Sinh viên “choáng” với mức tăng học phí

Chưa biết mức tăng học phí có nâng cao được chất lượng đào tạo hay không, nhưng bắt đầu từ năm học 2015-2016, mức học phí tính theo biểu mới đã tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình thu nhập thấp, nhất là những gia đình ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa.

Sinh viên “choáng” với mức tăng học phí - 1

Sinh viên Nguyễn Việt (Hòa Bình) “đau đầu” vì mọi thứ đều tăng giá, trong đó có học phí. Ảnh: Q.Anh

Choáng vì học phí lại tăng

Ai cũng biết, sinh viên đi học chốn giảng đường là chỉ có nhiệm vụ học tập, rèn luyện sao cho tốt. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên mối lo chi tiêu luôn là nỗi ám ảnh. Không ít sinh viên đã phải phân tâm khi nghĩ mình là “gánh nặng” của gia đình khi hàng tháng tiêu tốn một khoản tiền lớn, nhất là sinh viên vùng nông thôn ra Hà Nội học đại học. Chưa kể, mức chi tiêu mỗi năm một tăng, nhất là ngay trong năm học này, mức học phí đã được điều chỉnh tăng cao so với năm học trước.

“Đau đầu” vì chuyện phòng trọ, giá cả tăng, đồng thời với thông tin tăng học phí mới, Nguyễn Việt (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) - sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Xem mức tăng học phí hằng năm mà em cảm thấy lo lắng quá. Nếu như năm học trước đóng khoảng 7 triệu đồng/năm thì theo biểu mới sẽ phải đóng gần 10 triệu đồng/năm học, chưa kể các năm sau nữa, mỗi năm một tăng. Khoản học phí đã cao như thế rồi, chưa kể tiền nhà trọ, sinh hoạt phí, học thêm ngoại ngữ, tin học… mỗi tháng cũng tiêu tốn của gia đình em hơn 4 triệu đồng”.

“Gia đình em ở vùng núi, mang tiếng là “khá giả” nhưng thực chất cũng rất khó khăn, kinh tế gia đình cũng chỉ làm chăn nuôi, trồng vườn đồi. Từ hồi đi học, em thấy nhà em kinh tế giảm sút hẳn. Thỉnh thoảng em vẫn thấy bố mẹ phải bán trâu, đi vay tiền cho em lên đóng tiền học, tiền nhà trọ. Thấy cảnh đó em cũng xót xa lắm, cũng định đi làm thêm phụ giúp gia đình, nhưng lương bán thời gian rất thấp, mà đi làm cũng bị ảnh hưởng tới việc học, tham gia các hoạt động ngoại khóa của lớp. Chắc sắp tới em sẽ phải bớt ăn, giảm chi tiêu để tiết kiệm tiền, vì khả năng của gia đình cũng chỉ lo được có thế”, Nguyễn Việt chia sẻ thêm.

Còn với Phạm Anh (Ba Vì, Hà Nội) - sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết: “Xem biểu giá lộ trình tăng học phí mà em cảm thấy “sốc” quá. Bình thường mỗi năm học đóng khoảng 7 triệu đồng tiền học phí, năm học này theo biểu giá đóng học phí thì thấy sẽ phải đóng hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Học phí tăng, nhà trọ, tiền điện, nước, chủ trọ cũng tăng, chưa kể đi chợ nấu ăn cũng thấy giá cả cũng tăng vèo vèo. Tự nấu ăn, đi xe buýt mà mỗi tháng em cũng tiêu tốn hơn 3 triệu đồng, chưa kể tiền học phí. Nhà em gia đình bố mẹ làm nông nghiệp nên đời sống không dư giả gì, mẹ em đã phải vay mượn số tiền khá lớn để em đi học”.

Học phí gần 5 triệu đồng/tháng?

Hẳn là mối lo của sinh viên cũng rất có cơ sở, bởi theo quy định tại Nghị định số 86 của Chính phủ, mức trần học phí đối với trường đại học công lập chưa tự chủ tài chính theo các khối ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020 - 2021. Cụ thể, các ngành: Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật; Nông, Lâm, Thủy sản, sẽ là 610.000 đồng/tháng (năm học 2015-2016), tăng dần lên 980.000 đồng/tháng (năm học 2020 - 2021). Ngành: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch từ 720.000 đồng/tháng, tăng dần lên 1,17 triệu đồng/tháng (năm học 2020 - 2021). Ngành Y - Dược từ 880.000 đồng/tháng tăng dần lên 1,43 triệu đồng/tháng (năm học 2020 – 2021).

Trong khi đó, mức học phí lên đến hàng chục triệu đồng/năm học ở các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Cụ thể, ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật; Nông, Lâm, Thủy sản, học phí ở mức 1,75 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 1,85 triệu đồng/tháng từ năm 2018 đến năm 2020 và 2,5 triệu đồng/tháng từ năm 2020 - 2021. Học phí ngành Khoa học tự nhiên; Kỹ thuật, Công nghệ; Thể dục thể thao, Nghệ thuật; Khách sạn, Du lịch từ 2,05 triệu đồng/tháng đến 2,2 - 2,4 triệu đồng/tháng; ngành Y - Dược cao nhất, 4,4 - 5,05 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ GD&ĐT cũng như lãnh đạo một số trường ĐH, muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải có kinh phí, do đó có việc tăng học phí… việc tăng học phí nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH công lập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để việc tăng học phí không ảnh hưởng lớn đến xã hội và người học thì cùng với lộ trình tăng học phí, Chính phủ và các trường ĐH cần đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên thuộc các diện khó khăn.

Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sẽ vẫn cho con vào học các ngành “hot”, vào trường có mức học phí cao. Nhưng xét rộng ra, nếu các trường này không có chính sách để hỗ trợ sinh viên thì xu thế đây sẽ trở thành các trường chỉ dành cho “con nhà giàu”. Theo đó, cần có các quỹ học bổng đảm bảo cho sinh viên đủ chi trả học phí, nhất là với những sinh viên khó khăn”.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: “Theo tôi, không phải cứ tăng học phí nhiều thì chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ sẽ tăng theo. Do đó, Nhà nước phải yêu cầu các trường làm rõ cơ sở của mức tăng học phí mới, đặc biệt là các trường tự chủ tài chính, tất cả phải được minh bạch, công khai. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn dài hạn không lấy lãi hay cấp học bổng để giúp sinh viên nghèo có cơ hội đi học và theo học tại các trường”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN