"Sóng ngầm" giữa giảng viên và sinh viên
Trong quá trình thực hiện các bài viết liên quan đến việc buộc thôi học những sinh viên bị điểm 4 chuyên môn của Khoa Sân khấu Trường CĐVHNT TP.HCM, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều bất cập trong công tác quản lý và đào tạo ở khoa này...
"Sóng ngầm"
Từ cách ứng xử cực đoan và quá nghiêm khắc của giảng viên (GV), cộng thêm sự “rỉ tai” của khóa trước cho khóa sau khiến nhiều sinh viên (SV) trở nên thụ động, không dám có ý kiến vì sợ bị ghét, bị trù dập. Mâu thuẫn giữa GV và SV âm ỉ, dai dẳng. Những cơn "sóng ngầm" đó khiến cả SV lẫn GV bị ức chế tâm lý, dẫn đến hiệu quả của việc dạy và học ít nhiều bị ảnh hưởng. Những thay đổi về nhân sự trong khoa cũng từng gây ra nhiều “sự cố” không đáng có, khiến cả SV lẫn GV bức xúc. Thêm vào đó là những vụ lùm xùm liên quan đến phương pháp giảng dạy phản sư phạm, kiểu la mắng xúc phạm SV và những việc bê bối liên quan đến giới tính gắn với tên tuổi một GV khiến SV nghi ngờ về sự trong sạch, lành mạnh của môi trường giáo dục.
Cái khó của trường cũng nằm trong cái khó chung của các trường đào tạo nghệ thuật hiện nay là thiếu hụt đội ngũ GV. Đạo diễn Quang Minh - Trưởng khoa Sân khấu thừa nhận, đội ngũ GV uy tín đứng lớp vẫn còn mỏng và vẫn chưa được như mong muốn của khoa.
Một vấn đề khác cũng khiến SV thắc mắc là việc tổ chức thi cho lớp đạo diễn (ĐD) và lớp diễn viên (DV) trong cùng một đợt. Theo cách làm này, SV lớp DV sẽ tham gia những trích đoạn, vở diễn do SV lớp ĐD dàn dựng, khi chấm thi, hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm cả kỹ thuật ĐD lẫn kỹ thuật biểu diễn của SV cùng một lúc. Cách tổ chức thi này khiến SV lớp DV mất cơ hội chọn lựa trích đoạn, vở diễn phù hợp với khả năng của mình mà phải chấp nhận sự lệ thuộc vào SV lớp ĐD. Theo nguyên tắc, hai lớp phải tổ chức hai đợt thi riêng bởi mỗi bộ môn có những quy định, yêu cầu trong thi cử hoàn toàn khác nhau. NSƯT Đức Hải - nguyên Trưởng khoa ĐD Trường CĐ SK-ĐA TP.HCM cho rằng, đó là điều khó có thể chấp nhận.
Không thể có những diễn viên, đạo diễn giỏi nếu không tạo được một môi trường rèn luyện, học tập tốt cho các sinh viên trường nghệ thuật
"Không đổi mới là mất"
Những điều tiếng về “cá tính” của từng nghệ sĩ khi áp đặt cái tôi của mình vào công tác giảng dạy đôi khi gây tác dụng ngược với SV là điều có thật. Đặt vấn đề về tiêu chí khi mời GV thỉnh giảng, ĐD Quang Minh cho biết: “Tư cách, tên tuổi, kinh nghiệm của GV là những yếu tố được trường quan tâm đầu tiên. Quá trình giảng dạy của GV phải đảm bảo đúng yêu cầu: không được phép xúc phạm SV dù bằng lời nói hay hành động, tuyệt đối không sử dụng roi vọt và phải tôn trọng quyền được học tập của SV”.
Các SV Khoa Sân khấu xác nhận, từ ngày có sự thay đổi trưởng khoa, không khí học tập đã thoải mái, dễ chịu hơn. SV không còn chịu quá nhiều áp lực về điểm số hay nỗi lo sẽ bị buộc thôi học trong suốt quá trình học hoặc trước ngày thi cử. Ngoài việc báo cáo những bất cập trực tiếp từ khoa, các SV cũng có thể phản ánh những bức xúc, những điều chưa hài lòng về cách quản lý, đào tạo, thi cử trực tiếp đến Ban giám hiệu qua những lần đối thoại trực tiếp được tổ chức định kỳ. “Chúng tôi không kêu gọi SV chống lại GV nhưng khuyến khích các em phải biết bày tỏ chính kiến, thẳng thắn, dũng cảm chống lại cái xấu, cái tiêu cực, tạo không khí thoải mái, nhẹ nhàng cho SV trong học tập”, ĐD Quang Minh khẳng định.
Khi mùa tuyển sinh mới đang đến, hơn lúc nào hết, nhà trường cần chấn chỉnh cách quản lý đào tạo, đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của SV, nếu không, e rằng hiệu quả đào tạo sẽ không được cải thiện.
"Sở sẽ tăng cường giám sát" Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM: “Tôi vừa chuyển sang phụ trách lĩnh vực này chưa lâu nên khi đọc các thông tin Báo Phụ Nữ nêu, tôi đã lập tức yêu cầu Trường CĐ VHNT báo cáo, giải trình. Được biết, sự việc đã xảy ra vào năm 2008 và cũng đã được xử lý. Những người có liên quan hiện cũng đã có chế tài, nghỉ việc. Vấn đề còn lại là làm sao để trong tương lai không xảy ra những sự việc tương tự, ảnh hưởng đến việc giảng dạy, học tập của nhà trường lẫn SV, nhất là khi mùa tuyển sinh đang đến gần. Quan điểm của Sở VH-TT-DL rất rõ ràng - dù ngành văn hóa, nghệ thuật là một chuyên ngành đào tạo đặc thù, nhưng nhà trường vẫn là nhà trường nên mọi hành vi, ứng xử, quyết định đều phải theo đúng quy chế, quy định của giáo dục chứ không thể cảm tính hay cực đoan. Trong tương lai, Sở sẽ tăng cường giám sát các hoạt động của trường để đảm bảo mục tiêu dạy tốt, học tốt”. THÀNH NHÂN (ghi) |