Sinh viên thuê trọ thành osin "cao cấp"

Lấy danh nghĩa cho thuê trọ miễn phí, bao điện, nước, không ít sinh viên trở thành osin “cao cấp” cho những gia đình là chủ trọ này.

Đối với sinh viên (SV) có hoàn cảnh khó khăn, việc thuê được một chỗ ở miễn phí hoặc rẻ tiền sẽ bớt đi nhiều gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, không ít bạn khi đi thuê trọ dạng này đã gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười. Thông thường, mỗi nhà trọ này chỉ cho 1-2 SV thuê, bao điện, nước, chủ yếu dành cho nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoan hiền, chăm chỉ…

Osin cho chủ nhà

Gia đình khó khăn, ngay từ khi mới nhập học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Hoàng Thị N. đã rất vất vả tìm chỗ trọ rẻ tiền. Khi đến Trung tâm Hỗ trợ SV tìm hiểu thông tin về nhà trọ, N. vui mừng khi có một nhà trọ cho SV ở miễn phí trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Đến nhận chỗ ở, N. mới biết chủ nhà là một phụ nữ gần 40 tuổi, sống một mình vì hai con học ở nước ngoài, chồng đi công tác.

Ở được hai ngày, chị chủ bắt đầu lên lịch làm việc nhà theo tuần, cũng như dặn dò những lưu ý khi ở đây. Theo đó, mỗi ngày N. phải dậy từ 4 giờ 30 sáng quét dọn nhà cửa, đi chợ mua đồ nấu ăn cất vào tủ lạnh. Chiều tối, N. phải rửa chén, dọn dẹp xong trước 20 giờ. Mỗi ngày N. phải dắt hai con chó đi vệ sinh và cho chúng ăn ba lần/ngày. Bữa nào chỉ học sáng, N. phải về trước 11 giờ 30 để nấu ăn trưa, nếu đi đâu cả ngày thì phải về trước 20 giờ. Vi phạm hai lần/tháng sẽ không cho ở.

Sinh viên thuê trọ thành osin "cao cấp" - 1

Không ít SV trở thành người giúp việc nhà khi ở nhà trọ miễn phí (Ảnh minh họa)

“Nhiều khi nghĩ mình giống đi làm osin “cao cấp” miễn phí hơn là ở trọ. Chó ị không sạch cũng bị nói, có ngày về trễ 15 phút cũng dứt khoát không được vào nhà. Đã vậy mỗi tháng mình phải đóng thêm 1 triệu đồng tiền ăn. Mình chỉ ở đến hết tháng này là về quê nghỉ hè, khi vào sẽ kiếm chỗ khác ở để được đi làm thêm” - N. nói.

Khác với N., Hồng G. (SV Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) sau khi nhận giấy giới thiệu từ Trung tâm Hỗ trợ SV đã nhận thuê một phòng trọ với giá 350.000 đồng/tháng, bao điện, nước trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Chủ nhà trọ là hai ông bà đã ngoài 70 tuổi, có một phòng cho thuê trên lầu. Nghĩ chỉ cần chỗ ngủ nghỉ ban đêm, còn ban ngày đi học hoặc lên trường học thêm nên G. quyết định thuê cho đỡ tốn tiền. Sau khi đóng một tháng tiền nhà, bà chủ nói mỗi ngày G. phải rửa chén, phơi quần áo từ máy giặt và lau dọn nhà cửa mới được miễn tiền điện, nước. Đồng ý thì ở, không thì thôi chứ không được đóng bù tiền. Ở được nửa tháng, G. bỏ luôn số tiền nhà còn lại và chuyển ra ngoài ở cùng bạn để thoải mái học tập hơn.

Bảo mẫu trông trẻ nhỏ

Sau khi tìm kiếm thông tin trên một số trang web có cho thuê nhà trọ, Nguyễn Quỳnh C. (SV Trường CĐ GTVT TP.HCM) đã thuê được một chỗ trọ miễn phí dành cho SV khó khăn.

Nhà trọ của C. ở lầu bốn, trong một căn hộ chung cư, được bao toàn bộ tiền trọ, điện, nước. Sau khi xem thẻ SV, giấy chứng nhận hộ nghèo, chủ trọ đồng ý cho C. thuê trong ba tháng, dặn C. vừa học bài vừa trông giùm em bé ba tuổi và một bé đang học lớp 2. Ở được khoảng một tuần, chị chủ liền mang về nhà thêm… hai bé nữa để C. trông giúp, nói là con của mấy người hàng xóm gửi.

Ngoài việc nấu ăn, C. phải giao hàng khách đặt may quần áo và trông ba đứa trẻ. “Phòng ở mà không khác gì nhà trẻ, cứ 7 giờ sáng là nghe ầm ĩ hết lên. Bữa nào muốn ở nhà ôn bài cũng không được nhưng nếu lên trường học hoài sẽ bị la vì trong lịch học không có ghi. Mỗi tháng mình chỉ đóng thêm 500.000 đồng tiền ăn nhưng chắc mình phải xin thôi để có thời gian đi làm thêm hoặc học thêm cùng bạn bè” - C. nói.

Trên một số trang web tìm kiếm nhà trọ, những thông tin về nhà trọ miễn phí cũng được đăng tải dành cho những SV. Nhiều tin có ghi điều kiện cụ thể như dành cho SV nghèo, có thẻ SV và lý lịch rõ ràng, hiền lành, yêu trẻ em, sạch sẽ, chăm chỉ. Theo đó, SV ở sẽ được xem như anh em trong nhà, thỉnh thoảng phụ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu ăn, kèm trông em bé mới 15 tháng tuổi…

SV cần phản ánh ngay về trung tâm

Trung tâm chưa nhận được phản hồi nào của SV khi gặp rắc rối về chỗ ở nên không nắm rõ tình hình.

Hiện tại, trung tâm có khoảng 2.500 chỗ trọ cho SV thuê, trong đó có vài chục chỗ ở miễn phí dành cho những bạn khó khăn. Trước khi nhận đăng ký cho thuê trọ từ người dân, trung tâm đều xác minh thông tin đăng ký cho thuê trọ như phòng ốc, điện, nước, giờ giấc, chỗ đi lại,… để đảm bảo xác thực. Nhất là dạng nhà ở miễn phí, trung tâm chỉ nhận những địa chỉ đến đăng ký có tấm lòng giúp đỡ SV khó khăn thật sự, không kèm theo bất kỳ điều kiện làm việc gì gây khó khăn cho người ở, cùng lắm cũng chỉ hạn chế về khuya. Nếu có điều kiện kèm theo, trung tâm nhất quyết không nhận.

Hiện nay, mỗi giờ giúp việc nhà, trông trẻ em của SV được khoảng 25.000 đồng, tiền thuê trọ chỉ trên dưới 500.000 đồng. Nếu các bạn ở miễn phí mà phải giúp việc nhà hay trông trẻ em trong một tháng như vậy mà không được tiền là quá thiệt thòi vì tiền làm công còn gấp mấy lần tiền ở.

Vì vậy, khi đến nhận nhà trọ, nhất là dạng ở miễn phí, SV nên hỏi kỹ lại điều kiện ở. Nếu có phát sinh khi mới đến nhận chỗ ở hoặc trong quá trình ở, SV cần phản ánh ngay để trung tâm làm việc lại với chủ nhà hoặc hủy việc đăng ký của chỗ ở đó và giới thiệu chỗ ở mới cho SV. SV cũng cần cảnh giác những nhà trọ miễn phí bên ngoài vì rất khó đảm bảo an toàn thông tin.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng,
Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV, Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN