tập chính là phản ánh năng lực của học sinh, Bộ cũng nên xem xét kỹ.
Một vấn đề nữa, thông tư cho phép học sinh tự nhận xét, đánh giá lẫn nhau là điều phi thực tế. Học sinh lớp 1,2 thực tế rất nhỏ tuổi, có đánh giá, nhận xét cũng rất cảm tính như quý bạn này, không quý bạn kia. Vì thế, nhận xét theo cách này sẽ không có hiệu quả.
Tránh biện pháp thử - sai
Thưa ông, cách xếp loại học sinh theo A,B,C đã giải quyết được vấn đề xác định năng lực học tập chưa?
Tôi cho rằng, phụ huynh Việt Nam lâu nay quen nhìn điểm số. Ví như, họ nhìn nhiệt kế để biết con mình đang sốt bao nhiêu độ, nhìn điểm để biết con học khá, giỏi hay trung bình, yếu kém. Việt Nam cứ học nước ngoài nhưng chưa nhìn được bối cảnh để biết mình áp dụng được hay không. Chưa kể, ở nước ngoài họ đánh giá xếp loại nhưng cũng có chấm điểm. Ví dụ, Úc xếp loại A, B, C, D, E nhưng vẫn chấm theo thang điểm 100. Học sinh đạt điểm trong khung nào thì cuối kỳ giáo viên xếp vào loại đó rất rõ ràng.
Tôi ủng hộ cách đánh giá vì sự tiến bộ và không gây áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, phải tính xem Việt Nam thực hiện Thông tư 30 đã vì sự tiến bộ của học sinh hay chưa? Bởi vì, hai năm qua việc không chấm điểm thường xuyên nhưng điểm kiểm tra cuối kỳ, cuối năm vẫn là tiêu chí so sánh, đánh giá giữa các học sinh, giữa các lớp, giữa các giáo viên. Hoặc nếu chỉ nhận xét nhưng cuối kỳ giáo viên lại thông báo nhận xét, khen chê trước toàn thể hội nghị phụ huynh chắc chắn gốc rễ vấn đề không giải quyết được.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều nữa, là sau 2 năm thông tư gặp nhiều bất cập phải sửa đổi. Vì thế, lần này Bộ cần tính toán, cân nhắc cẩn trọng mới nên áp dụng. Tránh phương pháp thử - sai trong giáo dục, gây bất ổn trong dạy học.
Cảm ơn ông!