Sinh viên bị đình chỉ học: Trường “rắn”, hay sinh viên quá ham chơi?

Sự kiện: Giáo dục

Nhìn vào danh sách hàng nghìn sinh viên bị cảnh báo, thậm chí bị buộc thôi học hằng năm ở các trường đại học khiến không ít người ngạc nhiên. Bởi kỷ luật “rắn” và quy chuẩn “đầu ra” ngày càng ngặt nghèo là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xảy ra đối với sinh viên.

Sinh viên bị đình chỉ học: Trường “rắn”, hay sinh viên quá ham chơi? - 1

Nhiều trường đại học cho biết, sẽ siết chặt “đầu ra” để đảm bảo uy tín. Ảnh minh họa: Q.Anh

Những con số “giật mình”

Có thể nói, những năm gần đây, việc áp dụng kỳ thi THPT Quốc gia và các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh tạo cơ hội cho học sinh bước chân vào con đường đại học, thậm chí chỉ cần có học lực trung bình khá cũng có thể trúng tuyển thông qua hình thức xét tuyển qua học bạ THPT. Chỉ cần tốt nghiệp THPT, học sinh đã có thể bước vào giảng đường đại học. Mà tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao, nhiều địa phương thậm chí đạt 100%. Nhiều năm gần đây, dù điểm chuẩn ở mức thấp, nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Đi đôi với việc “đầu vào” có phần ngày càng dễ lại là hình ảnh nhiều sinh viên đại học bị cảnh cáo, buộc thôi học do các lý do như: Điểm kém, bỏ học nhiều, gian lận thi cử… Điều đáng nói, không chỉ hàng chục mà có hàng trăm sinh viên rơi vào tình trạng “báo động” này cho thấy thực trạng đáng báo động việc sinh viên không đáp ứng yêu cầu chương trình đại học hoặc bỏ bê việc học. Mới đây nhất, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa buộc thôi học 438 sinh viên, trong đó số thuộc hệ đào tạo chất lượng cao chiếm nhiều nhất với 228 người. Lý do trường đưa ra là những sinh viên này không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp THPT để kiểm tra và đối chiếu hồ sơ.

Tương tự, Đại học Giao thông Vận tải TPHCM vừa qua cũng đã công bố dự thảo kết quả rèn luyện sinh viên năm học 2017-2018, trong đó có khoảng 900 sinh viên dự kiến có kết quả rèn luyện 0 điểm, kết quả rèn luyện xếp loại kém. Đại học Luật TP HCM cũng đình chỉ và buộc thôi học với hàng trăm sinh viên. Riêng năm 2017, đã có gần 200 sinh viên bị buộc thôi học, đình chỉ một năm hoặc cảnh cáo học vụ do đạt kết quả kém trong học tập… Không chỉ ở những trường này, thời gian qua, câu chuyện hàng trăm, nghìn sinh viên bị cảnh cáo, buộc thôi học ở một trường đại học nào đó sau mỗi học kỳ đã trở nên khá phổ biến.

Lấy dẫn chứng từ nhà trường, hàng năm có tới hàng trăm sinh viên bị thôi học, PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, có một thực trạng là sinh viên hiện nay có tư tưởng vào đại học để chơi, để xả hơi sau 12 năm học phổ thông, suy nghĩ này khá phổ biến và đây là sai lầm vì vào đại học càng phải học nhiều hơn nữa. Nếu không theo kịp chương trình, các em hoàn toàn bị nhắc nhở, cảnh cáo, buộc thôi học, như vậy lãng phí thời gian, tiền bạc của chính các em và gia đình.

Áp dụng kỷ luật mạnh là cần thiết?

Cũng theo PGS Trần Văn Tớp, lý do của sinh viên bị cảnh cáo, đình chỉ học, buộc thôi học chủ yếu là do các em mải chơi, chứ chương trình học hiện nay đã được thiết kế phù hợp với ngưỡng “đầu vào” của các em. Nghĩa là để trúng tuyển, các em đều có năng lực, còn nếu theo kịp hay không phụ thuộc vào ý thức học tập của chính các em. Nhiều sinh viên, nhất là những em xa gia đình thiếu sự kèm cặp, bảo ban dẫn đến chơi điện tử, làm thêm mà không tập trung vào việc học.

“Việc đưa ra các hình thức từ tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo và kỷ luật đối với sinh viên là cần thiết. ĐH Bách Khoa Hà Nội luôn có các chế độ cảnh cáo, nhắc nhở đối với các sinh viên của trường. Thông qua các câu lạc bộ, hoạt động đoàn thể tuyên truyền sinh viên hạn chế tác hại của trò chơi điện tử, các hoạt động làm ảnh hưởng đến học tập. Ngoài ra, có đội ngũ cố vấn học tập, cán bộ quản lý lớp, giảng viên tư vấn thêm giúp sinh viên nâng cao ý thức học tập. Rất vui là tỷ lệ sinh viên bị buộc thôi học tại trường hiện nay cũng đã giảm đáng kể so với những năm trước”, PGS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Không chỉ riêng ĐH Bách Khoa Hà Nội, khâu siết chặt “đầu ra” hiện nay cũng khá phổ biến tại các trường đại học, nhất là trong các trường “top đầu”, dù luôn xây dựng danh tiếng, song không ngại cho sinh viên tốt nghiệp muộn vì học lại, hoặc buộc thôi học. Theo một số trường đại học, lý do các trường muốn siết chặt kỷ luật hiện nay cũng một phần tâm lý của sinh viên chưa nghiêm túc trong việc học, ngoài ra yếu tố sinh viên ra trường có việc làm, được xã hội đánh giá cao sẽ làm tăng uy tín và tạo sức hút của trường trong công tác tuyển sinh.

Ủng hộ các trường đại học hiện nay cần phải “rắn” đối với sinh viên mải chơi, không màng việc học, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học – Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Hiện nay, nhiều sinh viên có tư tưởng lệch lạc là vào đại học để chơi, sa đà vào ăn chơi, tệ nạn xã hội… Nhiều sinh viên vào đại học mà không biết mình học để làm gì, giúp ích gì cho xã hội. Do đó, ngoài công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức, xây dựng lý tưởng học tập. Cũng cần kỷ luật nghiêm minh, có chế tài xử lý các trường hợp sinh viên vi phạm các quy định của nhà trường. Không phải cứ đỗ đại học rồi học thế nào cũng được cấp bằng”.

Lãnh đạo một số trường đại học cho hay, chuyện sinh viên bị cảnh cáo, đình chỉ, đuổi học là chuyện “bình thường” hàng năm. Ngoài chuyện điểm số ở môn học, còn nhiều sinh viên bị cấm thi, đuổi học vì học hộ, thi hộ, hay vắng mặt quá số buổi theo quy định. Ngoài ra, một số trường cũng đặt cao tính kỷ luật với sinh viên trong giữ gìn ý thức vệ sinh, môi trường, thậm chí là chuyện trang phục, sử dụng điện thoại trong giờ học…

Vì sao hàng trăm sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bị đuổi học?

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vừa buộc thôi học 438 sinh viên (SV), trong đó số thuộc hệ đào tạo chất lượng cao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN