Sử dụng điện thoại trong giờ học: Nơi mạnh dạn, nơi dè dặt
Từ tháng 11, học sinh THCS, THPT sẽ được phép sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học nếu được giáo viên cho phép.
Theo khoản 4 Điều 37 Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành theo Thông tư 32/2020, có hiệu lực từ ngày 1-11), học sinh (HS) không được “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép”.
Qua ghi nhận, nhiều trường học đã cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học nếu được sự đồng ý của GV.
Sử dụng trong thời gian ngắn
Em Loan Kim (HS Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM) cho biết trong một số giờ học, GV cho sử dụng điện thoại để tìm hiểu thêm kiến thức hoặc làm bài kiểm tra trên Google Forms. Việc sử dụng trong thời gian 15 phút.
“Khi em và các bạn dùng điện thoại, thầy cô đi xung quanh kiểm tra. Để việc sử dụng điện thoại hiệu quả, ngoài ý thức của HS, em nghĩ thầy cô nên tạo ra những hình thức học thật thú vị” - Loan Kim nói thêm.
Thầy Đặng Ngọc Ngận (tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Phạm Phú Thứ, quận 6) cho hay thầy đã cho phép HS sử dụng điện thoại trong những giờ học cần thiết như làm bài tập nhóm, cá nhân trên phần mềm Kahoot; HS phải tra cứu tài liệu về một vấn đề mang tính chất mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, thời gian sử dụng không nhiều vì các em đã chuẩn bị bài trước ở nhà, lên lớp chỉ hỗ trợ thêm.
“Trong giờ học có một số tiết dạy cần phải khai thác thêm tư liệu, tôi cũng đồng ý cho HS sử dụng điện thoại” - thầy Nguyễn Hữu Nhưỡng (GV Trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2) nói.
Thầy Nhưỡng cho biết việc sử dụng điện thoại tùy theo nội dung bài. Nếu một vấn đề nghị luận xã hội cần tìm dẫn chứng thì HS tra cứu khoảng 20 phút, tìm hiểu thêm về cuộc đời tác giả chỉ khoảng 10 phút, còn những buổi thuyết trình, lựa chọn tư liệu thì thời lượng sẽ nhiều hơn. “Học trò khi sử dụng điện thoại sẽ có cơ hội mở rộng kiến thức, có kỹ năng sử dụng tư liệu và chủ động hơn trong giờ học” - thầy Nhưỡng nhấn mạnh.
Một tiết học học sinh được sử dụng điện thoại dưới sự giám sát của giáo viên tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM. Ảnh: ĐT
Còn bất cập
“Nếu GV không quản lý được việc sử dụng điện thoại của HS trong giờ học sẽ xảy ra nhiều vấn đề phức tạp” - thầy PT (GV một trường THPT trên địa bàn quận 1) bày tỏ.
Thầy T. kể: “Đầu năm học, tại trường đã xuất hiện tình trạng GV cho học trò dùng điện thoại trong giờ để tra cứu. Tuy nhiên, GV này không kiểm soát kỹ nên các em đã dùng điện thoại chụp ảnh trong lớp đăng lên mạng xã hội. Bản thân các em nghĩ đây chỉ là một thú vui nhưng thực tế việc đăng ảnh như thế đã gây ra hậu quả. Sau sự việc trên, trường cũng đã thắt chặt hơn về vấn đề này”.
Thầy T. cho biết hiện thầy chủ yếu cho các em dùng điện thoại để làm bài kiểm tra qua mạng, còn việc tra cứu rất ít. “Để quản lý tốt, tôi cũng đã nói rõ với các em về những điều nên hay không nên khi dùng điện thoại trong giờ học. Do đó, các em có ý thức và có chuyển biến” - thầy T. nói thêm.
Cô Phạm Thanh Xuân (GV Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3) cũng thừa nhận việc cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ giúp các em mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, một thực tế là khi có GV quản lý, các em sẽ hợp tác rất tốt nhưng lúc ra chơi hay giờ bán trú, các em đều dùng điện thoại để lướt web, chơi game.
“Việc mang điện thoại vào trường sẽ khiến HS không tập trung. Do đó, tôi đã thống nhất với phụ huynh chỉ cho con mang điện thoại vào trường khi GV yêu cầu. Hiện nay gần đến thời điểm kiểm tra cuối kỳ nên tôi cũng không cho các em sử dụng nữa” - cô Xuân nói thêm.
Tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (quận 8), ông Phó Trọng Huy, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường vẫn thực hiện theo quy định của thông tư. Tuy nhiên, đối với đặc điểm tình hình của trường và với trang thiết bị hiện nay, rất hiếm có những hoạt động HS phải sử dụng điện thoại trong giờ học. Hầu hết GV đều giao nhiệm vụ để các em nghiên cứu và tìm hiểu bài ở nhà.
“Dù nhà trường không cấm HS mang điện thoại vào trường nhưng tại cuộc họp đầu năm học, phần lớn phụ huynh thống nhất không cho con đem điện thoại vào trường vì sợ con sao nhãng việc học. Chỉ có một số người có hoàn cảnh đặc biệt thì họ vẫn đề nghị cho con được mang nhưng chấp hành theo quy định. Mặt khác, từ trước đến nay, khi HS muốn liên lạc với gia đình, điện thoại bàn của bộ phận văn phòng đều hỗ trợ” - ông Huy nói thêm.
Tượng tự, tại Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, thầy Nguyễn Đăng Khoa (GV dạy toán) cho biết đối với điện thoại thông minh, khi nào GV yêu cầu thì các em mới được đem vào trường. Còn bình thường, học trò chỉ được mang điện thoại có chức năng nghe, gọi để liên lạc với gia đình khi cần.
Nộp điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm từ cổng trường
Tại Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú), ông Trần Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường quy định HS không được mang điện thoại vào lớp. Đến cổng trường, các em sẽ phải nộp điện thoại cho GV chủ nhiệm. GV sẽ cất điện thoại vào một cái tủ. Chỉ khi nào GV bộ môn yêu cầu sử dụng thì các em mới được dùng.
Mỗi lớp học đều có GV bộ môn và quản nhiệm ngồi phía dưới để quan sát lớp học cũng như giám sát kỷ luật. Vì thế, khi các em sử dụng cũng khó có thể làm việc riêng. Nếu em nào vi phạm sẽ phải viết bản kiểm điểm hoặc làm vệ sinh lớp học.
Điện thoại smartphone góp phần tạo ra một môi trường giáo dục hoàn toàn mới, trường học online, hay lớp học online.
Nguồn: [Link nguồn]