Sai sót trong chương trình Olympia: Thay đổi kết quả là điều không thể?
Mỗi đợt, chương trình tổ chức ghi hình liên tục hơn 10 cuộc trong vòng ba, bốn ngày để lắp ráp thiết bị và tập hợp thí sinh. Kết quả các cuộc thi tuần như một phản ứng dây chuyền đến hàng loạt cuộc thi tiếp sau”, một thành viên ban cố vấn cho hay.
Cổ động viên cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia
Trong cuộc thi tuần phát sóng ngày 5/3 vừa qua, Ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã tính điểm cho 2 câu trả lời sai của thí sinh Nhân Thanh Tùng (Hà Nội).
Sự nhầm lẫn này đã khiến thí sinh Phạm Phú Vinh (Bình Dương) đáng lẽ trở thành quán quân lại không được nhận vòng nguyệt quế, chỉ về nhì sau thí sinh Nhân Thanh Tùng.
Sau khi nhận được phản ánh, Ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cũng đã công khai xin lỗi khán giả và thí sinh. Tuy nhiên, đó là luật chơi và không thay đổi được kết quả. Điều này đã khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng luật sai còn sửa tại sao luật chơi của chương trình này lại không thể?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Như Mai - một thành viên Ban Cố vấn của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Nhà báo Nguyễn Như Mai - thành viên ban cố vấn (bên trái)
Cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên VTV3 ngày 5/3 đã chính thức thừa nhận làm sai kết quả cuộc thi. Ông có xem chương trình này và biết chuyện này không?
Nhà báo Nguyễn Như Mai: Thực tình hôm phát hình trên TV, tôi không xem. Và hôm ghi hình tôi cũng không có mặt. Nhưng biết tôi là một thành viên cố vấn, nên có bạn đã gửi cho tôi và hỏi ý kiến của tôi như “một người trong cuộc” và tôi cũng đã trả lời.
Vậy ý kiến của ông như thế nào?
Trước hết cần phải tìm ra sai sót ở khâu nào. Các thành viên ban cố vấn chịu trách nhiệm về tính chính xác của câu hỏi và đáp án thuộc môn học của mình. Trước mỗi kỳ ghi hình, ban cố vấn đều rà soát kỹ từng câu hỏi một cách khách quan.
Trong khi ghi hình, nếu cố vấn có mặt, họ sẽ trực tiếp trả lời những thắc mắc của thí sinh hoặc khi người dẫn đắn đo không khẳng định được đúng sai. Nếu cố vấn không có mặt, ê kip phụ trách điện thoại sẽ trực tiếp gọi hỏi ý kiến cố vấn.
Trong trường hợp cụ thể vừa xảy ra, câu hỏi và đáp án của môn Hóa học không sai. Khi thí sinh trả lời sai, MC không phát hiện ra. Như không kịp phân biệt anot và catot đâu là cực âm, đâu là cực dương. Tưởng rằng không có vấn đề gì nên không gọi về xin ý kiến của cố vấn môn Hóa. Và sau đó yên tâm phát sóng.
Tôi nghĩ, có thể coi đó là một “tai nạn nghề nghiệp”, đã và sẽ còn xảy ra với bất kỳ chương trình hay cuộc thi nào. Như người ta thường nói, không ai có thể nắm tay được suốt ngày.
Tôi cũng vừa được biết Đạo diễn chương trình là chị Tùng Chi đã công khai lên tiếng xin lỗi em thí sinh Phạm Phú Vinh và khán giả.
Nhưng nhiều khán giả vẫn chưa thỏa mãn, đòi phải tổ chức thi lại, thưa ông?
Theo đạo diễn, cuộc thi đã đề ra luật chơi, nếu thí sinh có thắc mắc thì chương trình có trách nhiệm giải quyết ngay. Khi buổi ghi hình đã kết thúc, các em đã ký vào biên bản công nhận kết quả rồi sẽ không thay đổi được nữa.
Đấy là theo “luật chơi”, nhưng nhân đây tôi cũng nói thêm để các bạn hiểu, nếu tổ chức thi lại không dễ dàng như các bạn muốn.
Mỗi một đợt, chương trình thường tổ chức ghi hình liên tục hơn 10 cuộc trong vòng ba, bốn ngày để có sảnh ghi hình, lắp ráp thiết bị và tập hợp thí sinh từ các tỉnh thành xa về tham dự.
Thí sinh thi tuần xong, nếu đoạt giải nhất sẽ ở lại thi tháng. Em nào không thắng cuộc lại trở về ngay vì còn đang theo học ở trường, không có mặt ở Hà Nội nữa. Ngay sau đó đã diễn ra cuộc thi tuần khác và cuộc thi tháng khác. Kết quả các cuộc thi tuần như một phản ứng dây chuyền đến hàng loạt cuộc thi tiếp sau. Không thể kịp tổ chức thi lại nữa.Vì vậy đành phải coi như “sự đã rồi”.
Có ý kiến cho rằng như thế cuộc thi thiên vị, lừa dối thí sinh và khán giả. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Tôi rất thông cảm với sự bức xúc của người xem. Nhưng đó là sự nhìn nhận thiếu khách quan, trong đó có những ý kiến quy chụp quá khích.
Bởi đã tham gia cố vấn từ ngày đầu tới giờ, tôi có thể cam đoan, ban cố vấn làm việc rất có trách nhiệm, không hề thiên lệch với bất kỳ thí sinh nào. Mà cũng không thể tác động đến khi cuộc thi đang tiến hành.
Chương trình này nếu có tai tiếng chắc không thể kéo dài đến nay đã là 17 năm. Tuy nhiên, dù “tai nạn nghề nghiệp” không tránh khỏi, qua mỗi sự cố cần nên cẩn trọng và hoàn thiện từng khâu tổ chức ngày càng tốt hơn như kỳ vọng của khán giả.
Cũng như mọi người, tôi cũng rất mong không có những sự cố đáng tiếc xảy ra nữa.
Để công bằng hơn cho những thí sinh thi những năm sau, Ban tổ chức Olympia có nên thay đổi luật kiểu "đã lên sóng rồi thì phải chấp nhận" thế này không? Có thể có một phương án nào khác cho thí sinh bị nhầm được hưởng công bằng hơn không, thưa ông?
Ai cũng mong vậy và tôi tin Ban tổ chức cũng muốn thế. Nhưng như tôi biết, rất khó thực hiện. Muốn vậy, phải tổ chức thi từng tuần, sang tuần sau mới ghi hình tiếp. Chứ không tổ chức ghi một lèo như hiện nay. Làm như thế bây giờ với Ban tổ chức hình như bất khả thi. Nhưng chúng ta cứ đề đạt kiến nghị lên, biết đâu ban tổ chức sẽ tìm được cách nào đó để có được sự công bằng hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!