Sinh viên... U60: Cha con cùng đến trường

Học ĐH một phần vì con, phần vì quyết tâm theo học đến cùng chứ không phải để chơi hay thể hiện mình là tâm sự của ông Hoàng Văn Toán (53 tuổi) - người vừa thi đậu vào Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).

Trong kỳ thi ĐH, CĐ đợt 2 năm 2013, tại Hội đồng thi Trường ĐH Hồng Đức xuất hiện một thí sinh rất đặc biệt là ông Hoàng Văn Toán (ngụ thôn Tào Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Dù đã bước qua tuổi ngũ tuần nhưng ông vẫn quyết tâm đi thi ĐH và đậu vào Khoa Sư phạm lịch sử của trường với số điểm là 22.

Học khối A, đậu khối C

Tìm đến lớp K16, Khoa Sư phạm lịch sử Trường ĐH Hồng Đức, không khó để nhận ra sinh viên Hoàng Văn Toán bởi mái tóc hoa râm và khuôn mặt đã xuất hiện những nếp nhăn. Trong lớp học với hơn 40 sinh viên, ở tuổi đáng bậc cha chú, ông Toán vẫn miệt mài nghe cô giáo giảng bài và nhiệt tình trao đổi bài vở với các bạn học.

Chia sẻ về lý do và động lực đến với giảng đường ĐH, ông Toán cho hay chuyện học hành của ông và con trai đầu còn dang dở nên quyết tâm đi thi để cha con cùng đến trường.

Sinh viên... U60: Cha con cùng đến trường - 1

Ông Hoàng Văn Toán, sinh viên 53 tuổi của Trường ĐH Hồng Đức

“Con trai đầu của tôi là đứa học giỏi nhất nhà nhưng cho đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Năm đầu tiên, nó thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa với 27 điểm, học được 2 năm thì bỏ rồi thi vào Học viện Quân y. Học được một thời gian lại bỏ giữa chừng. Thấy con học hành chẳng đến nơi đến chốn, nhiều người khuyên tôi cho nó ở nhà đi làm nghề gì đó nhưng thấy con sức khỏe yếu, làm nghề nặng nhọc sẽ vất vả nên chẳng đành lòng. Vì vậy, trong kỳ thi ĐH vừa qua, tôi đã động viên con đi thi lại. Hai cha con đăng ký thi vào Trường ĐH Hồng Đức. Hôm nó lên mạng xem điểm, biết 2 cha con cùng đậu, cả nhà ai cũng vui” - ông Toán kể.

Điều đặc biệt là dù học khối A nhưng ông Toán lại dự thi khối C và đậu với điểm số rất cao là 22 (sử 8,5; địa 7; văn 6,5) và đứng trong nhóm 50 người có điểm cao nhất Khoa Sư phạm lịch sử. Về điều này, ông Toán giải thích: “Tôi rất thích các môn xã hội, đặc biệt sử, nên đã mua nhiều sách về học rồi bổ túc thêm kiến thức từ sách báo, truyền hình. Học khối C không khó, quan trọng là phải nhớ được kiến thức cơ bản và say mê tìm tòi học hỏi thì sẽ đạt kết quả cao”.

Sinh viên Lục Văn Diệu, lớp trưởng lớp K16, cho biết từ ngày đi học đến nay, ông Toán hầu như chưa nghỉ buổi nào. Là người ham học hỏi, môn gì ông cũng hay đặt ra những câu hỏi mà mình chưa hiểu hay không biết để trao đổi với giảng viên.

“Có bác Toán trong lớp, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để học. Những lúc rảnh rỗi, bác thường kể chuyện cho lớp nghe, ai cũng thấy vui và xem bác là tấm gương để vươn lên trong học tập. Dù không phải đi học quân sự, được miễn các buổi sinh hoạt ngoại khóa hay các phong trào của lớp nhưng bác Toán vẫn nhiệt tình tham gia, không ngại khó, ngại khổ” - Diệu nói.

Trụ cột gia đình

Là trụ cột trong gia đình có 3 con đang tuổi ăn học và người mẹ già, ông Hoàng Văn Toán vẫn ngày ngày cùng con trai đầu đi xe máy gần 30 km đến trường. Hôm nào học cả ngày thì 2 cha con ở lại trường vào buổi trưa. Nếu chỉ học 1 buổi, ông Toán đều cố gắng về nhà sớm để lo cho xưởng mộc của mình.

Thời gian gần đây, con trai đầu của ông làm gia sư ở TP Thanh Hóa và lịch học cũng khác nhau nên cha con ông ít đi học cùng nhau. “Nó đã ham học trở lại, điều này làm tôi rất vui. Tôi sẽ cố gắng theo học đến cùng để 2 cha con cùng lấy bằng ĐH” - ông Toán chia sẻ.

Dù rất bận với công việc ở xưởng mộc nhưng ông Toán vẫn cố gắng thu xếp để không ảnh hưởng đến việc học. Tối về, ông còn dạy kèm cho một số con em trong làng, xã ôn thi ĐH. “Đi học bây giờ, ngoài kiến thức của thầy cô giảng trên lớp, sinh viên phải tự học qua sách báo, internet… thì mới có thể thành tài. Chương trình và phương pháp học cũng không nặng lắm, tôi thấy mình vẫn có thể đáp ứng được” - ông Toán tự tin.

Sinh viên... U60: Cha con cùng đến trường - 2

Ông Hoàng Văn Toán thi ĐH để khuyến khích con trở lại giảng đường

Từ ngày chồng và con đi học ĐH, bà Hoàng Thị Toan (SN 1963, vợ ông Toán) vất vả hơn. Bà phải dậy từ tinh mơ lo cơm nước, quần áo cho 2 cha con đi học rồi mới ra đồng. Dù vậy, bà không trách móc nửa lời mà còn động viên chồng.

“Một số người “độc miệng” thì bảo chồng tôi dở hơi, tuổi đó còn bày đặt đi học; còn người hiểu biết thì thông cảm, nể phục. Bà con trong xóm thương 2 cha con cùng đi học nên đề nghị chính quyền xếp gia đình tôi vào hộ cận nghèo nhưng chồng tôi kiên quyết không nhận vì cho rằng còn nhiều gia đình khó khăn hơn mình” - bà Toan nói.

Kỳ tới: Học vì nông dân

Sinh viên cao tuổi nhất

TS Hoàng Văn Thi, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Hồng Đức, cho biết lúc đầu, nhà trường cứ tưởng ông Toán đi thi cho biết. Sau đó, thấy sinh viên đặc biệt này cũng đến nhập học và đi học đều đặn nên rất mừng. “Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông Toán được đi học như các sinh viên khác” - TS Thi khẳng định. Theo TS Thi, từ trước đến nay, Trường ĐH Hồng Đức chưa có sinh viên nào ở tuổi cao đến thế. Cách đây khoảng 10 năm, nhà trường cũng có một người đậu ĐH ở tuổi 35 nhưng so với ông Toán thì còn kém xa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Minh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN