Sinh viên đi xe buýt được cộng điểm rèn luyện
Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu cộng điểm rèn luyện cho sinh viên đi xe buýt, khiến nhiều người thích thú.
Trường cho biết việc này nhằm khuyến khích sinh viên đi xe buýt, góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giúp tiết kiệm chi phí và rèn luyện sức khỏe, thói quen đúng giờ.
Sinh viên nộp minh chứng bằng vé tháng xe bus, được cộng tối đa 11/100 điểm rèn luyện.
"Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn góp phần thúc đẩy văn hóa xe buýt ở thủ đô", trường cho hay. Đây là lần đầu có đại học cộng điểm rèn luyện cho sinh viên bằng hình thức này.
Hôm qua, ngay khi trường đăng tin trên fanpage, hàng nghìn sinh viên tương tác, hầu hết ủng hộ.
Nhiều em vui mừng vì sẽ "kiếm" điểm rèn luyện dễ hơn, lại thiết thực hơn một số hoạt động khác. Một số nhìn nhận "đi bộ, đi xe đạp" cũng bảo vệ môi trường và rèn luyện sức khỏe, gợi ý trường cộng điểm...
Đức Huy, sinh viên năm thứ hai, đánh giá đây là chính sách hay. Em cũng đến trường hàng ngày bằng xe buýt. Nam sinh chỉ băn khoăn nếu nộp minh chứng là vé tháng xe bus, sinh viên có thể gian lận để được cộng điểm.
Bách khoa Hà Nội hiện có khoảng 30.000 sinh viên hệ đại học. 17 tuyến xe buýt có điểm dừng gần trường (cổng Parabol đường Giải Phóng, cổng Đại Cồ Việt và sân vận động Bách khoa). Vé xe tháng với sinh viên là 55.000 đồng (đi một tuyến) và 100.000 đồng (liên tuyến), bằng một nửa so với giá thông thường.
Trường cho hay chưa thống kê cụ thể số sinh viên đến trường bằng xe buýt nhưng quan sát thực tế cho thấy rất nhiều em dùng phương tiện này.
Sinh viên Bách khoa Hà Nội chờ xe buýt trên đường Giải Phóng, sáng 20/9. Ảnh: Doãn Hùng
Việc đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên được thực hiện theo Thông tư 16 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường đánh giá người học dựa trên các tiêu chí: ý thức học tập; chấp hành nội quy; tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao; quan hệ cộng đồng; tham gia công tác cán bộ lớp, các đoàn thể, tổ chức trong trường hoặc đạt thành tích đặc biệt.
Điểm rèn luyện được tính theo thang 100. Sinh viên đạt từ 90 đến 100 được xếp loại xuất sắc, 80 đến dưới 90 tốt, 65 đến dưới 80 khá, 50 đến dưới 65 trung bình, còn lại là yếu và kém.
Điểm này được dùng để xét duyệt học bổng, xét khen thưởng - kỷ luật, xét thôi học, ở ký túc xá và các ưu tiên khác, tùy từng trường. Đây cũng là căn cứ để xét sinh viên thi hay làm khóa luận tốt nghiệp.
Thông thường, các đại học công bố danh sách hoạt động được tính điểm rèn luyện, chủ yếu là tham gia hội thảo, đi tình nguyện, hiến máu nhân đạo...
Tùy loại học bổng, sinh viên có thể tiết kiệm vài chục triệu đồng học phí một năm hoặc trang trải một phần chi phí học tập, sinh hoạt.
Nguồn: [Link nguồn]