Sẽ điều chỉnh Quy chế tuyển sinh, Quy chế thi tốt nghiệp
Từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018). Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh.
Từ năm 2025, thi và tuyển sinh sẽ có nhiều đổi mới. Ảnh: Mạnh Thắng
Hôm qua, 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, phương hướng nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Một nội dung được dư luận rất quan tâm là đổi mới trong công tác tuyển sinh đại học từ năm 2025.
Thực tế mùa tuyển sinh năm nay đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Bộ GD&ĐT, các trường ĐH phải đổi mới phương thức xét tuyển, giới hạn quyền tự chủ tuyển sinh để phù hợp với tình hình thực tế. Ghi nhận cho thấy, điểm chuẩn tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) của tất cả các trường đều dâng cao bất thường so với các tổ hợp còn lại. Điều này xuất phát từ phổ điểm môn Ngữ văn năm nay cao hơn năm trước khá nhiều. Chính vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh đạt 9,75/môn thi trong tổ hợp C00 vẫn không trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn vào các trường sư phạm đều tăng, do chính sách về cấp bù học phí, sinh hoạt phí thu hút sinh viên ngày càng đông. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy số lượng học sinh đăng kí vào nhóm ngành sư phạm tăng, chỉ tiêu có hạn, nên thí sinh top trên mới đủ điều kiện để vào học. Đây là dấu hiệu tích cực. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có phương thức tuyển thẳng học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Năm 2024 có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng kí vào các ngành, trong đó có các ngành khoa học xã hội. Do đó, sự cạnh tranh lớn hơn.
TS. Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho biết, điểm chuẩn khối kĩ thuật của trường tăng nhẹ từ 1-1,5 điểm. Nhưng nhìn phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa các tổ hợp xét tuyển ĐH. Như vậy, khâu đề thi cần phải làm chuẩn, chặt chẽ hơn để có kết quả phân hóa tốt hơn. Nhiều trường ĐH năm nay có điểm chuẩn từ 28/30 điểm đến trên 29/30 điểm.
Ông Thạc cho rằng, ở các môn thi Khoa học Xã hội cần đánh giá, xem xét lại. Trường ĐH Thủy lợi đã tiến hành phân tích kết quả thi và kết quả học bạ của thí sinh tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa), A01 (Toán, Lí, Anh), để định hướng cho thí sinh năm tới.
Theo ông Thạc, cơ quan quản lí cần rà soát lại kĩ để khi tổ chức các kì thi, kết quả thi bám sát năng lực thực tế của thí sinh. Trường ĐH Thủy lợi so sánh kết quả tổ hợp A00, A01 hoặc tổ hợp có sự hiện diện của môn Toán thì điểm chuẩn phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp có xu hướng tiệm cận đồng biến. Trường ĐH Thủy lợi cũng phân tích kết quả năm thứ nhất so với các phương thức xét tuyển thì tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) cao hơn, còn các tổ hợp khác không có sự chênh lệch giữa chuẩn đầu vào và kết quả học tập tại trường ĐH.
PGS. TS Nguyễn Đức Sơn cho hay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã bắt đầu nghĩ đến việc tuyển sinh năm 2025 khi các tổ hợp xét tuyển theo chương trình mới (thí sinh thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, còn từ năm nay trở về trước, thí sinh thi 6 môn). Trường đang tính toán định dạng của từng phương thức xét tuyển, tổ hợp trong từng ngành |
Đổi mới tuyển sinh
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định, thời điểm này công tác tuyển sinh năm nay được tổ chức hiệu quả, mang lại tác động tốt, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Một số năm vừa qua, Bộ GD&ĐT nhận thấy các phương thức xét tuyển sớm mang lại cơ hội trúng tuyển tốt hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, gây nên một lượng thí sinh ảo lớn cho các trường ĐH. Đồng thời, tạo ra số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có xu hướng giảm, làm cho điểm chuẩn trúng tuyển xu hướng tăng cao. Vấn đề này cần cân nhắc và các trường cần xem xét lại tính công bằng giữa các phương thức xét tuyển cho thí sinh. Bộ tiếp tục nghiên cứu để có phương án điều chỉnh từ năm 2025 theo hướng đảm bảo ngày càng công bằng, minh bạch.
Cũng theo bà Thủy, Bộ đang nghiên cứu lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan để đưa ra phương án điều chỉnh Quy chế tuyển sinh năm tới theo Quy chế thi tốt nghiệp. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có phương hướng chỉ đạo để điều chỉnh lại các phương thức xét tuyển, đặc biệt lưu ý các phương thức xét tuyển sớm.
PGS. TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, trường ĐH có quyền tự chủ tuyển sinh nên cần có sự tôn trọng nhất định. Thực tế, thời gian qua, có ý kiến từ các trường phổ thông về vấn đề tuyển sinh sớm, ví dụ như chỉ xét tuyển 5 kì học bạ, học sinh không học học kì II năm lớp 12 để hoàn thành chương trình phổ thông.
“Chúng ta đang tìm cách để xử lí hài hòa vấn đề này. Các trường ĐH vẫn có cơ hội sử dụng các phương thức khác nhau để tuyển sinh đầu vào nhưng đồng thời đảm bảo không đi ngược lại giáo dục phổ thông. Yêu cầu đầu vào ĐH hướng tới nâng cao giáo dục phổ thông. Vì vậy đầu vào ĐH không góp phần nâng cao giáo dục phổ thông là không được”, ông Sơn chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ GD-ĐT cho biết, lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27 tháng 6 năm 2025.