Sinh viên tố bị ép học tiếng Anh ở trường, không được dùng IELTS
Nhiều sinh viên bức xúc vì Đại học Giao thông vận tải TP HCM yêu cầu học tiếng Anh tại trường, không cho quy đổi chứng chỉ IELTS, TOEIC.
Những ngày qua, thông báo thu học phí tiếng Anh tổng quát của trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM (UTH) được sinh viên bàn luận sôi nổi. Theo quy định của trường, mọi sinh viên phải tham gia bài kiểm tra đầu vào, rồi được chia theo 5 cấp độ. Ở mỗi cấp độ, học phí từ 2,4 đến 6 triệu đồng, tùy hệ chuẩn hay hệ tiên tiến. Để ra trường, sinh viên cần đạt cấp độ 5 (English UTH), tổng học phí lên đến 13,6-29 triệu đồng.
Trường không cho sinh viên quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS hay TOEIC.
Biểu phí học phần tiếng Anh tổng quát của trường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM. Ảnh: Chụp màn hình
Gia Khang, tân sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử, cho rằng việc trường yêu cầu bổ sung tiếng Anh, có lộ trình để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ là điều dễ hiểu. Nhưng nam sinh bức xúc khi bị bắt buộc học tiếng Anh tại trường.
"Nhiều bạn có chứng chỉ IELTS 6.0 hay 7.0 cũng không được, đều phải học ở trường. Như thế chẳng khác nào trường ép sinh viên phải học mà không chứng minh được học ở trường có gì tốt hơn", Khang nói.
Nam sinh kể tham gia bài kiểm tra trình độ tiếng Anh hồi giữa tháng 9, đạt 60/100 điểm và được xếp vào lớp General English 3. Học phần kéo dài hơn 20 buổi, mỗi buổi 1h40 phút. Lớp của Khang gồm cả những bạn thi được 44 hay 70 điểm, tất cả không rõ căn cứ nào được xếp vào cùng nhóm.
Ngoài ra, nam sinh băn khoăn quy định trình độ tiếng Anh bậc 5 (English UTH) là chuẩn đầu ra bắt buộc với sinh viên nhưng trên thị trường lao động, liệu có doanh nghiệp, đơn vị nào chấp nhận chứng chỉ này của trường.
Mức học phí và thời gian đóng cũng gây khó khăn cho nhiều sinh viên, theo Hoàng Anh, ngành Logistics, chương trình tiên tiến. Nữ sinh cho hay trường thông báo thu học phí vào ngày 2/12, hạn chót là ngày 15.
"Chỉ có hơn 10 ngày mà gia đình em phải xoay 6 triệu đồng đóng học phí tiếng Anh, không phải nhà nào cũng có tiền sẵn. Mức phí này cũng quá cao", nữ sinh nói.
Trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM. Ảnh: UTH
Ngày 7/12, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM, cho biết quy định về học phần Tiếng Anh tổng quát đã có từ nhiều năm nay.
Từ khóa 2024, trường điều chỉnh chương trình tiếng Anh gồm 5 cấp độ cho cả hệ chuẩn và tiên tiến, thay vì trước đây hệ chuẩn có 8 cấp độ, tiên tiến có 6 cấp. Học phí không thay đổi, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành chương trình tiếng Anh nhanh hơn để tiếp cận kiến thức chuyên môn sớm, rút ngắn được thời gian học tập.
"Trường hợp sinh viên có chứng chỉ quốc tế, nhà trường sẽ đánh giá mức độ tiếng Anh chuyên môn", ông Tuấn nói.
Không cho biết số lượng cụ thể nhưng ông nói năm nay có nhiều sinh viên đạt hết 4 cấp độ tiếng Anh tổng quát (4/5), chỉ cần học phần cuối là tiếng Anh cho ngành Giao thông vận tải (chứng chỉ Tiếng Anh UTH).
Lý giải việc không chấp nhận quy đổi các chứng chỉ như IELTS, TOEIC, ông Tuấn cho rằng nhiều ngành đặc thù bắt buộc phải có trình độ tiếng Anh chuyên ngành tốt như Hàng hải, Logistics vận tải, Cơ khí, Ôtô. Mặt khác, chương trình đào tạo của trường tích hợp các chứng chỉ quốc tế FIATA (chứng chỉ do hiệp hội nghề Logistics Thụy Sĩ cấp), IATA. Do đó, sinh viên cần có trình độ tiếng Anh chuyên ngành cao.
"Việc yêu cầu sinh viên học tiếng Anh tại trường nhằm đảm bảo chất lượng, tránh bị các hội nhóm bên ngoài lừa đảo, cấp chứng chỉ giả", ông nói. "Học phí mỗi khóa tiếng Anh của UTH thấp hơn bên ngoài. Trường không tăng học phí trong ít nhất 3 năm".
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia. Trong đó, người học đại học cần đạt bậc 3/6, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu. Sinh viên cần có minh chứng đạt mức này mới đủ điều kiện ra trường.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay Bộ không bắt buộc dùng chứng chỉ nào nên trường được quyền tự xây dựng chương trình tiếng Anh, miễn đảm bảo sinh viên đạt trình độ theo yêu cầu.
Các đại học hiện đều tổ chức dạy tiếng Anh cho sinh viên. Có trường đưa vào học phần bắt buộc, có trường không. Tuy nhiên, để minh chứng đạt chuẩn đầu ra, sinh viên vẫn cần có chứng chỉ. IELTS, TOEIC, Aptis, HSK... đều được quy đổi.
* Tên sinh viên được thay đổi
Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận nhiều trường đại học sai phạm do tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Đáng chú ý, có trường tuyển vượt hơn 500% chỉ tiêu cho phép.
Nguồn: [Link nguồn]