Sinh viên vào mùa làm thêm
Nhiều sinh viên Đà Nẵng chọn cho mình một công việc nào đấy để ngoài giờ học có thể làm thêm, chia sẻ với gia đình chi phí học tập, sinh hoạt.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì muốn tự lập, vì không muốn bỏ phí thời gian rỗi và tích lũy thêm kinh nghiệm sống... khá nhiều sinh viên Đà Nẵng chọn cho mình một công việc nào đấy để ngoài giờ học có thể làm thêm, chia sẻ với gia đình chi phí học tập, sinh hoạt. Tuy vậy, làm thêm cũng năm bảy đường, có sinh viên làm thêm đủ để trang trải, nhưng cũng có người vì ham "làm" quá phải làm "chúa chổm" bất đắc dĩ.
Công đâu công rẻ công thừa...
Lý, sinh viên năm 3 ngành Xây dựng ĐH Duy Tân tâm sự: "Em từng làm thêm khá nhiều công việc như giữ xe, phục vụ cà-phê, phục vụ karaoke, quán nhậu,... Nếu làm một ca từ bốn tới sáu tiếng thì một tháng nhận lương 700.000, 800.000 đồng. Tiền công khá thấp mà thời gian, công sức bỏ ra tương đối nhiều". Ngừng một lát Lý bức xúc: "Đa phần sinh viên tụi em bị bóc lột, bị chèn ép quá mức khi đi làm thêm".
Lý còn kể hồi năm nhất, khi bắt đầu tìm việc làm thêm bị "lừa": "Hồi đó em tính đi dạy thêm cho nhàn, đăng ký hàng chục trung tâm gia sư ở Q. Thanh Khê và Liên Chiểu, nhưng đợi cả tháng trời vẫn chẳng thấy trung tâm nào hồi âm. Tới khi có trung tâm hồi âm thì đó lại là một trung tâm lừa đảo: Họ bảo đi phát tờ rơi với lương cơ bản 1,5 triệu đồng/tháng. Nhận việc, họ bắt ký hợp đồng, trong đó có điều khoản mỗi tháng phải tìm về cho trung tâm 8 suất dạy, cộng với đặt cọc lại trung tâm 200 ngàn đồng. Em tưởng "dễ ăn" lắm nên ký hợp đồng ngay. Nào ngờ cả tháng trời đi phát tờ rơi, hỏi bậc phụ huynh nào họ cũng lắc đầu, rằng ngày nào chẳng có sinh viên vào đây tiếp thị dạy thêm, dạy kèm. Thế là đến 200 ngàn kia em chẳng đòi được, chứ đừng nói được trả lương cơ bản 1,5 triệu đồng".
Không ít sinh viên vào nhà máy làm thêm
Công việc làm thêm ngốn của Lý hầu hết thời gian rỗi, kéo theo đó là việc học hành bị bỏ bê. Thế là năm nay gia đình không cho Lý đi làm thêm nữa, đồng nghĩa những "chi ngoài" bị cắt giảm tối đa.
Tiên, sinh viên năm 4 Đại học Sư phạm khi được hỏi cũng đồng quan điểm với Lý, cho rằng công việc làm thêm ở Đà Nẵng hiện nay lương khá thấp. Tiên kể ở lớp Tiên có vài sinh viên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thường bỏ vài tuần học đầu tiên của kỳ học mới, hoặc thời gian nghỉ ôn thi (thường là hàng tháng liền) đi làm ở các khu công nghiệp. Lợi thì thấy rõ trước mắt đấy, nhưng về lâu dài thì sức khỏe, học tập chẳng biết sẽ thế nào.
Tập làm "thầy cô"
Rất nhiều sinh viên, nhất là những sinh viên sư phạm học giỏi kiếm thêm thu nhập bằng việc đi dạy kèm. Sơn, sinh viên khoa toán năm 3, ĐH Sư phạm cho biết cả lớp của Sơn hơn 40 người hầu hết đều đi dạy thêm, dạy kèm. Sơn chỉ dạy kèm cho học sinh lớp 12, những học sinh ôn thi lại "bởi dạy những học sinh đó thường được trả lương cao". Thu nhập trung bình một tháng của Sơn tầm 3 triệu đồng, những tháng cao điểm mùa luyện thi là 5 triệu đồng. "Có anh bạn tên Khánh học lớp toán - tin cũng đi dạy kèm, thu nhập có tháng lên tới 7 triệu đồng", Sơn bật mí.
Hiện nay Sơn đang dạy kèm cho ba nhóm, mỗi nhóm từ hai đến ba học sinh. "Ngoài thời gian trên lớp, hầu hết thời gian còn lại em đi dạy kèm. Thế nên tới giờ vẫn mồ côi người yêu", Sơn dí dỏm.
Hai sinh viên Sư phạm năm 3 khác là Hiểu, Nguyệt cũng chọn dạy kèm cho mấy cô cậu choai choai con bà chủ nhà trọ, mấy gia đình gần trường thay vì đi làm quán cà-phê, quán nhậu. Thu nhập cũng tương đối, lại lời được cái gần, nhẹ nhàng và không mất hàng trăm ngàn tiền môi giới.
Chăm sóc hoa thuê
Tập làm "ông chủ"
Có không ít sinh viên, thông thường góp vốn với nhau mở quán bán bánh canh, cà-phê, trà chanh, nước mía,... Nhưng việc làm ông chủ không phải dễ. Tâm, một sinh viên Đại học FPT, hiện đã ra trường và đang đi làm kể lại: "Hồi học năm hai, em đã hùn vốn với bạn mở một quán cà-phê nho nhỏ. Chưa được bao lâu thì người bạn bất ngờ rút vốn. Thế là đổ bể hết. Từ đó em rút ra kinh nghiệm: Trong kinh doanh, đừng dễ dàng tin tưởng vào một mối quan hệ nào đó". Tới khi ra trường, trong thời gian tìm việc, Tâm làm thêm khá nhiều việc khác để kiếm sống, cộng với hai lần kinh doanh nữa, một lần là chủ quán trà chanh trên đường Nguyễn Sinh Sắc, một lần buôn bán quần áo. "Bán trà chanh thì khá "an toàn" nhưng lãi ít. Còn lần buôn bán quần áo em bị lừa. Ý tưởng mới nảy sinh có hai ngày, em vồn vã tìm hiểu thông tin trên mạng, rồi quyết định mua quần áo của một đại lý trong TPHCM mà chưa biết đại lý đó có uy tín hay không. Thế là mất toi gần chục triệu bạc, và em thì đang yên đang lành bỗng thành chúa chổm".
Một trường hợp khác, Huy và Tuấn, hiện là sinh viên Báo chí năm 4 ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) khi còn năm 2 cũng hùn vốn mở quán cà-phê trên đường Phạm Như Xương. Nhưng vì vốn ít, và "một số lý do tế nhị khác" nên được chừng hai tháng việc kinh doanh đổ bể. Huy lúc chưa làm "ông chủ" thì có cái laptop, tới khi làm chủ, rồi không được làm "ông chủ" nữa thì cái laptop ra đi, cộng với đó là mấy triệu tiền nợ. Tuấn cũng chẳng khá hơn. Việc kinh doanh đổ bể còn khiến Huy và Tuấn xích mích với nhau một thời gian dài.