Sinh viên có cơ hội lấy hai bằng đại học cùng lúc
Từ năm 2020, sinh viên của các đơn vị thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được học hai ngành ở hai trường khác nhau trong cùng hệ thống đại học này.
Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM vừa phê duyệt cho Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) được đào tạo song ngành trình độ ĐH hệ chính quy và sẽ triển khai từ năm 2020.
Đây cũng là năm đầu tiên ĐH Quốc gia TP.HCM cho phép sinh viên (SV) có thể học cùng lúc hai ngành ở hai trường khác nhau trong cùng hệ thống ĐH này.
Học lực năm nhất đạt trung bình khá trở lên
Theo đó, từ năm học 2020-2021, Trường ĐH KHXH&NV sẽ chính thức tuyển sinh đào tạo song ngành cho năm ngành gồm: báo chí, tâm lý học, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Về lịch học, SV tham gia học song ngành theo thời khóa biểu riêng của cơ sở đào tạo nếu tuyển sinh tối thiểu 40 SV/lớp. Nếu trường không đủ, SV phải học theo lịch của hệ đại trà hoặc tích lũy tín chỉ từ hệ đào tạo văn bằng hai.
Nhà trường cũng lưu ý trong thời gian tham gia học song ngành, SV phải luôn đảm bảo khối lượng học tập của chương trình đào tạo thứ nhất theo quy định, không xếp loại học lực từ trung bình khá trở xuống, không nằm trong diện bị cảnh cáo học vụ hoặc đình chỉ của một trong hai chương trình.
Nếu SV không duy trì được điều kiện này sẽ phải ngừng học chương trình đào tạo thứ hai.
Về cấu trúc chương trình, SV phải học chương trình đào tạo thứ hai tối đa là 80 tín chỉ. Các môn học tương đương giữa hai chương trình đào tạo, như khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức bổ trợ, thực tập, khóa luận/luận văn tốt nghiệp có thể được xem xét công nhận chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo.
Về học phí, mức học phí các tín chỉ của chương trình đào tạo thứ hai (không tính các tín chỉ trùng nhau hoặc được công nhận tương đương giữa hai chương trình) được áp dụng mức học phí tín chỉ của cơ sở đào tạo quản lý chương trình đào tạo thứ hai.
Điều kiện cấp bằng và tốt nghiệp, quy định cũng nêu rõ SV phải đảm bảo các điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra theo từng ngành đào tạo và các chứng chỉ tự tích lũy như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng theo quy định của nhà trường.
Ngoài ra, căn cứ vào kết quả học tập và yêu cầu của chương trình đào tạo, điều kiện tiên quyết để xét tốt nghiệp chương trình đào tạo thứ hai cho SV là đã đủ điều kiện tốt nghiệp ngành thứ nhất. Nếu hết thời gian học mà vẫn chưa đủ điều kiện tốt nghiệp ngành thứ hai hoặc cả hai ngành, nhà trường sẽ cấp bảng điểm các môn học đã hoàn thành trong chương trình đào tạo.
Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong một hoạt động ngoại khóa tại trường. Ảnh: MINH TÂN
Sẽ có quy định đầu vào cho từng ngành
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc học song ngành cùng một trường đã có chủ trương từ lâu nhưng chưa có quy định cụ thể và chưa tổ chức thành những lớp riêng. Do đó, đây là năm đầu tiên trường tổ chức học song ngành cho SV cả trong lẫn ngoài trường, miễn thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo TS Hạ, trước đây SV đăng ký học hai ngành nhiều nhưng phần lớn các em học thêm để tăng hiểu biết chứ rất khó để đủ điều kiện tốt nghiệp, vì SV phải theo học lớp chung và tự sắp xếp thời khóa biểu để đảm bảo học đủ chương trình.
Còn hiện nay, trường sẽ thiết kế và xây dựng lại cách tổ chức lớp riêng, có thể học vào cuối tuần hoặc những ngày không trùng lịch học. Nhà trường cũng sẽ công nhận những tín chỉ tương đồng mà các SV đã học ở năm thứ nhất và chỉ học lại một số môn cơ sở chuyên ngành, tránh trùng lắp sẽ gây nặng nề việc học.
Tuy nhiên, TS Hạ cũng lưu ý trường sẽ có thông báo cụ thể việc tuyển sinh cho từng ngành để đảm bảo lựa chọn SV phù hợp, phải có năng lực. Ví dụ để đăng ký học ngôn ngữ Anh, ngoài học lực theo quy định ở ngành thứ nhất, các SV phải có đầu vào theo tổ hợp môn ở khối D1 (toán, văn, tiếng Anh) hoặc SV phải tham gia đợt kiểm tra năng lực tiếng Anh của trường.
“Lấy thêm kiến thức là một việc nhưng để hoàn thành và lấy được bằng tốt nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức, tiền bạc... Do đó, SV nào thấy mình có năng lực thực sự, có tố chất tư duy, kiểm soát về thời gian... và nhất là phải có quyết tâm và nỗ lực thực sự mới chọn học, không nên đăng ký đại sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng học cả hai ngành về sau” - TS Hạ khuyên.
Năm điều kiện để được đăng ký học song ngành
- Là SV đang học ĐH hệ chính quy tại một cơ sở đào tạo thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM;
- Ngành đào tạo của chương trình đào tạo thứ hai phải khác ngành đào tạo của chương trình đào tạo thứ nhất;
- Không có sự khác biệt trong hình thức và trình độ đào tạo giữa hai chương trình đào tạo;
- Đã hoàn thành năm học đầu tiên của chương trình đào tạo thứ nhất và SV thuộc diện xếp loại học lực trung bình khá trở lên;
- Thời gian tối đa được phép học đối với SV học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình đào tạo thứ nhất.
Đối tượng tuyển sinh vào các đơn vị thành viên ĐHQGHN đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục...
Nguồn: [Link nguồn]