SGK sau 2015 được thiết kế như thế nào?

Theo thiết kế ban đầu của Bộ GD-ĐT, hệ thống giáo dục sau năm 2015 theo hướng, thi tốt nghiệp THPT được giữ nguyên, các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Hệ thống các môn học và hoạt động giáo dục có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.

Ngày 26/27/10, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo hệ thống môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bộ đã đưa ra dự kiến ban đầu về nội dung các môn học và hoạt động giáo dục để các chuyên gia giáo dục đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm…nhằm hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục đổi mới.

Thiết kế nội dung học dưới dạng câu chuyện lịch sử

Đại diện Bộ GD, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, nội dung chương trình học sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng số môn học chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn. Với các môn học tích hợp nhiều lĩnh vực như tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội sẽ tăng cường thiết kế các nội dung dạy học dưới dạng câu chuyện lịch sử; câu chuyện về các hiện tượng tự nhiên và xã hội nhằm giúp học sinh có được hiểu biết sơ giản, gần gũi về hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh.

SGK sau 2015 được thiết kế như thế nào? - 1

Hệ thống giáo dục sau năm 2015 có nhiều đổi mới theo hướng giữ nguyên thi tốt nghiệp THPT, các trường tự chủ trong việc tuyển sinh. Ảnh Đức Nguyễn

Nội dung giáo dục Đạo đức - Công dân ở lớp 1 và 2 sẽ tích hợp vào các môn học tìm hiểu tự nhiên xã hội và môn Ngữ văn dưới dạng các bài đọc, câu chuyện kể sinh động và hấp dẫn về phương diện đạo đức. Từ lớp 3 đến 5, môn Đạo đức được học thành một môn học tách riêng nhưng vẫn tiếp tục hướng nội dung chuyển tải tới học sinh qua câu chuyện, bài học hay.

Ở bậc Trung học cơ sở, so với hiện nay, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn Lý, Hóa, Sinh khoa học về trái đất bằng cách sắp xếp mỗi môn học gần nhau nhằm soi sáng và liên hệ lẫn nhau. Đồng thời, môn khoa học xã hội được tích hợp chủ yếu từ các môn Lịch sử, Địa lý và một số nội dung về kinh tế, xã hội cũng được thiết kế tương tự như môn Khoa học tự nhiên.

Bậc trung học phổ thông, ở lớp 10 là giai đoạn “dự hướng”, các môn học được tích hợp ở THCS sẽ tách thành các môn học độc lập: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý (tương tự như hiện nay). Tuy nhiên, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống cuộc sống, giúp học sinh làm quen và chuẩn bị lựa chọn các nội dung sẽ học ở lớp 11,12.  Hai lớp này là giai đoạn phân hóa sâu, định hướng nghề nghiệp, chương trình và sách giáo khoa sẽ có nội dung giảm nhẹ hơn hiện nay. Đồng thời hệ thống chương trình học sẽ phân thành những môn học bắt buộc và môn tự chọn.

Trường đại học tự chủ tuyển sinh

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD-ĐT, hoạt động giáo dục sau năm 2015 có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Đề thi ra theo hướng không chỉ tập trung vào việc học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không. Định hướng này buộc đề thi không chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo.

Việc công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ kết hợp kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi, kiểm tra kết thúc(để tốt nghiệp). Đồng thời, công nhận tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất, năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong đến đâu kiểm tra đánh giá đến đấy (hết chương trình, hết phần, hết môn). Kỳ thi tốt nghiệp, đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực lớn như Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội nhân văn. Cũng có thể đề thi chỉ có hai môn Toán và Ngữ văn.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng, các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra hoặc thi thêm một vài môn theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo của mỗi trường.

PGS.TS Thống cho biết, việc đổi mới như trên sẽ khắc phục được cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành. Kết quả kiểm tra, đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan. Đặc biệt, giảm bớt sự cồng kềnh tốn kém của một số kỳ thi, tác động tích cực việc dạy và học.

Hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa có phương án cụ thể về đổi mới thi, nhưng trong thiết kế môn học và các hoạt động giáo dục của chương trình sau năm 2015 vấn đề này được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc.

Hệ thống các môn học bắt buộc sau năm 2015:

+ Lớp 1, Tiếng Việt, Toán, Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội.

+ Lớp 3, Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên và Xã hội.

+ Lớp 4 và 5, Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tìm hiểu Tự nhiên (gồm chủ đề về Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất), Tìm hiểu Xã hội (gồm chủ đề Lịch sử, Địa lý, Giáo dục sức khỏe, Kinh tế gia đình).

+ Cấp trung học cở sở: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Khoa học Tự nhiên (gồm chủ đề về Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, chủ đề liên môn), Khoa học Xã hội (gồm chủ đề Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Xã hội, chủ đề liên môn), Giáo dục công dân, Công nghệ.

+ Cấp phổ thông cơ sở:  Lớp 10,  Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ 1, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ.

Lớp 11 và 12:  Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1.

Môn tự chọn: tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tin học, GDCD, Công nghệ, Xã hội học…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN