Sau vụ nam sinh nhảy từ tầng 3 xuống: Cần làm gì để con thoát khỏi bạo lực học đường?

Sự kiện: Giáo dục

PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ sau vụ việc một nam sinh lớp 9 ở Hà Nội nhảy từ tầng 3 xuống đất do bạn trêu đùa.

Mới đây, một học sinh lớp 9 Trường THCS Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhảy từ tầng 3 xuống đất nghi do bạn trêu đùa đã gây chấn động dư luận. Cụ thể, vụ việc xảy ra vào ngày 21/10, do trời mưa nên lớp 9A4 học tiết Giáo dục thể chất trong nhà đa năng.

Trong khi tham gia các hoạt động nhóm, một số bạn đã chơi đùa, trêu chọc nhau và em H.X.Q bị bạn tụt quần. Lúc đó giáo viên đã nhắc nhở các học sinh. Tuy nhiên, khi lên lớp ở tiết Lịch sử, em Q tiếp tục bị các bạn chế giễu, sau đó xin phép cô giáo ra khỏi lớp đi vệ sinh và ít phút sau, mọi người phát hiện em nằm ở sân trường. Ngay lập tức, nhà trường đã sơ cứu, báo gia đình và đưa em đến bệnh viện cấp cứu. Theo hồ sơ bệnh án, em H.X.Q bị gãy tay, gãy chân, vỡ xương chậu.

Em H.X.Q bị gãy tay, gãy chân, vỡ xương chậu. (Ảnh: T.L).

Em H.X.Q bị gãy tay, gãy chân, vỡ xương chậu. (Ảnh: T.L).

Chưa thực sự chuẩn bị tốt cho học sinh hội nhập về tâm lý với nhà trường

Có nhiều tranh cãi xung quanh nguyên nhân dẫn đến hành động của nam sinh này. Tuy nhiên, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Vụ việc lần này cho thấy, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần đối với học sinh đã được cảnh báo nhưng thực tế chỉ để nghe “cho vui” chứ không biến thành hành động”.  

Theo PGS Trần Thành Nam: “Trước đây đã có cảnh báo sau khủng hoảng đại dịch COVID-19 sẽ đến sức khỏe tâm thần. Có nghĩa là các em quay trở lại trường có thể có những bất ổn tâm lý hoặc tổn thương nhất định. Các em bị “chuội” đi những kỹ năng tương tác thực tế. Khi căng thẳng, các em không có những năng lực giải quyết vấn đề và cách thức giải quyết không được linh hoạt, sáng tạo”.

PGS Trần Thành Nam cho rằng, trong tình huống bạn học sinh này bị bạn “tụt quần”, giáo viên cũng ít nhạy cảm hơn với các em. Đây là hành vi bắt nạt khiến học sinh vô cùng xấu hổ, nếu nhạy cảm hơn, giáo viên đã có cách thức xử lý rốt ráo khiến các học sinh tiếp tục hành vi đó nữa.

Theo PGS Trần Thành Nam, nghỉ học trực tiếp trong thời gian dài khiến học sinh bị ảnh hưởng tâm lý, sự tương tác, ứng xử, các quy tắc chưa kích hoạt lại nên học sinh trêu nhau vô nguyên tắc. Các em yếu các kỹ năng quản lý cảm xúc. Những hiện tượng như vậy mới là cá biệt nhưng phản ánh tình hình chung. Rất nhiều học sinh đến trường nhưng bị tổn thương tinh thần và chưa được hỗ trợ phù hợp.

"Chúng ta chưa thực sự chuẩn bị tốt cho học sinh hội nhập về tâm lý với nhà trường. Vẫn còn cảm giác xa lạ với trường lớp, thầy cô, bạn bè. Rồi đã gây nhau trước đó trên mạng xã hội do không có năng lực số vững chắc để sống an toàn trên không gian mạng dẫn đến nhiều hành vi mất kiểm soát là hệ quả của tổn thương sức khỏe tâm thần, hành xử bốc đồng, hung hăng hơn. Cuối cùng, trong và sau đại dịch, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần của chúng ta bị tê liệt. Hệ thống các phòng tâm lý học đường bị chết lâm sàng, các quy tắc an toàn trong trường học bị lơi lỏng do tất cả quá stress với các nhiệm vụ mới của năm học. Quy tắc ứng xử tại trường học không được củng cố, chỉ treo trên mạng hoặc để trong ngăn kéo nên không có chuyển hóa được thành hành động cụ thể ở các cơ sở giáo dục.

Các cẩm nang hướng dẫn an toàn trường học đã có nhưng việc truyền thông, triển khai còn kém hoặc bị coi nhẹ. Hơn nữa, những tài liệu hướng dẫn này cũng không cụ thể, không cầm tay chỉ việc và được làm bởi các chuyên gia am hiểu lý thuyết nhưng ít thực tiễn nên không thể triển khai một cách khả thi, dễ dàng ở các cơ sở giáo dục”, PGS Trần Thành Nam nói.

Cần làm gì để phòng chống tình trạng bạo lực học đường?

Theo PGS Trần Thành Nam, hiện nay các gia đình và nhà trường mặc dù để tâm hơn hơn với các em trong giấc ngủ, giờ đi học… nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chúng ta cần có thêm năng lực nhận thức sức khỏe tâm thần để nhận diện sớm các biểu hiện của các em.

“Nếu đã phát hiện con bị bắt nạt thì bố mẹ trao đổi với nhà trường chưa? Trao đổi với con kỹ năng ứng xử thế nào khi bị bắt nạt chưa? Trao đổi với phụ huynh, học sinh khác để phòng ngừa cho con mình chưa? Nếu bố mẹ không hànhh động, không chia sẻ thì một phần trách nhiệm của bố mẹ. Nếu đã chia sẻ mà nhà trường coi như bình thường thì đó là nhận thức chưa đúng của thầy cô và nhà trường”, PGS Thành Nam bày tỏ.

Nói về giải pháp để phòng chống tình trạng bạo lực học đường hiện nay, PGS Thành Nam cho rằng, trong các nghiên cứu, khảo sát sau đại dịch của Tổ chức Y tế thế giới, nhóm tuổi thanh thiếu niên từ 11-17 tuổi có ý định tự sát cao nhất. Vì vậy, chúng ta phải làm sao kết nối học sinh với nhà trường, để các em có cảm giác “thuộc về” lớp đó, trường đó. Đây là vấn đề chung, cần đầu tư nghiêm túc nhưng thực tế các em quay trở lại trường đã phải tập trung vào lịch học với những bài tập căng thẳng. Những hiện tượng bắt nạt, bạo lực, tấn công về mặt ngôn ngữ, miệt thị ngoại hình… sau một thời gian nghỉ dịch ít xuất hiện thì nay đã trở lại.

Giải pháp bây giờ là kích hoạt lại hệ thống chăm sóc sức khỏe học đườn, củng cố lại 1uy tắc ứng xử học đường. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các hạng mục an toàn học đường, xây dựng hoặc tái thiết nhóm đặc trách xử lý khủng hoảng trường học, xây dựng lại nhóm hòa giải ngang hàng. Các trường cũng nên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về các chủ đề như sống an toàn trên mạng; kỷ luật tích cực trong lớp học và gia đình, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và vệ sinh sức khỏe tâm thần, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng giải quyết vấn đề. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng bạo lực học đường và những sự việc thương tâm như vừa xảy ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ học sinh nhảy từ tầng 3 xuống đất: 'Kỹ năng hòa giải vấn đề đã bị lụi đi rất nhiều'

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, sau giai đoạn COVID-19, các kỹ năng như xử lý trong tình huống thực, ứng xử thân thiện, hoá giải vấn đề của các em học sinh gần như đã bị “lụi”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN