Sinh viên đua nhau 'nhờ vả' AI: Tiện ích hay mối nguy trong học tập?
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập đang giúp sinh viên tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu phong phú, từ đó mở rộng kiến thức và phát triển khả năng tư duy phản biện. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào công nghệ này, AI có thể mang lại những tác động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mới đây, câu chuyện một sinh viên bị chấm 0 điểm vì sử dụng AI trong bài thi tại một trường cao đẳng ở TP.HCM đã làm dậy sóng cộng đồng mạng, tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trước đó, vào tháng 11-2023, một sinh viên khác tại một trường đại học ở TP.HCM cũng bị giảng viên trừ 50% điểm do sử dụng ứng dụng AI để viết tiểu luận. Vậy sinh viên nên tận dụng AI trong học tập và làm việc ra sao để thực sự hiệu quả?
Khi AI lên ngôi trong giáo dục
Nguyễn Thị Hoài An, hiện đang theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ rằng cô nàng thường xuyên sử dụng AI trong hầu hết các môn học của mình trên giảng đường: "Sau khi hoàn thành dàn ý cơ bản, mình sẽ dùng AI để phát triển thêm ý tưởng và cải thiện bài làm, nhờ đó rút ngắn thời gian hoàn thành từ 1 đến 2 ngày. Cách này giúp mình không phải mất công tìm kiếm ví dụ trên Google, đồng thời tránh được việc hiểu sai các khái niệm phức tạp trong môn học, từ đó áp dụng vào bài tập một cách chính xác hơn.
Nhiều sinh viên coi AI như người bạn "tri kỷ" trong học tập. (Ảnh minh họa bởi AI)
Với những môn liên quan tới việc lập trình, nếu không hiểu lời giải trong ví dụ minh họa, mình chỉ cần chụp lại và nhờ AI giải thích chi tiết. Điều này giúp mình theo kịp tiến độ học tập trên lớp, và nếu gặp chỗ khó, mình vẫn có thể tự học mà không quá phụ thuộc vào giảng viên", Hoài An cho biết.
Tương tự, Trần Hoàng Minh (sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay bản thân thường xuyên dùng AI để hỗ trợ học tập, đặc biệt trong các môn liên quan đến lý thuyết truyền thông và thiết kế đồ họa.
Minh sử dụng AI để nhanh chóng tra cứu các thông tin và nghiên cứu phức tạp, sau đó đào sâu vào nội dung bài học. "Tuy nhiên, thông tin từ AI vẫn cần phải được kiểm chứng cẩn thận, vì có lúc độ chính xác chưa cao", Minh nói.
Nếu biết cách sử dụng và không lạm dụng, công cụ ChatGPT được đánh giá sẽ hỗ trợ tốt cho sinh viên trong việc học tập. (Ảnh: Hải Yến)
Sau hơn 2 năm tìm hiểu và sử dụng các công cụ AI như ChatGPT và Claude AI, Trần Minh Thư, sinh viên ngành Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao, nhận định rằng AI hiện nay "gắn bó mật thiết" với hầu hết các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của cô nàng: “Ban đầu mình lo ngại AI có thể làm giảm nhu cầu tuyển dụng, nhưng thực tế chứng minh đây là công cụ hữu ích để chúng mình cải thiện và nâng cao chất lượng bài tập của mình,” Thư chia sẻ.
Nữ sinh cho rằng các công cụ AI có thể giúp tóm lược khối lượng lớn tài liệu trong thời gian ngắn hoặc hỗ trợ phân tích, đánh giá các vấn đề mà giảng viên đưa ra. “Ví dụ, trong một môn chuyên ngành về giao tiếp quốc tế, AI có thể cung cấp thông tin tổng quan cũng như các luồng ý kiến phổ biến, giúp mình có cái nhìn đa chiều và sâu hơn,” Thư nói.
Khi thực hiện nghiên cứu khoa học, Thư cho biết bản thân có thể tải các file PDF lên và nhờ AI “đọc” rồi tóm tắt các ý chính, hỗ trợ việc tổng hợp tài liệu. AI còn có thể gợi ý các câu hỏi nghiên cứu cũng như cấu trúc đề cương, giúp những người mới bắt đầu làm quen với nghiên cứu có được định hướng cụ thể hơn. “Hai kỹ năng cần thiết để sử dụng AI hiệu quả là kiểm chứng thông tin và biết cách đưa ra câu lệnh phù hợp,” nữ sinh cho hay.
Anh Nguyễn Ngọc Tuyên, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, lập trình viên web3 tại một công ty công nghệ nhận định rằng AI đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng.
Việc áp dụng AI trong học tập giúp sinh viên xây dựng tư duy hệ thống, đồng thời nâng cao khả năng phản biện. Nhờ đó, các vấn đề có thể được giải quyết nhanh chóng và chính xác dựa trên cơ sở dữ liệu.
"AI còn giúp sinh viên tối ưu hóa thời gian học, lập ra các kế hoạch học tập phù hợp với từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo và nghiên cứu", anh Tuyên chia sẻ.
Còn nhiều bất cập khi sử dụng AI trong học tập
Việc sử dụng AI đã trở thành xu hướng mới trong việc học tập tại đại học, tuy nhiên, L.T.H. (sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết không phải lúc nào AI cũng cung cấp dữ liệu chính xác. "Có lần mình bị nhầm thông tin về thời điểm và tên một sự kiện chỉ vì quá tin tưởng vào kết quả AI đưa ra," H. chia sẻ.
Từ khi bắt đầu dùng AI trong học tập và công việc, H. nhận thấy thói quen tự tra cứu và tổng hợp thông tin của mình giảm đi đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ những kiến thức vừa mới tìm hiểu.
Một nữ sinh đang sử dụng AI để tra cứu thông tin học tập. (Ảnh: Lan Hương)
"Theo góc nhìn cá nhân, việc lạm dụng AI có thể làm sinh viên mất đi kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, vì cảm thấy không cần phải tương tác với bạn bè hay giảng viên nữa. Điều này dễ dẫn đến cảm giác bị cô lập và thiếu kỹ năng xã hội. Ngoài ra, còn có nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân", H. bày tỏ.
Chàng trai 21 tuổi cũng cho biết, việc quá phụ thuộc vào AI có thể nảy sinh những vấn đề về đạo đức như gian lận trong học tập, thi cử. "Mình đã thấy một số bạn dùng AI để hoàn thành bài tập và đạt điểm rất cao, trong khi những bạn tự làm lại gặp khó khăn. Nếu không có biện pháp kiểm soát, điều này sẽ làm suy giảm chất lượng giáo dục và gây mất công bằng trong việc đánh giá kết quả học tập", H. chia sẻ.
Trong bối cảnh AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong học tập, chuyên gia công nghệ Nguyễn Ngọc Tuyên nhấn mạnh rằng việc lạm dụng công nghệ này có thể dẫn đến một số hệ quả tiêu cực cho sinh viên. Theo anh, một trong những vấn đề khi lạm dụng AI chính là sự suy giảm khả năng tư duy phản biện của sinh viên: "Khi sinh viên quá phụ thuộc vào AI để tìm kiếm thông tin hoặc giải quyết bài tập, các bạn có thể bỏ qua cơ hội rèn luyện khả năng tư duy và phân tích".
Đồng thời, việc sử dụng AI "vô tội vạ" có thể làm giảm khả năng sáng tạo của sinh viên: "Khi quá phụ thuộc vào AI, sinh viên có thể trở nên lười suy nghĩ và không phát triển được các ý tưởng sáng tạo của riêng mình. AI có thể cung cấp đáp án nhanh chóng, nhưng không thể thay thế khả năng tư duy độc lập và sáng tạo của con người", anh giải thích.
Bên cạnh đó, chuyên gia nhấn mạnh rằng việc sử dụng AI có thể gây ra các vấn đề về vi phạm bản quyền: "Việc sinh viên sử dụng AI để tạo ra nội dung học tập mà không đúng phép có thể dẫn đến vi phạm bản quyền", anh kết luận.
AI đã thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Tương lai không xa nó sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống con người, đồng thời đe doạ tới công việc của hàng triệu người.
Nguồn: [Link nguồn]