Sớm xây dựng Luật Nhà giáo để bỏ biên chế giáo viên
Đề nghị này được các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đưa ra khi Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, chiều 31/5.
Đề xuất đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm sau, ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, người thầy đảm đương nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, cảm hoá học sinh. Người thầy còn là bảo mẫu, dạy nhân cách sống cho các em. Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục chỉ đạo lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương và có phụ cấp theo tính chất công việc, theo vùng.
Bà Minh cho rằng, quan điểm chỉ đạo này không mới nhưng chủ trương này chưa đi vào thực tiễn. “Tôi cho rằng điều này cần được quy định trong Luật Nhà giáo và Luật Đối tác công tư, vì nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì sẽ không thể thực hiện được chủ trương này, và mục tiêu đưa nhà giáo ra khỏi biên chế sẽ không thực hiện được”, bà Minh cho hay. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng đề nghị đưa Luật Nhà giáo vào xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, để theo kịp với những thay đổi của ngành giáo dục.
Liên quan vấn đề cán bộ, ĐBQH Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) cho rằng, để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, cần cân nhắc bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 6, Luật Cán bộ công chức (sửa đổi). Theo ĐB này, các quy định về bầu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ công chức như hiện nay chưa thực sự gắn với thẩm quyền giám sát và xử lý trách nhiệm người có chức vụ trong hệ thống công vụ. “Thời gian qua cử tri và công luận bức xúc trước những vấn đề đang đặt ra, tại sao việc đề bạt bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn lọt một số cán bộ có năng lực yếu kém, nhiều sai phạm trong quản lý?”, ĐB Phương phản ánh.
ĐB Phương cũng cho rằng, các quy định về chức danh lãnh đạo quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học, hợp lý với các hệ thống ngạch bậc, chức danh chuyên môn. Bên cạnh đó vẫn còn biến thể trong hệ thống chức danh như hàm, việc thi nâng ngạch trở thành một cơ chế để giải quyết vấn đề chính sách tiền lương chứ không phải vì nhu cầu chuyên môn… Theo ĐB, thực tế trên dẫn đến vấn đề đặt ra là cần sửa đổi Luật Công chức viên chức.
Chiều cùng ngày, QH cho ý kiến dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018. Trong bốn phương án được đưa ra, đa số các ĐBQH đồng tình, lựa chọn hai nội dụng: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ GD&ĐT gần đây cho biết sẽ thí điểm chuyển biên chế trong các cơ sở giáo dục công lập sang chế độ giáo viên hợp...