SOS - Bạo hành không đánh đập
Ở ta, chuyện“bạo hành tinh thần” không khiến cộng đồng giật mình như “bạo hành thể xác” mặc dù theo các chuyên gia sức khỏe, bạo hành không đánh đập để lại những tổn thương tinh thần dai dẳng có khi cả cuộc đời.
Nhân hàng loạt vụ việc học trò bị giáo viên bắt nạt trong những ngày gần đây, TPCN có chùm bài viết nhiều kỳ về vấn đề nhức nhối không chỉ trong môi trường giáo dục.
Im lặng để hành hạ
“Cô giáo ba tháng “câm lặng” là bạo hành tinh thần học sinh” chỉ sau khi dòng tít bài báo này xuất hiện, cộng đồng mới tá hỏa nhận ra rằng hầu hết mỗi chúng ta đều từng tham gia hoặc là nạn nhân của bạo hành.
Cô giáo Trần Thị Minh Châu và học sinh Phạm Song Toàn. Ảnh: Internet.
Cô giáo Trần Thị Minh Châu ba tháng không chịu giảng bài, trước đó có tiền sử nói năng móc máy, xúc phạm học sinh đã bị cảnh cáo và bị điều chuyển khỏi việc giảng dạy. Cô giáo mầm non “Dạy giỏi cấp quận” Trần Thị Bích Ngọc mắng học sinh “mày là người hay thú”, bắt trẻ phạm lỗi ăn đứng, thay quần áo trong nhà vệ sinh trơn trượt đã bị nghỉ dạy. Cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Minh Hương cũng đã phải ra khỏi trường vì bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. Và còn rất nhiều giáo viên tai ác khác bạo hành tinh thần học trò, khi bị phát hiện mức phạt nặng nhất chỉ là “nghỉ dạy”. Trong khi đó ở nước ngoài, họ có thể bị khởi tố vì tội hành hạ trẻ em.
Trong khi phản ứng của cộng đồng, mạng xã hội sôi sục thì hầu hết ban giám hiệu, hội phụ huynh, sở giáo dục và các cơ quan liên quan phản ứng khá chậm. Học sinh ở một số lớp trong vụ việc còn hùa nhau tẩy chay nạn nhân bị bạo hành. Họ cho rằng nạn nhân là kẻ gây rắc rối, phiền toái, làm trường mất thi đua, lớp học mất “cô giáo tốt”. Một số khác trong cộng đồng thì bày tỏ kiểu như “ừ nghiêm trọng đấy, nhưng với bọn học sinh quỉ sứ thì cũng phải đe nẹt chứ không thì chúng chả sợ”.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, người đầu tiên đưa ra nhận định“cô giáo câm lặng” là bạo hành tinh thần học sinh. Ảnh: Internet
Mánh của kẻ bạo hành
Sáng lập viên Dự án Dịch vụ y tế tâm thần Beautiful Mind Việt Nam (BMVN) Nguyễn Đỗ Khả Tú chia sẻ: “Thuật ngữ tiếng anh Silent Treatment được định nghĩa là “Khi một người từ chối sự giao tiếp với một người có mong muốn giao tiếp được xem như một dạng gây hấn thụ động của người bạo hành cảm xúc. Lờ đi hoặc im lặng và bỏ rơi đối tượng là hai trong số các hành vi gây hấn thụ động có thể xảy ra”. Im lặng là một mánh của kẻ bạo hành. Họ dùng “im lặng” để xả giận, xem ai khổ, ai phải xuống nước trước. Bạo hành ở chỗ gây áp lực lên tinh thần đối tượng, để họ thay đổi hành vi theo ý muốn, mục đích của mình”.
Từng nhiều năm viết báo trong ngành giáo dục, nhà văn Y Ban cũng có phản ứng thẳng thắn trước việc nhà trường vẫn chần chừ xử lý “cô giáo câm”: “Trong khi trường và các phụ huynh “u mê” để em Phạm Song Toàn (người phản ảnh về cô giáo im lặng) chuyển trường vì sợ ảnh hưởng uy tín trường thì cách hành xử quái đản của cô Minh Châu đã kéo tụt cả một nền giáo dục”.
Nữ nhà văn bức xúc: “Trong một gia đình mà vợ chồng chiến tranh lạnh thì không khí gia đình căng thẳng như thế nào, khi cha mẹ lừ lừ không nói gì những đứa trẻ bất an ra làm sao chắc cô Châu hiểu rất rõ. Các em là học sinh dù có phạm lỗi với cô như thế nào thì với tấm lòng bao dung và nhân văn cô cũng nên mở lòng tha thứ và nói cho các em hiểu điều đó”.
Về trường hợp “cô giáo im lặng”, TS. Đào Thị Diệu Linh (bộ môn Tâm lý giáo dục, Đại học Ngoại ngữ -ĐH Quốc gia HN) bày tỏ: Tôi đồng ý rằng không nói gì trên lớp suốt 3 tháng là cô sai rồi và học sinh trong trường hợp đó phải chịu áp lực không kém gì bị người thân “bỏ lửng”. Tuy nhiên, nên chăng cần gặp cô để hiểu cô hơn và biết đâu cô cũng cần được hỗ trợ tâm lý không kém các em học sinh thì sao?
Ở ta im lặng để hành hạ không phải tội nghiêm trọng (ảnh minh họa). Ảnh: Internet.
Cứ “câm lặng” thoải mái
Dùng cách im lặng, trì chiết, mạt sát dai dẳng, ép người khác đánh mất lòng tự trọng để dọa nạt, trừng phạt được tính là bạo hành. Ở ta bạo hành không đánh đập không phải tội nghiêm trọng, án phạt cho tội này nhẹ đến khó tin.
Năm 2005, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thực hiện khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố, kết quả thật bất ngờ: cứ bốn gia đình có tình trạng bạo hành, thì có một theo kiểu bạo hành tinh thần “hộp đen-không nhìn thấy được”. Năm 2007, khảo sát của Trung tâm tư vấn Hồn Việt TP HCM cho thấy, bạo hành kiểu “hộp đen” chiếm 72% trên tổng số hơn 500 trường hợp cần tư vấn. Bất ngờ hơn, bạo hành tinh thần gần như là “đặc sản” gần như chỉ có và phổ biến trong giới trí thức.
Một nữ giảng viên đại học kể sau 10 năm chung sống với chồng trí thức, sau một lần cãi cọ, anh chồng trừng phạt “vợ mất dạy” bằng vài năm im lặng và ly thân mặc dù vẫn sống chung nhà. Trước mặt bạn bè họ hàng anh vẫn lịch lãm, nói năng nhẹ nhàng. Chồng đóng tiền lương đầy đủ nhưng không hé răng, thái độ ghẻ lạnh. Người vợ hoảng loạn vì bị ngắt giao tiếp, “cấm vận” chăn gối, sau đó có dấu hiệu trầm cảm.
Im lặng để hành hạ chỉ là một trong gần 10 biểu hiện của bạo lực tinh thần. Ở ta chưa từng có ai bị phạt hay bị kiện chỉ vì im lặng. Nghe đến đây khá nhiều người có học bao gồm cả phóng viên giật mình “một năm tôi bạo hành chồng và con đến năm bảy lần”. Phát hiện chồng chơi game, nợ nần vì đầu tư không hiệu quả, “say nắng” ở công sở… không ít các bà vợ chọn chiến tranh lạnh để trừng phạt. Quá mù ra mưa, có khi “hộp đen” ngự cả năm trời.
Theo luật sư Nguyễn Trung Trực (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam): Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 167 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó, các hành vi bạo lực tinh thần sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tương ứng với từng hành vi. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh xúc phạm danh dự, nhân phẩm nạn nhân. Đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh, nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó, có mức phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng.
Trong những trường hợp thực sự nghiêm trọng, người có hành vi bạo lực tinh thần bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống, với mức hình phạt nghiêm khắc hơn như cải tạo không giam giữ (đến 2 năm), phạt tù (mức thấp nhất là 3 tháng, mức cao nhất là 7 năm).
Dường như trong các hành vi bạo hành tinh thần bị phạt kể trên, “im lặng để tra tấn” không thấy được nhắc đến.
Cô Trần Thị Minh Châu bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, thời gian tới sẽ được phân công làm nhiệm vụ khác.