Sự giàu có của gia đình không quyết định tương lai con cái, mấu chốt là 2 điều này
Có 2 yếu tố quan trọng cha mẹ nên ý thức để giáo dục con mình đúng cách, vì nó ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của trẻ sau này.
Sau khi có con, nhiều bậc cha mẹ ý thức hơn về trách nhiệm của mình nên càng ra sức kiếm tiền. Họ cố gắng mọi thứ vì con cái, tạo nền tảng tốt để con có một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, một số gia đình dù giàu có nhưng con cái chưa chắc đã ngoan ngoãn, thậm chí chúng còn ngỗ nghịch, khiến cha mẹ phiền lòng.
Việc kiếm tiền rất quan trọng đối với người lớn nhưng đó không phải là thứ con cái cần nhất. Điều con cái cần nhất chính là sự quan tâm của cha mẹ và sự giáo dục đúng đắn.
Tiểu Vương may mắn đậu đại học nhưng lại bỏ học giữa chừng. Cậu không thường xuyên đến lớp, thường chỉ xuất hiện trong các kỳ thi. Vì thế, khi trượt quá nhiều môn cậu đã bỏ học luôn.
Ảnh minh họa.
Bạn bè trong lớp bàn tán rất nhiều về Tiểu Vương, nói rằng gia đình cậu khá giả, cha mẹ bận bịu làm ăn không quan tâm nhiều tới con cái. Khi chọn chuyên ngành thi đại học, cũng là cha mẹ quyết định chứ bản thân cậu không thích. Dù đậu vào trường đại học theo đúng ý của cha mẹ nhưng cậu lại lãng phí việc học, lãng phí tuổi thanh xuân của mình.
Suy cho cùng, cha mẹ cố gắng kiếm tiền cũng chỉ để con cái được hưởng một cuộc sống đầy đủ vật chất, có điều kiện học hành tới nơi tới chốn. Tuy nhiên, trong một số giai đoạn phát triển của con cái, nếu cha mẹ bỏ lỡ sẽ không bao giờ bù đắp được. Vì thế, cha mẹ cần tìm cách cân bằng giữa việc kiếm tiền và việc giáo dục con cái.
Tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ dành cho con cái rốt cuộc là gì?
Một số cha mẹ vẫn tự hào rằng, mình làm tất cả mọi thứ là vì con cái. Thế nhưng, tình yêu mà họ dành cho con cái thực ra là có điều kiện. Con cái cần phải nghe lời cha mẹ, nếu không cha mẹ sẽ tức giận và nói “không cần con nữa”. Con cái cần phải học giỏi, nếu không cha mẹ sẽ nói “mẹ làm tất cả vì con mà có mỗi chuyện học cũng không làm cho ra hồn”.
Ngược lại, nếu đó thực sự là một tình yêu thương vô điều kiện cha mẹ dành cho con cái, nó có thể nuôi dưỡng sự tự tin, khả năng sáng tạo của trẻ. Chỉ khi trái tim của trẻ chứa đầy tình yêu thương, chúng mới không sợ hãi khám phá thế giới và học cách yêu thương người khác.
Khi bị giáo viên phê bình, bị các bạn tẩy chay, điều con cái cần nhất ở cha mẹ chính là sự an ủi, động viên. Khi con cái có khuyết điểm, cha mẹ cần giúp chúng sửa sai chứ không phải dán một cái nhãn nào đó. Việc tin rằng mỗi đứa trẻ cần được thất bại, chấp nhận và vượt qua là điều quan trọng hơn tất cả.
Nếu người mẹ có thể dành tình yêu thương vô điều kiện cho con mình, trẻ sẽ trở thành một người dũng cảm, không ngại những khó khăn xuất hiện trong cuộc sống sau này.
Cha mẹ nên làm gì để giúp đỡ con cái?
1. Giúp con phát triển tư duy
Tại sao một đứa trẻ cần phải phát triển tư duy? Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng may mắn có IQ cao, phần lớn chúng đều là người bình thường, thậm chí bị hạn chế ở một khía cạnh nào đó.
Tuy nhiên, nếu được cha mẹ giúp thay đổi tư duy, trẻ sẽ không nản lòng khi bản thân yếu kém, chúng sẽ cố gắng học hỏi, lấy “cần cù bù thông minh”, dám vượt qua những thách thức của bản thân và tin rằng chỉ cần nỗ lực là có thể đạt được những điều mình muốn.
Khi trẻ nỗ lực, cha mẹ cần khẳng định sự cố gắng của trẻ đúng lúc. Khi trẻ làm việc gì đó, cha mẹ cần chú ý nhiều hơn tới quá trình trẻ trải qua và bớt phán xét kết quả. Dần dần, trẻ sẽ trở thành người luôn cầu tiến, chịu khó học hỏi và không sợ thất bại.
2. Giúp con có ý thức về giá trị
Việc một đứa trẻ có ý thức về giá trị hay không có mối quan hệ lớn với mức độ tự trọng của chúng. Khi trẻ đạt được những thành tích nhất định nhưng không được cha mẹ khẳng định giá trị của mình, chúng sẽ dần trở nên kém tự tin.
Ý thức về giá trị của bản thân trẻ cần được vun đắp từ cha mẹ, những người thường ngày luôn ủng hộ, khẳng định, động viên con cái.
Trong giai đoạn trẻ đi học, cha mẹ không nên lúc nào cũng chỉ tập trung vào mỗi điểm số mà bỏ qua những ưu điểm khác của con mình. Hơn nữa, khi trẻ làm tốt việc gì đó, cha mẹ nên khẳng định để trẻ tự tin và cố gắng hơn nữa.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi một đứa trẻ nhút nhát, nhạy cảm, tính cách này phần lớn do ảnh hưởng từ môi trường gia đình.