Sinh viên Đại học Harvard có phải luôn xuất sắc như nhiều người vẫn nghĩ?
Việc nhóm sinh viên giàu có và có nhiều quan hệ được ưu tiên nhập học đã khiến nhiều người hoài nghi về quy trình tuyển sinh của Đại học Havard.
Đại học Harvard được xem là một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới. Theo đó, nhiều người đã đặt câu hỏi về những tiêu chuẩn đối với những sinh viên muốn đăng ký học tại ngôi trường này. The Guardian cho biết các điều kiện đặt ra với sinh viên muốn vào Đại học Harvard bao gồm điểm học bạ xuất sắc, thành tích nổi bật trong các câu lạc bộ ngoại khoá, có nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí hoặc xuất thân từ gia đình giàu có, có bố hoặc mẹ từng làm việc hoặc học tập tại đó.
Trong đó, tờ báo Anh nhận định chỉ khoảng 57% sinh viên Harvard nhập học bởi thành tích học tập của họ. Trên thực tế, 43% sinh viên còn lại vào Harvard được ưu tiên nhận vào vì có thành tích thể thao nổi bật hoặc những sinh viên xuất thân từ gia đinh có quan hệ với trường, nằm trong danh sách quan tâm của hiệu trưởng (là những người có cha mẹ đóng góp cho trường) hoặc là con của giảng viên, nhân viên trường.
Đại học Harvard là một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới. Ảnh: AP
Được biết, sự cạnh tranh tại Đại học Harvard vô cùng cao. Trong đó, tỷ lệ nhập học khoá mới chỉ còn 3,43%. Đây được xem là tỷ lệ nhập học thấp nhất Đại học Harvard từng ghi nhận dù năm qua, trường đại học đã chứng kiến sự gia tăng của số đơn đăng ký.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều thông tin về quy trình tuyển sinh của Đại học Harvard, nhiều người nhận thấy sự cạnh tranh vào trường đại học danh giá bậc nhất này không chỉ dựa vào năng lực của sinh viên mà còn nằm ở gia đình họ.
Việc này đã tạo ra một sự phân biệt tại đây, với 70% những sinh viên được ưu tiên là người da trắng. Theo nghiên cứu, cơ hội được nhận vào học của một người da trắng sẽ cao gấp 7 lần nếu gia đình họ quyên góp cho Harvard. Trong khi đó, trái ngược hoàn toàn, sinh viên người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á và người gốc Tây Ban Nha được ưu tiên nhập học chỉ chiếm khoảng 16%.
The Guardian nhận định thực tế này không phải mới ở các trường đại học danh giá. Trong đó, tờ báo Anh viết: "Đó luôn là một trò chơi có chút gian lận, một trò chơi áp đảo những người da trắng giàu có".
Ví dụ điển hình là bê bối mua điểm đại học của hàng loạt tỷ phú, người nổi tiếng vào năm 2019, trong đó, hàng chục người giàu có cố gắng trả tiền để kiếm một vị trí con cái của họ tại các ngôi trường danh giá như Đại học Stanford và Đại học Yale.
Các bậc phụ huynh này không ngần ngại chi hàng nghìn USD để thuê người làm bài kiểm tra cho con họ, hối lộ những người giám thị và hối lộ các huấn luyện viên đại học để xác nhận con họ là những vận động viên tài năng. Đã có 50 người bị buộc tội trong vụ bê bối, bao gồm những người nổi tiếng như Felicity Huffman và Lori Loughlin.
The Guardain nhận định khi nói đến vị thế của Đại học Harvard, quy trình tuyển sinh của trường đã tạo ra những lỗ hổng, khiến nhiều người lầm tưởng rằng bất kỳ sinh viên nào của Havard cũng đều xuất sắc, "xứng đáng" là một phần trong nhóm những người ưu tú tại đây.
Harvard và nhiều trường đại học khác từ lâu đã được tôn vinh là trường học danh giá, nơi chỉ dành những bộ óc thiên tài và xuất chúng nhất. Hiện nay, nhiều người trẻ vẫn "thần thánh hoá" Đại học Harvard như vậy. Tuy nhiên, thực tế rất khác. Đại học Harvard vẫn được coi được coi là ngôi trường của những thiên tài nhưng các giảng đường ở đây lại tràn ngập thế hệ con cháu của những người có đặc quyền, những người đáng lẽ sẽ không thể ở đó nếu không phải vì mối quan hệ và tiền bạc của họ.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong một lần kiểm tra bài vở của con trai, người mẹ đã đứng hình khi đọc được bài văn do cậu bé chấp bút.