Sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức khu vực đại học

Sự kiện: Giáo dục

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động mà trước hết thí điểm ở khu vực đại học và một số trường có điều kiện.

Sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức khu vực đại học - 1

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình một số vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên và việc thí điểm chuyển dần giáo viên từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.

Trước những lo lắng của đại biểu Quốc hội về bạo lực học đường, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mới đây bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông.

Hiện bộ này đang thực hiện kế hoạch cùng Trung ương Đoàn để tăng cường môi tường an toàn cho học sinh trong phạm vi cả nhà nước. Đồng thời ban hành chỉ thị, có văn bản gửi tới địa phương, bộ ngành liên quan để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên.

Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính, theo ông Nhạ, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nghị định của Chính phủ về tự chủ, thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ rất quan tâm, sẽ có 6.000 tỷ đồng cho khu vực khó khăn trong nâng cấp cơ sở vật chất, kiên hoá trường lớp. Tuy vậy, ông Nhạ cũng thừa nhận, so với nhu cầu hiện nay còn rất khó khăn nên bộ tiếp tục rà soát điều kiện, chính sách theo tinh thần cố gắng sử dụng hiệu quả nhất và có lộ trình rõ ràng.

Giải trình trước Quốc hội, bộ trưởng cũng đề cập đến một vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua, liên quan đến việc chuyển đổi giáo viên từ công chức, viên chức sang hợp đồng.

Ông Phùng Xuân Nhạ lý giải, bộ đang thực hiện nghị quyết 29 và đặc biệt là nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực. Trong đó động lực trong đội ngũ giáo viên, nhà giáo rất quan trọng.

Cũng theo bộ trưởng, với chế độ công chức, viên chức như hiện nay còn nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là tuyển dụng, đặc biệt là ở bậc phổ thông tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu, nhất là chuyên môn dẫn tới thừa, thiếu rất nhiều. Phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định, dẫn tới khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt phẩm chất năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới dạy theo chương trình mới, dẫn tới chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, sẽ nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động mà trước hết thí điểm ở khu vực đại học và một số trường có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng bởi việc đổi mới khu vực giáo viên, nhà giáo là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo bộ trưởng, nghị quyết 29 có nêu rõ năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp, kết quả và năng lực phẩm chất dạy theo phương pháp mới. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là cần nghiên cứu thật kỹ, thực hiện thật căn cơ.

“Gần đây chúng tôi có trao đổi với các sở, đơn vị giáo dục thì cũng đều nhận được sự nhất trí, dư luận xã hội rất quan tâm đồng hành. Quan trọng là lộ trình bước đi thế nào cho phù hợp với cơ sở và tâm lý giáo viên”, ông Nhạ cho hay.

Bỏ công chức, viên chức: Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp?

"Hiệu trưởng phải có quyền như chủ doanh nghiệp, có quyền tuyển người và bố trí người của mình để thực hiện...

-----------------------------------------------------------------------------------

ĐÓN XEM ĐỀ THI, GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI LỚP 10 SỚM NHẤT TẠI DIEMTHI.24H.COM.VN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN