SGK sai nhiều do “đẻ” ngược
Rất nhiều “sạn” đã được nhặt trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Những sai sót này được cho là hệ quả tất yếu của một quy trình viết chương trình - sách giáo khoa ngược, lắp ghép và cẩu thả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từng thực hiện một cuộc tổng rà soát chương trình - sách giáo khoa (SGK) cách đây 5 năm. Rất nhiều lỗi sai được phát hiện đã đóng tập gửi về các địa phương nhằm sửa chữa những sai sót đáng tiếc.
Đụng tới là sai
Đơn cử, SGK Giáo dục công dân 10, khi nói đến gia đình đã đưa ra định nghĩa “gia đình là một cộng đồng chung sống và gắn bó với nhau bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống” (trang 82). Từ “cộng đồng” dùng trong hoàn cảnh này rõ ràng là không chính xác.
Để minh chứng cho “con người là chủ thể của lịch sử”, những người biên soạn sách cho rằng: “Cuộc sống, tâm hồn và hoạt động sáng tạo của con người Việt Nam đã tạo nên những kiệt tác được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và thế giới như Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Truyện Kiều của Nguyễn Du…” (trang 55).
Rõ ràng khái niệm “vật thể/phi vật thể” ở đây đã bị hiểu nhầm. Truyện Kiều của Nguyễn Du là truyện thơ chữ Nôm, thuộc về công trình văn hóa “vật thể”. UNESCO chưa bao giờ công nhận Truyện Kiều là di sản văn hóa, chỉ có Nguyễn Du được công nhận là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Lỗi này trong sách tái bản thứ 7-2013 đã được bỏ đi.
Những sách giáo khoa lịch sử có nhiều sai sót
Một ví dụ khác: SGK Lịch sử 10 khi viết về cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (năm 1077) đã trích dẫn phiên âm chữ Hán và bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà (trang 97). Tuy nhiên, cả 2 lần trích dẫn đều thiếu dấu chấm hỏi (?) đặt sau câu Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? (phần phiên âm) và Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm? (phần dịch thơ).
Sách này còn viết “Từ thời Trần, văn học dân tộc ngày càng phát triển. Hàng loạt bài thơ, bài hịch, bài phú nổi tiếng như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú,… cùng hàng loạt tập thơ chữ Hán đã ra đời” (trang 103) có thể khiến học sinh hiểu rằng Nam quốc sơn hà ra đời từ thời Trần.
Thêm một dẫn chứng: Ở trang 148, SGK Lịch sử 8 viết: “Giữa năm 1911, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành xuống làm phụ bếp cho tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin - một tàu buôn của Pháp, để có cơ hội tới các nước phương Tây xem họ làm thế nào, rồi sẽ về giúp đồng bào cứu nước. Cuộc hành trình của Người kéo dài 6 năm, qua nhiều nước ở châu Phi, châu Mỹ, châu Âu”.
Câu văn tối nghĩa này khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Cuộc hành trình của Người” theo cách các tác giả diễn đạt là “hành trình” nào? Hành trình trên con tàu kia hay hành trình suốt dặm dài cứu nước?...
Không khoa học
Lý giải về những sai sót xuất hiện đầy rẫy trong SGK, GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội, cho rằng vì cách làm sách hiện nay không mang tính khoa học, cách thẩm định chương trình - SGK cũng sai quy trình khoa học. Đáng lý chương trình - SGK phải làm xong trước, từ lớp 1 đến lớp 12, rồi mới tiến hành thẩm định. Việc thẩm định kiểu du kích, “vừa chạy vừa xếp hàng”, biên soạn đến đâu thẩm định đến đó rồi triển khai vào trường học không thể đem tới một bộ sách tốt.
“Không ai, kể cả những người có trách nhiệm, hình dung được “tổng thể” chương trình giáo dục” - GS Hãn nhận xét. Ông dùng một hình ảnh khá hài hước để dễ hình dung việc biên soạn và thẩm định SGK: “Hôm nay ta thẩm định cái tay cô hoa hậu, ngày mai đến cái chân, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể như thế nào thì không ai hình dung được!”.
Trong một lần phát biểu về SGK hiện nay, ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục, cũng thừa nhận đây là quy trình ngược. Theo ông, ban đầu chỉ mới có chương trình khung, các tác giả SGK đã đắp “xương thịt” cho nó. Sau khi SGK ra đời, những người làm chương trình mới dựa vào đó để xây dựng chương trình - SGK hoàn thiện và chuẩn. Chính vì quy trình ngược này nên thường xuyên có sự bất đồng quan điểm giữa tác giả viết sách với tác giả chương trình.
GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên SGK môn ngữ văn cơ bản cấp THPT, cho biết khi bắt tay viết sách, có nhiều vấn đề chương trình chưa thống nhất. Nhiều người cho rằng ở phổ thông chỉ dạy văn bản, lại có ý kiến cho rằng phải dạy tác giả, tranh luận suốt mấy buổi.
GS Nguyễn Khắc Phi - nguyên Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giáo dục - tiết lộ trong cuộc hội thảo quốc gia về dạy học văn ở trường phổ thông đầu năm 2013, có những điểm tác giả SGK không đồng tình với tác giả chương trình và đề nghị sửa. Tuy nhiên, có lúc tác giả chương trình bảo lưu ý kiến, khi thì đồng ý nhưng không sửa kịp hoặc rất khó sửa. Chính vì điều này mà nội dung SGK có nhiều vấn đề khập khiễng, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần.
Trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng chương trình - SGK Giáo dục phổ thông mới đây, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định quy trình biên soạn ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học. GS Đào Trọng Thi, chủ nhiệm ủy ban, nêu rõ: “Thay vì phải xây dựng chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, lớp, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết SGK thì thực tế mới chỉ xây dựng được chương trình khung để tác giả căn cứ vào đó viết SGK. Sau khi có SGK đưa vào dạy thử nghiệm mới xác định chuẩn chương trình và phê duyệt, ban hành. Việc thẩm định chương trình - SGK cũng còn bất cập khi bộ tiêu chí đánh giá chưa được xây dựng đầy đủ ngay từ đầu”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận trong chu kỳ làm SGK trước đây, do thời gian chuẩn bị ngắn, vai trò của tổng chủ biên, chủ biên từng bộ sách các môn của từng năm học và chủ biên của mỗi môn học trong cả hệ thống chưa thực hiện đầy đủ nên chương trình - SGK hiện hành chưa thật sự liên thông, thống nhất.
Không ai chịu trách nhiệm
Khi SGK hiện hành còn đang trong giai đoạn thí điểm, năm 2003, bà Đặng Huỳnh Mai - lúc này là thứ trưởng Bộ GD-ĐT, người trực tiếp chịu trách nhiệm về SGK chương trình tiểu học mới - khẳng định trong quyết định thành lập hội đồng thẩm định (HĐTĐ) quốc gia, bộ quy định rõ hội đồng và các thành viên phải chịu trách nhiệm về chất lượng của từng cuốn sách đã thẩm định. Bà Mai kỳ vọng với việc tăng trách nhiệm cá nhân của những người tham gia biên soạn, thẩm định SGK thì sẽ có được những cuốn sách ít sai sót.
Khi báo chí lên tiếng chất vấn về những “viên sạn” trong SGK, một lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học cho rằng SGK nào còn lỗi thì tác giả và HĐTĐ đều phải chịu trách nhiệm. Liên quan đến việc chỉnh sửa những sai sót trong mỗi lần tái bản sách, vị này khẳng định nếu phát hiện sai sót, các bộ phận chuyên môn phải tập hợp lại, sau đó chuyển cho người biên soạn sách và HĐTĐ.
Sau khi các nhà khoa học lên tiếng, dư luận vào cuộc, Bộ GD-ĐT đã tiến hành rà soát chương trình - SGK, nhiều sai sót được đính chính và gửi về các địa phương vào năm 2008. Tuy nhiên, không ít sai sót qua lần tái bản thứ 11 (năm 2013) vẫn giữ nguyên. Đến nay, dường như chưa thấy ai, kể cả các tác giả lẫn HĐTĐ, chịu trách nhiệm về những sai sót trong SGK hiện hành. “Tôi thấy trách nhiệm ở đây là rất lờ mờ. Cách làm này thật khó chấp nhận. Việc nhà còn phải giao cho một người chịu trách nhiệm, đằng này biên soạn chương trình - SGK quan trọng như thế mà không ai chịu trách nhiệm thì hỏng” - GS Nguyễn Xuân Hãn bức xúc.
Từ chức để phản đối Để phản đối chương trình - SGK tiểu học hiện hành, GS Nguyễn Kế Hào đã có một quyết định gây sốc là từ chức vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT vào năm 2001. GS Hào cho rằng ông biết trước chương trình này sẽ thất bại vì làm ẩu, không có chỉ huy, không có ý tưởng, không có bí quyết và xa rời cuộc sống. Cả GS Nguyễn Kế Hào và GS Nguyễn Xuân Hãn đều cho rằng cách làm sách như đã diễn ra chỉ là những mảnh ghép. “Cứ đi tham khảo nước ngoài, thấy cái này, cái kia hay rồi nhặt về ghép lại thì không thể thành sách hay được. Nhiều người cứ nói đó là hội nhập, đương nhiên phải hội nhập rồi nhưng không có nghĩa là bắt chước, chép lại...” - GS Hãn nhấn mạnh. Trong khi đó, GS Kế Hào nhận định giáo dục của chúng ta không có tính kế thừa, phát triển không bền vững. “Người trước làm sai một ít, người sau chữa thì nó lại phát sinh ra cái sai khác” - ông nhận xét. |
8 bước thực hiện SGK Theo ông Ngô Trần Ái, về đại thể, việc tổ chức biên soạn, biên tập, hoàn thiện bản thảo, thẩm định, in ấn SGK được tiến hành theo 8 bước cơ bản. Bước 1, tập huấn cho tác giả về bộ chương trình chuẩn, các quan điểm cần quán triệt và các yêu cầu cần đạt đối với SGK sẽ biên soạn. Bước 2, xây dựng đề cương SGK, biên soạn một số bài mẫu, lấy ý kiến của chuyên gia và giáo viên về đề cương và bài mẫu, sau đó tổ chức dạy thử một số bài đã biên soạn. Bước 3, tổ chức biên soạn, biên tập, làm hình SGK. Bước 4, tổ chức thẩm định SGK để thí điểm. Bước 5, tổ chức dạy thí điểm SGK, mỗi cuốn 2 vòng. Bước 6, hoàn thiện SGK thí điểm. Bước 7, tổ chức thẩm định SGK ở cấp quốc gia để triển khai đại trà. Bước 8, căn cứ các ý kiến đóng góp, tác giả và biên tập viên hoàn thiện SGK in thử, trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT phê duyệt và in đại trà. |