Sử dụng “hình phạt” trong giáo dục như thế nào cho phù hợp?
Mới đây, việc một cô giáo chủ nhiệm ở trường THCS xã Duy Ninh (Quảng Bình) cho các học sinh tát liên tục vào mặt một bạn cùng lớp đến sưng tấy cả hai má, phải nhập viện đã khiến dư luận bức xúc. Một lần nữa vấn đề nên hay không nên sử dụng hình phạt trong môi trường giáo dục lại tiếp tục được dư luận xã hội đặt ra.
Cô giáo Nguyễn Thanh Hải, giáo viên trường THCS Hoàng Mai, Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: “Tôi không thể nghĩ rằng lại có việc giáo viên dùng bạo lực như thế để giáo dục một hành vi không đúng. Điều đó là phản giáo dục. Khi học sinh có hành vi không đúng thì cô giáo lại đi dùng một hành vi không đúng nữa (tức là dùng bạo lực) để dạy dỗ, xử lý học sinh, điều đó không thể chấp nhận được. Thậm chí, việc giáo viên yêu cầu các học sinh trong lớp tát bạn học thì đó là hành vi sai trái.
Ở đây ngoài chuyện thiếu kỹ năng sư phạm, cô giáo này còn thiếu cả kiến thức về pháp luật”. Cũng theo cô Nguyễn Thanh Hải, thưởng và phạt là một phần của giáo dục nên sẽ là khó khăn nếu yêu cầu giáo viên không được sử dụng các hình thức để “răn đe” học sinh khi các em làm sai hay mắc lỗi.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của giáo viên là phải sử dụng cách thức như thế nào đó vừa giúp các em nhận ra lỗi để sửa chữa mà không vi phạm quy định, vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Việc cô giáo tại Quảng Bình cho học sinh tát phạt bạn 230 cái đã gây bất bình dư luận.
Dưới góc độ của một người có nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội phân tích: Việc cô giáo cho các học sinh tát bạn cùng lớp như trong câu chuyện vừa diễn ra tại Quảng Bình là hành vi bạo lực, phản giáo dục và khó có thể chấp nhận trong xã hội hiện nay, vì cách thức xử phạt này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy.
Hậu quả thứ nhất với em học sinh bị tát, đó là đau đớn về cơ thể và tổn thương mạnh về tinh thần bởi hình thức bạo lực mà em học sinh này phải chịu, nó giống như bị hành hình thời trung cổ, khi mọi người đều xông vào ném đá một người. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý của trẻ, khiến cho em này cảm thấy không an toàn trong môi trường sống của chính mình. Hậu quả thứ hai là các em học sinh cùng lớp tham gia vào câu chuyện này.
Theo đó, đối với những em học sinh có xu hướng thích bạo lực, điều này gần giống như việc cô giáo đang cổ vũ bạo lực và những hung tính này sẽ có cơ hội phát triển nặng hơn. Còn đối với những em học sinh cả đời không bao giờ đánh ai, không thể chấp nhận được việc bạo hành mà bị bắt phải đánh bạn thì sau sự việc, các em sẽ cảm thấy ân hận, xấu hổ với những mặc cảm, tự ty đeo bám nhiều ngày.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Nền cựu học nước mình, ngàn xưa đã có văn hóa “thương cho roi vọt” và có những người thầy thích “phạt” học sinh bằng “roi vọt” để học sinh sám hối, tiến bộ. Trên thực tế, có những tình huống hình phạt này ít nhiều mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, những hình phạt bằng “roi vọt” là biện pháp sư phạm tiêu cực, không thể chấp nhận. Cũng theo phân tích của PGS Đặng Quốc Bảo, người thầy phải có uy và ân, song hai yếu tố này cần được hài hòa, không để cái nào được lấn át cái nào.
Học sinh bây giờ nhìn chung rất thông minh, khả ái nhưng cũng có những nhí nhố khiến thầy cô phải phiền lòng nên yêu cầu người thầy chỉ được dùng ân mà không được dùng uy là không đúng. Trong những trường hợp cần thiết, người thầy phải dùng uy để uốn nắn, răn đe nhưng phải coi đó là phương pháp, là nghệ thuật sư phạm chứ không phải là mục tiêu.
Như trong tình huống của cô giáo ở Quảng Bình, cô giáo có thể sử dụng rất nhiều hình thức kỷ luật tích cực khác để phạt học sinh nói bậy như yêu cầu học sinh viết bản tự kiểm điểm. Hoặc yêu cầu trước hoặc sau buổi học, học sinh phải vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, đọc sách hay trong giờ sinh hoạt lớp yêu cầu các em phải thuyết trình về ý nghĩa của những việc đó. Những hình phạt này hiện đang được giáo viên nhiều nước sử dụng vì mang tính giáo dục tích cực, nhân văn.
Người viết bài này đã cảm thấy rất ấn tượng khi được xem một video clip trên mạng xã hội nói về việc 2 nam sinh tại Thái Lan đánh nhau. Thay vì mời phụ huynh đến trường để nói chuyện như những người khác, cô giáo này đã phạt hai học sinh ngỗ ngược của mình bằng cách bắt cả hai em đứng trong một chiếc khung hình vuông cực nhỏ, tới nỗi hai người phải ôm nhau thật chặt mới miễn cưỡng đứng được giữa chiếc khung ấy.
Chưa dừng lại ở đó, cô giáo còn yêu cầu hai học sinh phải lần lượt thơm vào má “kẻ địch” đủ 100 lần trước mặt đám đông thì mới được phép bước ra ngoài. Cách “xử phạt” lấy yêu thương để “đáp trả” bạo lực này ở một góc độ nào đó đã hóa giải được những xung đột của học sinh, thay vì xoáy sâu vào ngăn cách, những cái ôm đã kết nối các em lại trong yêu thương bầu bạn. Thiết nghĩ, những cách xử phạt này cũng là những gợi ý mà giáo viên chúng ta cần tham khảo, học hỏi trong những tình huống phù hợp.
Hành vi giáo viên cho học sinh tát vào mặt nhau, hay tự tát vào mặt mình là hình thức phạt phản cảm, không có trong quy định...