Sau 3 năm cấm dạy thêm, Bộ Giáo dục Trung Quốc tiếp tục 'siết chặt tránh biến tướng'
TRUNG QUỐC - Giải đáp kết quả thực hiện chính sách "giảm kép" sau 3 năm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc - ông Vương Gia Nghị, cho biết tình hình khả quan sẽ tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm.
Tại cuộc họp ngày cuối tháng 9 vừa qua, với chủ đề Thúc đẩy phát triển chất lượng cao do Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc tổ chức, đại diện Bộ Giáo dục nước này cho biết, kết quả sau 3 năm thực hiện chính sách "giảm kép" khả quan.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm tránh biến tướng xảy ra", ông Vương Gia Nghị - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc khẳng định. Để tóm tắt tình hình sau 3 năm thực hiện chính sách, đại diện Bộ Giáo dục nước này gói gọn bằng hai cụm từ "giảm kép" và "tăng kép".
Thứ nhất về "giảm kép", số lượng cơ sở đào tạo các môn chính (Toán, tiếng Anh và tiếng Trung) giảm mạnh, các trung tâm dạy thêm quy mô lớn cơ bản được kiểm soát và siết chặt, đặc biệt là giảm bài tập về nhà và gánh nặng học thêm ngoài trường cho học sinh.
Thứ hai về "tăng kép", khoảng 200.000 trường trên toàn quốc đã triển khai dịch vụ sau giờ học, tỷ lệ học sinh tự nguyện tham gia từ 50% trước khi thực hiện chính sách "giảm kép" lên hơn 90%. Ngoài ra, chất lượng giảng dạy ở các trường cũng được nâng cao rõ rệt.
Ông Vương Gia Nghị - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc. Nguồn ảnh: China News
Ông Vương Gia Nghị cho biết, bước tiếp theo Bộ Giáo dục Trung Quốc sẽ củng cố thành quả của chính sách "giảm kép", nhằm tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh và tăng cường "cộng kép" trong trường học. Nghĩa là, vừa tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, vừa thúc đẩy triển khai dịch vụ sau giờ học trong trường, bằng cách:
Một là mở rộng nguồn lực, củng cố chất lượng giảng dạy ở các trường tiểu học và trung học: Triển khai sâu rộng kế hoạch nâng cao chất lượng, tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên trình độ cao. Đồng thời, Trung Quốc thúc đẩy mạnh quá trình số hóa giáo dục nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận với nguồn lực giáo dục chất lượng cao.
Hai là nâng cao chất lượng, khơi dậy động lực nội tại của hoạt động dạy và học: Tối ưu hóa phương pháp giảng dạy, tăng cường công tác quản lý giảng dạy và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giờ học, đảm bảo giáo viên dạy đủ dạy tốt, học sinh học đủ học tốt. Nước này cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sau giờ học để đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của học sinh.
Ba là tập trung vào thực hành, xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện: Tăng cường các hoạt động thực hành trong các môn học, liên kết các môn học và tổ chức các hoạt động thực tế xã hội, nhằm rèn luyện tư duy sáng tạo, khả năng khám phá của học sinh. Song song là tăng cường giáo dục khoa học thực nghiệm.
Bốn là tăng cường giám sát, tạo lập môi trường quản lý đồng bộ trong và ngoài trường: Hoàn thiện cơ chế quản lý dài hạn và thường xuyên đối với các hoạt động đào tạo bên ngoài trường, nghiêm cấm hoạt động đào tạo môn chính trái phép, tăng cường quản lý các hoạt động đào tạo phi chính khóa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường quản lý nguồn tài chính của các cơ sở đào tạo ngoài trường nhằm ngăn chặn tình trạng thu phí cao bất thường, không kiểm soát.
Về vấn đề đang gây nhiều tranh cãi hiện nay, các trường học ở Trung Quốc bắt đầu tăng thời gian giải lao từ 10 phút lên 15 phút để khuyến khích học sinh vận động, theo Thứ trưởng Vương Gia Nghị đây là biện pháp giúp học sinh nâng cao sức khỏe. "Học sinh cần đảm bảo có ít nhất 2 giờ/ngày hoạt động thể chất, bao gồm một tiết học thể dục và một giờ hoạt động thể chất sau giờ học", ông Nghị nói.
(Nguồn: China News)
Nguồn: [Link nguồn]
TRUNG QUỐC - Ngành công nghiệp giáo dục sớm thường khai thác tâm lý của phụ huynh rằng ‘các phương pháp khoa học’ và giáo dục tiếng Anh sớm là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai của trẻ.