Sự thật về bức thư lạ của hiệu trưởng gửi phụ huynh

Sự kiện: Giáo dục

Bức thư lạ của thầy hiệu trưởng gây sốt tại Việt Nam trong vài ngày gần đây thật ra đã được thế giới chuyền tay nhiều năm trước, nhắn nhủ các bậc phụ huynh không nên đè nặng áp lực điểm số lên vai con mình.

Mấy ngày qua, khi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và THPT quốc gia 2018 sắp bắt đầu, mạng xã hội lần nữa chuyền tay nhau bức thư được cho là của vị thầy hiệu trưởng một trường học ở Singapore gửi cha mẹ học sinh trước kỳ thi. Bức thư kêu gọi cha mẹ không nên đặt áp lực quá nhiều lên vai con cái vì "không phải mọi cá nhân đều là người dẫn đầu tất cả các lĩnh vực". Theo thông tin từ tờ Business Insider, bức thư đăng trên mạng xã hội Reddit từ năm 2016 và thời điểm đó đã nhận được hơn 13.000 lượt xem.

Sự thật về bức thư lạ của hiệu trưởng gửi phụ huynh - 1

Tuy tên và vị trí của trường học không được đưa vào bức thư nhưng nhiều cư dân mạng khẳng định rằng đây là sản phẩm của vị hiệu trưởng một trường ở Singapore. Nhiều người nghi ngờ bức thư do một cư dân mạng nào đó soạn ra để gửi gắm thông điệp đến phụ huynh học sinh. Trong khi đó, tờ Independent khẳng định thức thư do chính hiệu trưởng của trường Hồi giáo Dar-e-Arqam (Lahore, Punjab, Pakistan) viết, gửi cho tất cả các phụ huynh trước kỳ thi học kỳ một của trường.

Sự thật, hình ảnh về bức thư đã được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội khắp thế giới trong vòng 2 năm qua, tạo nên phản ứng tích cực từ các tổ chức và các nhân, nay lại tiếp tục gây sốt ở Việt Nam. Mặc dù một mặt dặn dò các em hãy làm tốt bài thi của mình nhưng mặt khác, vị hiệu trưởng đã nhắn nhủ các bậc cha mẹ đừng quá coi trọng điểm số. Thành công trong tương lai của con họ không hoàn toàn gắn kết vào những con điểm trong các kỳ thi như thế này.

Payaam - một tổ chức từ thiện cung cấp dịch vụ cho người nghèo khổ và bị bỏ rơi ở Pakistan -  đã ca ngợi bức thư là "một sáng kiến ​​tuyệt vời", trong khi Abdul Basit Khawaja, đại diện Quỹ Waseela, một tổ chức phi chính phủ ở Lahore, bình luận: "Đây mới đúng là cách họ truyền thông điệp cho phụ huynh".

Bất kể nguồn gốc của lá thư từ đâu, có bao giờ, thì không ai phủ nhận thông điệp sâu sắc đằng sau vẫn còn nguyên giá trị: "Đừng chạy theo thành tích, quá đặt nặng điểm số của các bài kiểm tra như chúng ta thường làm".

Zainab Sonia Gilani, một phụ huynh Pakistan, là một trong số nhiều người chia sẻ bức ảnh trên mạng xã hội cùng thông điệp: "Cầu cho tất cả các bậc cha mẹ, kể cả tôi, sẽ hiểu được chiều sâu của thông điệp đẹp này".

Tạm dịch bức thư hiệu trưởng gửi phụ huynh: 

"Các bậc phụ huynh kính mến,

Kỳ thi của các em học sinh đang tới gần. Chúng tôi biết rằng các vị đều đang mong cho con mình sẽ giành được kết quả cao trong kỳ thi này.

Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng, trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi, có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về toán.

Có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh.

Có người sẽ là một nhạc sĩ, người mà với họ, môn Hoá học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Có người sẽ là một vận động viên, người mà việc rèn luyện thể chất sẽ quan trọng hơn là môn vật lý, giống như vận động viên Schooling của chúng ta.

Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con.

Hãy nói với con rằng: ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho những điều lớn lao nhiều hơn thế.

Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu, cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét.

Xin hãy làm như vậy, và nếu các vị thực hiện điều đó, hãy chờ xem con mình chinh phục thế giới. Một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ và tài năng bên trong của các con.

Và, làm ơn đừng nghĩ rằng chỉ có kỹ sư hay bác sĩ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này.

Trân trọng,

Hiệu trưởng".

Nhân viên bảo vệ trở thành hiệu trưởng khiến cả thế giới ngưỡng mộ

Con đường trở thành hiệu trưởng của nhân viên bảo vệ tại trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đã tạo nguồn cảm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thoa (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN