Stress của giáo viên mầm non: Nhiều cô mắc bệnh tâm lý thích hành hạ người khác

Sự kiện: Giáo dục

Nguyên nhân cơ bản nằm ngay trong tâm lý của mỗi giáo viên. Mỗi ngày làm việc 10 – 12 tiếng trong khi lương không cao, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến stress, nhiều cô giáo mắc bệnh tâm lý thích hành hạ người khác.

Stress của giáo viên mầm non: Nhiều cô mắc bệnh tâm lý thích hành hạ người khác - 1

Một học sinh của trường Mầm Xanh (Q12 - TP.HCM) bị sang chấn tâm lý phải thăm khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục mầm non, ĐH Sài Gòn sau vụ bạo hành trẻ dã man tại cơ sở tư thục Mầm Xanh (TP.HCM).

Một vấn đề được nhiều người đặt ra là xử lý như thế nào với áp lực và căng thẳng của giáo viên mầm non? Tại buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi” mới diễn ra tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, vụ Mầm Xanh không phải là lần đầu tiên diễn ra chuyện bạo hành trẻ trong các cơ sở nuôi dạy mầm non tại TP.HCM. Chỉ trong năm 2017, thành phố đã có ít nhất 3 vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non làm ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ nhỏ. Điều này cho thấy công tác quản lý giáo dục mầm non còn lỏng lẻo.

Hiện nay để bảo vệ trẻ mầm non, Luật Trẻ em 2016 đã có quy định có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở nhiều cấp độ khác nhau, từ các cơ quan bộ ngành các cấp đến Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, nhưng mỗi khi có vụ bạo hành trẻ em xảy ra, phần lớn do người dân, báo chí phát hiện, phản ánh rồi sau đó các cơ quan này mới vào cuộc.

Tuy nhiên, ngoài hành vi phạm tội của những người bạo hành, một vấn đề đặt ra là giáo viên mầm non đang phải chịu quá nhiều áp lực: Thời gian làm việc dài, môi trường căng thẳng, áp lực từ phía nhà trường và phụ huynh…

Bà Nguyễn Thị Hương Trung – Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục TESLA cho biết: Đối với nhiều phụ huynh, kể cả thầy cô, nhiều khi đang “bạo hành” trẻ tuân theo kỷ luật trong gia đình, trong trường lớp hằng ngày mà không biết.

Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường mầm non Tesla chia sẻ: “Theo thống kê của các chuyên gia, giờ ăn là giờ kinh hoàng nhất của trẻ. Tiếp đến là giờ học và cuối cùng là giờ chơi. Đây là ba khung giờ cô giáo mầm non cũng phải chịu áp lực nhiều nhất. Cô giáo mầm non chịu nhiều áp lực, áp lực từ nhà trường chạy theo thành tích. Áp lực từ phụ huynh đòi hỏi con phải tăng cân. Phụ huynh thường hỏi “con tôi có ăn được không?”… Điều đó khiến cô giáo có những lúc không kiểm soát được hành vi dẫn đến bạo hành trẻ”.

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục mầm non, ĐH Sài Gòn cho biết, vấn đề phòng chống bạo hành trẻ mầm non cần được quan tâm không chỉ từ các cơ quan quản lý mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đào tạo giáo dục mầm non trong cả nước. Ngay từ khi còn đang học, sinh viên cần được hình thành đạo đức nghề, phẩm chất cần có của một giáo viên mầm non như lòng yêu trẻ, sự công bằng, tình yêu nghề…

Cách đây 3 năm, khi một số vụ bạo hành trẻ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, ĐH Sài Gòn đã bổ sung, lồng ghép các nội dung, kiến thức liên quan đến bạo hành trẻ mầm non vào các môn học như “Nghề giáo viên mầm non”, “Giao tiếp sư phạm mầm non” để sinh viên nhận thức được những kiểu bạo hành khác nhau, hậu quả của bạo hành đối với trẻ, đối với bản thân, đối với xã hội, từ đó sinh viên có thái độ lên án nạn bạo hành và góp phần kiểm soát hành vi bản thân.

Ngoài ra, Khoa Giáo dục mầm non đang nghiên cứu về thực trạng kỹ năng quản lý cảm xúc của giáo viên mầm non. Đây là đề tài cấp trường sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018, kết quả sẽ là cơ sở để trường xây dựng đề án Nâng cao khả năng quản lý cảm xúc cho giáo viên mầm non, góp phần phòng chống nạn bạo hành trẻ.

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao nhận định: “Chúng tôi đã từng suy nghĩ sẽ tái cấu trúc, có khâu sàng lọc ngay từ đầu bằng cách cho các sinh viên làm quen thực tế với công tác dạy trẻ ở các trường mầm non ngay từ đầu, chứ không phải chờ đến năm 3, năm 4 mới cho đến trường mầm non thực tập.

Tôi nghĩ nguyên nhân cơ bản nằm ngay trong tâm lý của mỗi giáo viên. Mỗi ngày làm việc 10 – 12 tiếng trong khi lương không cao, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến stress, nhiều cô giáo mắc bệnh tâm lý thích hành hạ người khác. Theo tôi, điều các nhà quản lý quan tâm là sức khỏe tinh thần của giáo viên mầm non chứ không chỉ là vấn đề lương, thưởng”

Bà Phan Thị Thu Hà cho rằng, các nhà quản lý cần quan tâm hơn đến tâm lý của giáo viên, khi thấy có dấu hiệu stress phải tìm cách can thiệp ngay, đừng để tích tụ cảm giác nóng giận để trở thành hành vi hành hạ trẻ.

Từ kinh nghiệm của bản thân, cô giáo mầm non Như Ngọc chia sẻ, đồng nghiệp cùng lớp cũng cần quan tâm, giải tỏa tâm lý cho nhau mỗi khi có dấu hiệu căng thẳng và rất cần có chuyên gia tâm lý cho giáo viên trong mỗi trường mầm non, điều mà lâu nay gần như không ai quan tâm đến.

Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ dã man: Chủ trường mầm non khai lý do không ngờ

Tại cơ quan công an, chủ trường mầm non khai lý do việc cùng các bảo mẫu khác đánh đập trẻ được gửi tại đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN