Sinh viên “vật vã” tìm nhà trọ trước năm học mới

Trước thềm năm học mới, nhiều chủ nhà trọ đồng loạt “hét” giá phòng lên cao. Nhiều sinh viên cũng ngán ngẩm vì không tìm được nhà trọ ưng ý.

Đã thành thông lệ, trước thềm năm học mới, vấn đề nhà trọ dành cho sinh viên ở Hà Nội lại bắt đầu nóng lên. Không chỉ nỗi lo về giá, chất lượng phòng mà nhiều người còn không tìm được phòng ưng ý.

“Cháy” phòng trọ

Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Hoa quê ở Thanh Hóa cùng cô con gái mới trúng tuyển vào ĐH Sư phạm Hà Nội loay hoay đi tìm phòng trọ, tuy nhiên vẫn chưa tìm  được phòng ưng ý. Từ quê ra thành phố, hai mẹ con bà Hoa ở nhờ nhà người thân. Nhưng ở nhờ cũng chỉ được vài ngày rồi bà  Hoa phải tìm nhà trọ cho con vì nhà người thân chật chội.

“Tôi đã đi tìm nhiều nhà trọ rồi mà vẫn chưa tìm được căn phòng ưng ý, phù hợp với thu nhập của gia đình. Bởi phòng rẻ nhất cũng trên 1 triệu, chưa kể chi phí, điện nước. Thu nhập của gia đình tôi  chỉ dựa vào có vài sào ruộng, giá phòng như vây, cộng thêm các khoản ăn uống, học phí... gia đình không kham nổi” - bà Hoa nói.

Sinh viên “vật vã” tìm nhà trọ trước năm học mới - 1

Ở Từ Liêm (Hà Nôi), căn phòng nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 người ra vào cũng có giá 1 triệu đồng/phòng

Bà Hoa cho hay, sau hai ngày đi khảo sát phòng trọ tại khu vực Xuân Thủy thì thấy giá phòng phổ biến từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/phòng tùy loại. Nếu phòng khép kín, rộng hơn 20m2 hơn 2 triệu đồng/tháng chưa kể điện, nước. Phòng nhỏ hơn cũng phải 1,7 triệu đồng/phòng. Còn lại các phòng bình dân cũng không dưới 1 triệu. Với mức giá trên, bà Hoa chỉ vào xem xong rồi lắc đầu quay ra vì không kham nổi giá tiền.

Trong lúc đi khảo sát giá phòng, tôi gặp Lan đang đi tìm nhà trọ cho người bạn mới đậu ĐH ở đường Phạm Văn Đồng. Lan là sinh viên năm hai trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Lan cho biết, chỗ mình ở đường Hồ Tùng Mậu hết phòng, nên phải đi chỗ khác tìm phòng cho bạn. Vì phần lớn sinh viên ở rồi không chuyển đi, ra trường vẫn ở lại Thủ đô để tìm việc. Tân sinh viên nhập học lại đông nên có rất ít phòng trống.

“Các chủ nhà trọ cứ dán giấy còn phòng cho thuê, nhưng tới hỏi chỉ còn một, hai phòng hoặc nói chúng tôi phải đợi người ở phòng chuyển đi mới có phòng. Do đó, việc tìm được phòng rất khó, nói gì tới việc tìm được phòng ưng ý”, Lan nói.

Chủ trọ được dịp làm kiêu

Trong vai người tìm nhà trọ thuê, chúng tôi tìm đến khu trọ ở đường Xuân Thủy – Cầu Giấy. Cả dãy trọ có gần 30 phòng nhưng chỉ còn trống một phòng, giá 1,5 triệu đồng/ tháng chưa kể điện, nước. Dẫn tôi vào xem phòng, chủ nhà đon đả nói: "Ở đây an ninh đảm bảo, chưa ai mất gì. Em cứ xem phòng, ưng thì lên nhà đặt cọc tiền cho chị".

Vì không có ý định thuê nên tôi vờ xin số điện thoại để liên lạc nếu tới ở. Chưa nói xong, chủ nhà vội nói chen ngang: “Em không phải điện thoại làm gì. Bây giờ thiếu gì người đi tìm phòng, em ở thì đặt cọc 500 nghìn đồng chị giữ phòng cho. Không thì thôi, chị còn cho người khác thuê”.

Sinh viên “vật vã” tìm nhà trọ trước năm học mới - 2

Khu trọ tại Phạm Văn Đồng tuy lụp xụp, ẩm thấp cũng chỉ còn một phòng trống, giá 800 đồng/tháng

Chúng tôi tiếp tục đến tìm nhà trọ trên phố Trần Bình – Mai Dịch – Cầu Giấy. Tại đây, bà Thắm, chủ nhà trọ cho hay, mấy tuần nay có nhiều phụ huynh, sinh viên tới hỏi phòng. Nhà bà có mấy chục phòng cũng ở kín hết.

“Nhiều khi tôi vừa vào nhà lại có người hỏi có phòng cho thuê không. Tôi trả lời nhiều mỏi miệng nên  đành phải dán thông báo hết phòng cho người ta đỡ gọi”, bà Thắm nói.

Khảo sát khu Thanh Xuân – Hà Nội tới thời điểm này, hầu như đã hết phòng. Nếu có cũng chỉ sót một, hai phòng hay phải chờ người sắp chuyển mới có phòng.

Thấy có thông báo còn phòng cho thuê dán trước cửa nhà, tôi gọi cửa ý xem phòng. Nhưng khi hỏi, chủ nhà trọ này chỉ ló mặt ra ngoài, tỏ ý không cần tiếp và nói: “Không cần phải xem, phòng hai người ở thoải mái, 1,7 triệu đồng/tháng, điện 4 nghìn/số. Ưng thì tháng sau chuyển tới, vì mấy đứa sinh viên chưa chuyển đi. Thời điểm này nhiều người tìm phòng lắm, muốn tới ở phải đặt cọc tiền trước thì tôi còn giữ phòng, không là hết”.                         

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN