“Sau kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ sẽ công bố chương trình đổi mới SGK“
Sáng nay (13.6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn của các địa biểu quốc hội. Vấn đề đổi mới sách giáo khoa tiếp tục nóng tại diễn đàn.
Đại biểu Ngô Ngọc Bình (Đoàn TP Hồ Chí Minh) hỏi: Việc biên soạn chương trình sách giáo khoa phổ thông mới, có phải chúng ta đang thiếu những người có đủ năng lực để tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa không? Xin Bộ trưởng cho biết ưu việt của chương trình phổ thông mới so với chương trình hiện hành. Bộ giáo dục và đào tạo sẽ làm gì để huy động tối đa nguồn lực, chất xám của các lực lượng xã hội vào việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông. Đâu là mấu chốt của việc xây dựng chương trình biên soạn sách đạt hiệu quả như mong đợi trong bối cảnh một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, khi nào Bộ giáo dục và đào tạo có thể công bố chương trình tổng kể và chương trình giáo dục phổ thông các môn học?
Cũng vấn đề này ĐBQH Bùi Thị An (TP Hà Nội) hỏi: “Tôi đồng ý chuyện là phải cải tiến và viết lại sách giáo khoa nhưng mà nhạc trưởng của chương trình sách giáo khoa là ai?”
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (Ảnh TTXVN)
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Việc biên soạn sách giáo khoa ở các nước phát triển có cán bộ, chuyên gia chuyên nghiệp trong các viện chuyên nghiên cứu phát triển sách giáo khoa. Còn ở Việt Nam, từ trước đến nay, đều mời các thầy cô giáo có kinh nghiệm, lần này cũng như vậy. Để chuẩn bị cho việc biên soạn sách giáo khoa tới đây, rút kinh nghiệm, chúng tôi đang chuẩn bị lựa chọn từ cán bộ từ các trường đại học sư phạm, viện nghiên cứu đi đào tạo để phát triển chương trình. Các cán bộ, nhà giáo và các khoa học kỹ thuật có được sự lựa chọn của các tổ chức”.
Bộ trưởng cũng chia sẻ: “Đến nay, đã có hơn 200 cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học, các lĩnh vực trong và ngoài giáo dục tham gia xây dựng chương trình. Sau khi tổ chức xong kỳ thi THPT Quốc gia này, chúng tôi sẽ công bố chương trình đã được sự góp ý của nhiều nhà khoa học. Ưu điểm của chương trình mới, khắc phục hạn chế chương trình. Nói tóm tắt về quá tải, đồng thời chuyển chương trình nội dung phương pháp dạy và học đáp ứng như cầu thực tế".
Theo Bộ trưởng, chương trình sách giáo khoa mới, giảm tải chương trình, các cháu sẽ không phải chịu vất vả, phát triển năng lực theo hướng tiếp cận mới.
Vấn đề cần có nhạc trưởng, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình triển khai biên soạn như đại biểu đã nêu, lần làm sách này, chúng tôi có bàn bạc thống nhất. Sẽ có chủ biên toàn bộ chương trình, đồng thời có chủ biên từng môn, từng cấp học. Nói nôm na là chỉ huy theo cả chiều dọc và chiều ngang, có sự phân bố hài hòa, tránh sai sót.