SGK Địa lý lớp 12 lạc hậu hơn 10 năm: Lỗi tại đâu?

Sự kiện: Giáo dục

'Sau khi Tiền Phong có bài phản ánh dữ liệu liên quan đời sống, kinh tế xã hội của Việt Nam trong SGK Địa lý lớp 12 và Atlat địa lý Việt Nam lạc hậu hơn 10 năm, NXB Giáo dục Việt Nam, chuyên gia địa lý lên tiếng lý giải điều này.

SGK Địa lý lớp 12 lạc hậu hơn 10 năm: Lỗi tại đâu? - 1

Sách giáo khoa Địa lý lớp 12 và Atlat địa lý Việt Nam lạc hậu hơn 10 năm, để học sinh phải học số liệu cũ là lỗi của ai? Ảnh: Ngọc Châu.

Theo ông Trần Trọng Hà, nguyên chuyên viên môn Địa lý, Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT, cập nhật số liệu bao giờ cũng chậm 3-4 năm.  Khi ra sách mới, sách mới cũng chậm ít nhất 2 năm. Tình trạng này Bộ GD&ĐT cũng biết nhưng không khắc phục được.

Sửa một chữ cũng phải xin phép tác giả

Nguyên nhân được ông Hà lý giải từ nhiều phía. Thứ nhất, muốn cập nhật hay sửa gì trong SGK phải xin phép ý kiến tác giả. “Thậm chí, chỉ cần sửa một chữ “trước” thành chữ “sau” cũng phải xin ý kiến”, ông nói.

Thứ hai là kinh phí để thực hiện. Vì kinh phí làm việc này tốn kém nên NXB không điều chỉnh, cập nhật được.

“Theo tôi được biết, khi cập nhật phải mất tiền, phải thuê người. Nếu SGK ghi: tái bản lần thứ… có bổ sung thì mới có cập nhật. Còn nếu chỉ tái bản thì không có cập nhật” - ông Hà cho hay.

Cũng theo ông Hà, lỗi này  nằm ở cơ chế: ai chi tiền cho việc này, lấy tiền ở đâu để làm? Khi muốn  bổ sung, sửa lại thì phải “đặt cọc” với các tác giả. Đặt cọc xong còn tiền in, tiền sửa. Trong khi đó, phần lấy số liệu của nhà nước rất khó khăn.  Lý do nữa là công của tác giả viết SGK rất rẻ. “Một cuốn SGK Địa lý lớp 10 khoảng 200 trang, có tác giả chỉ được vài trăm nghìn. Người ta đi hết cửa nọ cửa kia để xin số liệu thì trả công họ thế nào?” – ông Hà nêu thực tế. Do đó, không tác giả nào muốn làm. Ông Hà nói ông đã từng đề xuất vấn đề này. Bản thân ông, khi được mời làm tổng chủ biên và viết SGK Địa lý chỉ “xung phong” nhận phần Địa lý lớp 10 là phần tự nhiên, ít thay đổi.

Xuất bản tài liệu cập nhật số liệu

Trả lời báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: Thực hiện Nghị quyết 40/QH năm 2000, Bộ GD&ĐT đã triển khai đổi mới chương trình, SGK  và trong giai đoạn đó đã tiến hành triển khai biên soạn SGK theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm tiến hành ở hai lớp từ năm 2002.

SGK nói chung và SGK Địa lý nói riêng đều sử dụng số liệu trong Niên giám thống kê của năm trước kề liền, theo đó những nhận định, đánh giá đều dựa vào đặc thù của môn học và thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của thế giới và nhất là của Việt Nam để biên soạn cho phù hợp với mục tiêu, chương trình và đối tượng ở mỗi cấp. Vì được biên soạn cách đây khá lâu nên số liệu trong SGK không tránh khỏi lạc hậu so với thực tế; song nếu tiến hành cập nhật hằng năm thì phải viết lại nhận định đánh giá và sẽ kéo theo việc thay đổi cấu trúc SGK.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, giáo viên trong quá trình giảng dạy cần phải cập nhật số liệu, bổ sung thêm những nhận định, đánh giá cho phù hợp. Hằng năm, trong các lớp tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên địa lý, bên cạnh việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn, sư phạm, Bộ GD&ĐT  đều nhấn mạnh về việc cập nhật này. Cùng với đó, để giúp giáo viên và học sinh thuận lợi cho việc tìm tài liệu cập nhật thông tin trong SGK, đầu năm 2017 NXB  Giáo dục Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách Các số liệu thống kê về Việt Nam và thế giới phục vụ giảng dạy và học tập địa lý trong nhà trường. 

Tuy nhiên, theo nhận định của giáo viên, NXB Giáo dục Việt Nam cũng như Bộ GD&ĐT không thể đẩy cho giáo viên việc cập nhật số liệu. Vì họ không thể tiếp cận được với nguồn cung cấp số liệu chính thống. Hơn nữa, việc học còn liên quan đến chuyện thi. Nếu học số liệu mới, nhận định mới, nhưng thi vẫn số liệu cũ, đưa ra những nhận định, kết luận cũ thì học sinh sẽ xử lý thế nào?

Đưa kiến thức lạc hậu vào đề thi thử

Đề thi minh họa môn địa lý mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đã có những sai sót về mặt kiến thức, trong đó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN