Siết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

Sự kiện: Sau đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ siết chặt các quy định liên quan đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đặc biệt trong việc mở ngành và đánh giá chương trình đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 38 về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Muốn mở ngành phải có dự báo nhu cầu nhân lực

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), sau gần 5 năm thực hiện, một số nội dung của Thông tư 38 quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ không còn phù hợp, vì vậy cần phải có những thay đổi cho phù hợp thực tế.

Siết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ - 1

Thêm nhiều quy định trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ Ảnh: Tấn Thạnh

Dự kiến trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ quy định chặt chẽ hơn các điều kiện về đội ngũ giảng viên cũng như quy trình kiểm tra xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng thực tế ở cơ sở đào tạo. Cụ thể, về đào tạo thạc sĩ, Bộ GD-ĐT dự kiến phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo và không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 3 người cùng ngành.

Việc mở mới các ngành học trình độ thạc sĩ dự kiến cũng khó khăn hơn các quy định hiện hành. Cụ thể, để được mở mới ngành đào tạo trình độ thạc sĩ trong trường hợp tên ngành đào tạo mới chưa có trong danh mục đào tạo, nếu theo quy định hiện hành các trường chỉ phải bảo đảm trình bày luận cứ khoa học về ngành hoặc chuyên ngành đào tạo mới đã được hội đồng khoa học đào tạo của cơ sở đào tạo thông qua; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới, kèm theo chương trình đào tạo tham khảo của một số trường ĐH đã được kiểm định ở nước ngoài thì ở quy định mới, các trường phải làm rõ luận cứ khoa học cũng như dự báo nhu cầu của xã hội về ngành đào tạo này. Ngoài ra, phải có ít nhất 2 ý kiến đồng thuận về chương trình đào tạo của cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Thêm vào đó, sau 2 khóa tốt nghiệp, cơ sở đào tạo còn phải tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo, việc làm của người học sau khi đào tạo; ý kiến của người sử dụng lao động về chương trình đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để làm cơ sở đề nghị GD-ĐT cho phép tiếp tục đào tạo và bổ sung tên ngành mới vào danh mục đào tạo hoặc dừng đào tạo.

Nhiều băn khoăn

Dự kiến quy trình xem xét cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ sẽ siết chặt. Đối với các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe, kỹ thuật - công nghệ, các ngành lần đầu tiên được đề nghị đào tạo ở Việt Nam và các ngành đào tạo mới chưa có trong danh mục đào tạo, ngoài thành phần quy định (ít nhất 3 người gồm lãnh đạo sở GD-ĐT, phòng tổ chức cán bộ, chuyên viên có chuyên môn liên quan đến lĩnh vực kiểm tra cơ sở vật chất), đoàn kiểm tra phải có thêm một người đại diện của cơ quan quản lý cấp tỉnh đối với ngành liên quan và một chuyên gia am hiểu về trang thiết bị cần thiết đối với ngành đề nghị cho phép đào tạo. Việc kiểm tra, xác nhận điều kiện thực tế các ngành thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổ chức thực hiện.

Tương tự, các cơ sở đào tạo khi đề nghị đào tạo tiến sĩ phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo, không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư và 3 tiến sĩ cùng ngành... Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng “nới” cho các trường khi quy định đối với các ngành lần đầu tiên được đề nghị cho phép đào tạo ở Việt Nam, không có tên trong danh mục đào tạo, nếu không có đủ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cùng ngành theo quy định thì có thể thay thế bằng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngành gần. Các giảng viên ngành gần này phải có kinh nghiệm giảng dạy trình độ ĐH, thạc sĩ (ngành gần) ít nhất 5 năm và có ít nhất 2 công trình khoa học thuộc lĩnh vực ngành đề nghị cho phép đào tạo.

Một chuyên gia nhiều năm theo dõi giáo dục ĐH khẳng định rằng cần phải siết lại việc đào tạo mở ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bởi không phải chỉ việc mở ngành mà ngay cả đào tạo và chất lượng đào tạo bậc học này cũng đang có vấn đề.

Liên quan đến quy định phải có ý kiến phản hồi của người sử dụng lao động sau 2 khóa đào tạo đang khiến không ít trường băn khoăn, chuyên gia này nhấn mạnh đây là quy định cần thiết. “Từ trước đến nay, các trường cứ đào tạo xong là thôi. Nhưng kinh nghiệm các nước cho thấy để xã hội tin tưởng thì phải có phản hồi của người tốt nghiệp đi làm về chương trình đào tạo cũng như người sử dụng lao động về chất lượng nhân lực được đào tạo, có cần phải bổ sung gì không?” - chuyên gia này nói.

Tuy nhiên, không ít lãnh đạo các trường ĐH cũng băn khoăn quy định phải có ít nhất 2 ý kiến đồng thuận về chương trình đào tạo của cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực mới được mở ngành có thể gây khó cho các trường. “Điều này có thật sự cần thiết hay không và mục tiêu đặt ra để làm gì? Chúng tôi đồng ý phải khảo sát trước khi mở ngành nhưng việc phải có ý kiến của nơi sử dụng nhân lực thì không hợp lý. Chúng tôi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không phải để cho một nơi nào đó. Một đơn vị nhiều lắm chỉ nhận được 1-2 người trong một khóa đào tạo, làm sao giống như đặt hàng trong đào tạo ĐH, Bộ GD-ĐT nên xem lại” - hiệu trưởng một trường ĐH đề nghị.

ĐHQG được phép mở ngành

Cũng theo quy định mới, giám đốc ĐHQG, thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia, thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động được quyết định mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong danh mục đào tạo và thí điểm mở ngành mới chưa có trong danh mục đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khi cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Sau đại học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN