Sinh viên đi làm thêm: Rèn kỹ năng nhưng cũng nhiều cám dỗ!
Làm thêm cũng là cách để sinh viên cọ xát với thực tế công việc, học hỏi kinh nghiệm và nhất là có thu nhập nhưng cần tránh dành thời gian đi làm quá nhiều khiến sức khỏe, học tập sa sút.
Sinh viên Trường ĐH Mở TP HCM tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại ngày hội việc làm do trường tổ chức vào tháng 8-2022
ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Tổ chức Sự kiện, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP HCM) cho rằng làm thêm là chủ đề mà sinh viên rất quan tâm, nhất là ở giai đoạn năm thứ ba, thứ tư. Những năm gần đây, mức học phí của các trường tăng cao, giá cả tại thành phố lớn khá đắt đỏ khiến sinh viên tìm việc làm nhiều hơn. Bên cạnh đó, xu hướng sống độc lập, giảm sự phụ thuộc vào phụ huynh khiến sinh viên đi làm từ rất sớm.
Có thêm thu nhập
Theo ThS Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông- Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, sinh viên đi làm thêm thường xuất phát từ 3 đối tượng: sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cần việc làm để có thu nhập trang trải việc học và sinh hoạt; nhóm này chiếm số lượng nhiều và cũng phát sinh nhiều vấn đề; sinh viên làm thêm để có kinh nghiệm và trải nghiệm nghề nghiệp- nhóm này thường tập trung ở sinh viên năm 3, 4, các sinh viên này rất chủ động trong việc làm thêm, có ý thức và mục tiêu rõ ràng, không bị áp lực lớn về kinh tế; sinh viên đi làm để có thu nhập và kinh nghiệm- nhóm này chiếm số lượng đông nhất. ThS Thoa cho rằng dù là đối tượng nào thì việc đi làm thêm sẽ giúp sinh viên có thêm một phần kinh phí hỗ trợ học tập và sinh hoạt đồng thời nâng cao năng lực giao tiếp trong môi trường lao động, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng, rèn luyện thái độ tích cực, có ý thức lao động, giá trị đồng tiền.
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính- Marketing, cho rằng sinh viên đi làm thêm sẽ tạo ra cơ hội mở để rèn thêm nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thích ứng với môi trường, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập… đặc biệt là sinh viên có một CV (tạm gọi là hồ sơ xin việc) tốt sau khi tốt nghiệp ra trường như một kinh nghiệm thực tế mà nhà tuyển dụng hay đòi hỏi khi đưa ra yêu cầu ứng tuyển. Đi làm thêm cũng giúp cho sinh viên có được kinh nghiệm làm việc thực tế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, giúp các bạn có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng vào quá trình học tập. Tuy nhiên việc đi làm thêm các bạn cũng cần lựa chọn công việc gần nhất có thể với ngành/chuyên ngành học của mình thì sẽ rất tốt cho các bạn.
Đặc biệt, việc sinh viên đi làm thêm sẽ mở rộng mối quan hệ cho mình, nếu sau những việc làm thêm gần với ngành nghề mà các bạn đang học mà sinh viên duy trì được mối quan hệ của mình sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng cho sự phát triển nghề nghiệp của các bạn ở tương lai, cơ hội việc làm rộng mở khi bạn tốt nghiệp ra trường.
Những công việc làm bán thời gian được nhiều sinh viên quan tâm
Đối diện nhiều cám dỗ
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng làm thêm như thế nào và thời gian đi làm thêm như thế nào là hợp lý thì mỗi sinh viên cần suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định nên đi làm hay không.
Theo ThS Phụng, các bạn sinh viên thế hệ Gen z rất giỏi, khi các bạn rời vòng tay gia đình bắt đầu cuộc sống mới xa nhà, cuộc sống sinh viên đầy lo toan từ kinh phí trang trải việc học, ăn ở, đi lại….với suy nghĩ này phần đông sinh viên khao khát tìm kiếm việc làm thêm trong quỹ thời gian của mình để có thể phần nào giúp đỡ gánh nặng cho gia đình. Bên cạnh mặt tích cục, việc sinh viên đi làm thêm cũng phát sinh những hệ luỵ. Đó là những rủi ro khi bạn làm ra tiền và sở hữu đồng tiền mà nhất là đồng tiền mình làm ra, được thoải mái chi tiêu theo nhu cầu cá nhân mình. Từ đó, sẽ thúc đẩy nhu cầu đi làm của các bạn tăng lên, động lực kiếm tiền mạnh mẽ sẽ làm cho bạn quên rằng nhiệm vụ chính của mình tại thời điểm này là đi học, bỏ bê được 1 buổi sẽ tiến đến buổi thứ hai hoặc đang đi học xin về sớm để đi làm và nhiều ngày thì việc học của bạn trở nên chậm trễ…hê lụy sẽ có điểm kém, đôi khi bị tạm dừng học….
ThS Trần Nam cho biết có không ít sinh viên vì dành thời gian đi làm quá nhiều nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian học, hay không còn dành năng lượng nhiều nhất cho việc học tập dẫn đến động lực cho việc học giảm sút, nghỉ để đi làm.
"Tôi đã từng gặp nhiều trường hợp sinh viên nghỉ học giữa chừng vì đi làm, sau đó quay lại để xin học tiếp nhưng quy chế đào tạo không cho phép vì hết thời hạn bào lưu học tập. Đây là điều rất đáng tiếc"- ThS Trần Nam, nói.
ThS Hoàng Thị Thoa cho biết có sinh viên khi đi làm thêm đã sao nhãng việc học do quá đam mê kiếm tiền dẫn đến kết quả học tập kém, thậm chí bị buộc thôi học, đánh mất bản thân chính mình, sa đà vào các thói hư tật xấu, đua đòi, ăn chơi… Những sinh viên này bị mất phương hướng do môi trường công việc làm thêm (phục vụ nhà hàng, quán bar, quán nhậu, karaoke…) tiếp xúc với nhiều thứ cám dỗ vật chất và trở nên hư hỏng… số lượng này chỉ là cá biệt nhưng vẫn có. Thậm chí có nhiều sinh viên đi làm thêm và có suy nghĩ lệch lạc khi cho rằng trong xã hội bây giờ không cần đi học vẫn có thể thành công…
Việc học vẫn phải ưu tiên
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý sinh viên nếu muốn đi làm thêm thì cần sắp xếp quỹ thời gian cho phù hợp, có thể lựa chọn đi làm thêm ở năm nhất và năm hai khi thời gian rãnh của các bạn còn nhiều nếu được các em nên lựa chọn việc làm thêm nào vừa có thể kiếm thêm thu nhập đồng thời hỗ trợ tốt cho ngành/chuyên ngành hay lĩnh vực mà các bạn đang học; đến gần những năm cuối cần tập trung vào học chuyên ngành, vào thực tập để tích lũy đủ kiến thức để tốt nghiệp ra trường, tránh những sự cố đáng tiếc cho việc nợ học phần, chuẩn đầu ra….. và phải xác định thời điểm này bạn đang đi làm cũng chỉ là việc làm thêm, chưa phải là công việc sẽ gắn bó với bạn lâu dài.
"Suy cho cùng mục tiêu của các bạn là sinh viên thì việc học tập phải ưu tiên hàng đầu: đi học và tốt nghiệp ra trường thì vị trí việc làm của các bạn sẽ được vững vàng hơn, nâng tầm giá trị bản thân, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước"- ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, nói.
Theo ThS Thoa, sinh viên cần xác định rõ mục tiêu của việc làm thêm, không nên quá đặt nặng vấn đề thu nhập, tiền… mà tập trung trả lời những câu hỏi như làm công việc này học được gì: kiến thức, kỹ năng…; công việc có tạo cơ hội mở mang các quan hệ xã hội, khám phá bản thân qua công việc làm thêm…
Phía nhà trường cần giáo dục cho sinh viên có nhận thức đúng đắn về việc học, việc làm … tư vấn hướng nghiệp ngày từ năm nhất và duy trì thường xuyên, đồng thời huấn luyện các kỹ năng mềm cần thiết; kết nối các doanh nghiệp uy tín, tạo dữ liệu việc làm cho sinh viên lựa chọn; tư vấn hỗ trợ sv tìm kiếm việc làm phù hợp; kịp thời nắm bắt những khó khăn sinh viên gặp phải trong lúc làm thêm và có hướng hỗ trợ phù hợp.
Đến trường không chỉ để học tập, mà còn là vui chơi, sinh hoạt câu lạc bộ, học năng khiếu, gặp gỡ bạn bè. Nhiều trường học tại TP HCM "hô biến" ngôi trường trở...
Nguồn: [Link nguồn]