Sau năm 2020: Các trường cần có phương án tuyển sinh riêng

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT vừa công bố sẽ giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020. Tuy nhiên, từ sau 2020, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu không còn kỳ thi THPT quốc gia, các trường cũng cần nghĩ đến phương án tổ chức tuyển sinh riêng ngay từ bây giờ.

Sau năm 2020: Các trường cần có phương án tuyển sinh riêng - 1

Thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Như Ý.

PGS.Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội,  cho biết sau ba năm triển khai thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, kỳ thi có những mặt tích cực. “Quan điểm cá nhân tôi nên tiếp tục duy trì một thời gian nữa, đồng thời khắc phục những bất cập từ kỳ thi THPT quốc gia 2017 để  cải tiến cho kỳ thi năm 2018 tốt hơn. Rất mừng là Bộ đã công bố lộ trình năm 2018 và những năm tiếp theo. Các trường cũng an tâm về công tác tuyển sinh hơn” – PGS. Trần Văn Tớp chia sẻ. Chính vì vậy, PGS. Trần Văn Tớp khẳng định tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho đến giờ chưa có gì khác biệt so với  năm  2017. Tức là vẫn dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh.

“Tuy vậy, tôi đã yêu cầu các phòng ban quản lý đào tạo của trường đánh giá chất lượng sinh viên tuyển 3 năm gần đây. Cụ thể đánh giá sinh viên nhập học năm 2015, 2016. Còn sinh viên mới nhập học năm 2017 thì đợi hết học kỳ I sẽ đánh giá. Rồi thông qua đánh giá của thầy cô giáo bộ môn để có kết quả thuyết phục hơn. Sau đó so sánh với những sinh viên tuyển sinh theo hình thức 3 chung vào trường năm 2014, 2013. Trên cơ sở đó, hội đồng nhà trường sẽ bàn để có phương án lựa chọn được những sinh viên tốt nhất” – PGS.Trần Văn Tớp khẳng định.  Do đó, theo PGS. Trần Văn Tớp, nếu kết quả phản ánh có sự khác biệt nhiều thì trường sẽ nghiên cứu. Còn nếu không có sự khác biệt thì không cần tổ chức một kỳ thi thêm vì vừa phức tạp, tốn kém, mất công sức của học sinh, phụ huynh.

PGS. Trần Văn Tớp cho biết thêm, nếu phải xem xét phương thức đánh giá riêng thì trường vẫn dùng kết quả thi THPT quốc gia như điều kiện để sơ loại thí sinh. Trong những năm qua, Bách khoa vẫn có vòng sơ loại hồ sơ. Ngưỡng điểm nộp hồ sơ của Bách Khoa khá cao và điểm trúng tuyển cũng tương đồng. PGS. Trần Văn Tớp khẳng định sau  năm 2020, nếu không còn kỳ thi THPT quốc gia thì các trường phải có phương án tuyển sinh riêng của mình. “Tổ chức thi riêng hay liên kết với nhau để thi không đơn giản nên cần có lộ trình chuẩn bị kỹ càng. Bộ đã có lộ trình rõ ràng về thi THPT quốc gia, các trường cũng phải sớm nghĩ đến cách tuyển sinh của mình dài hơi hơn” – PGS. Trần Văn Tớp nói.

Sẽ có điều chỉnh

Trong khi đó, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương, bà Phạm Thu Hương cho biết hiện nay trường có một số chương trình đào tạo: Đại trà, tiên tiến, chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp. Cơ bản trường vẫn giữ ổn định xét tuyển sinh như năm 2017.  Tuy nhiên, trong các chương trình này thì chương trình đào tạo đại trà sẽ có điều chỉnh một chút. Các chương trình còn lại sẽ có đổi mới, cân nhắc tuyển sinh. Sắp tới trường sẽ xây dựng phương án và công bố sớm để thí sinh được biết.

PGS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết nếu Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì trường sẽ vẫn lấy kết quả đó để xét tuyển. Còn sau này Bộ không tổ chức nữa thì lúc đó sẽ có giải pháp tuyển sinh khác. “Tôi cho rằng kết quả thi THPT quốc gia như những năm vừa rồi vẫn tốt. Chỉ có vấn đề cộng điểm ưu tiên. Bộ cần bàn bạc, xem xét điều chỉnh thì sẽ tốt hơn” – PGS. Hinh cho hay.

Còn PGS. TS.Trần Đức Quý, hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, quyết định giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020 của Bộ GD&ĐT là hợp lý. Nếu có thay đổi gì thì đợi đến sau 2020 đổi mới đồng bộ với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với ĐH Công nghiệp, trường đang thực hiện đổi mới giáo dục ĐH trong đó có đổi mới tuyển sinh. “Quan điểm của chúng tôi là trường cũng phải chủ động. Điều này đã được nói rõ trong Luật giáo dục ĐH. Nếu kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ ổn định như 2017 thì trường ĐH Công nghiệp vẫn lấy kết quả của kỳ thi để xét tuyển sinh, vẫn xét bằng 6 tổ hợp” – PGS. Trần Đức Quý nói.  Ông Quý cũng khẳng định, trường đã từng tổ chức thi riêng nhưng tổ chức một kỳ thi như thế rất mất công sức, tốn kém, vất vả. Nhiều khâu có thể gây rủi ro cho trường như làm đề, vận chuyển đề. “Còn nếu khi nào Bộ GD&ĐT thay đổi phương thức thi THPT quốc gia thì trường cũng chủ động có phương án xét tuyển riêng” – Ông Quý chia sẻ.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ không chỉ nằm trong chương trình lớp 12 như năm 2017 mà có thêm chương trình lớp 11. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT. Vị đại diện này cũng cho biết: Đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ có mức độ phân hóa hơn so với đề thi  2017. Bộ không có chủ trương công bố đề thi minh họa. Vì năm 2017, Bộ đã công bố 3 lần. Về cơ bản, cấu trúc đề thi không thay đổi, chỉ điều chỉnh một số chi tiết nhỏ để phân hóa tốt hơn nên không cần thiết phải công bố đề thi minh họa nữa.

Lộ trình thi THPT, tuyển sinh ĐH năm 2018

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện, các trường đại học; về việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN