Sách sử sai sót phản cảm: Chuyện nghiêm túc biến thành... cực nhảm

"Tôi thấy lo âu cho tương lai khoa học lịch sử đi về đâu khi người người, nhà nhà tự cho mình bịa ra cái gọi là lịch sử. Khi không phân biệt được đúng sai thì chuyện nghiêm túc, khoa học biến thành cái cực nhảm", GS Vũ Minh Giang băn khoăn.

Trước là cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”, minh họa hình danh tướng tùy tiện, mới đây là cuốn truyện tranh lịch sử “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh” vẽ hình, có chi tiết phản cảm gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.

Dù hai cuốn sách này đã bị thu hồi song hai sai sót liên tiếp trong thời gian ngắn về sách sử khiến nhiều người phân vân liệu rằng còn có trường hợp nào xảy ra tương tự hay không.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang quanh vấn đề này.

Thưa Giáo sư, dưới góc độ là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, ông đánh giá như thế nào về mức độ sai sót trong hai trường hợp liên quan đến sách sử trong thời gian gần đây?

- Cái đó để cơ quan văn hóa họ đánh giá vì mức độ sai phạm quy vào điểm này khoản kia. Người ta có thể cãi vi phạm khoản b, không vi phạm khoản a và nếu cãi cù nhầy thì chẳng giải quyết được gì.

Sách sử sai sót phản cảm: Chuyện nghiêm túc biến thành... cực nhảm - 1
GS.TSKH Vũ Minh Giang (Ảnh: VNU)

 Hai vấn đề cần tập trung trong thời gian gần đây là dạy học và truyền bá kiến thức lịch sử. Dạy học là kiến thức chính thống trong nhà trường. Còn truyền bá là kênh văn học, kênh truyện tranh thì có hàng loạt các vấn đề.

Vấn đề truyền bá kiến thức lịch sử thời gian này tùy tiện một cách không thể tưởng tượng nổi. Người ta đưa ra những ấn phẩm chưa cần biết là độc hại gì mà chỉ để ý chuyện có thể tạo ra một cú sốc, có thể câu được khách hay không.

Còn vấn đề dạy và học là câu chuyện khác, dạy và học theo lối cũ - tiếp cận nội dung, đem những chuyện rất cụ thể ra để dạy và học sinh phải thuộc rất kỹ những kiến thức cụ thể ấy, dẫn đến tình trạng học sinh chán môn Lịch sử. Đó là một nghịch lý.

Theo tôi, hiện tại đang có hiện tượng loạn các nhà sử học, loạn những người nghiệp dư nhưng “đánh đồng” mình với những người nghiên cứu chuyên nghiệp, nghe dăm ba truyền thuyết ở đâu đó rồi có thể biến nó thành lịch sử nhưng nhận thức như thế không đúng. Lịch sử là phải khách quan.

Cái mà nghiên cứu tìm tòi là hiểu biết và nhận thức lịch sử, có thể cần bổ sung song điều đó không có nghĩa là tùy tiện. Chuyện Hai Bà Trưng giao chiến với quân Mã Viện cởi quần, tôi không biết cái tích đó người ta ghi chép ở đâu và bịa ra từ bao giờ.

Việc sáng tác văn học có thể được tưởng tượng nhưng văn học nói về các sự kiện lịch sử có tên tuổi, ngày tháng thì không được làm trái với những điều mà lịch sử không nói. Đấy là chưa kể những câu chuyện tầm phào thiếu nghiêm túc đưa vào đầu trẻ con những nhận thức không hay. Và tính không nghiêm túc ấy dẫn tới tình trạng người ta không coi vấn đề nghiêm túc là chuyện cần có thái độ nghiêm túc.

Cuốn sách sử in hình minh họa danh tướng cũng vậy: tùy tiện, không có căn cứ khoa học nào đáng tin cậy, không có quy chuẩn nào được thừa nhận nên họ cứ thế làm. Cũng giống như bây giờ, ai cũng cho mình là người nghiên cứu, ví dụ như bảo dòng họ A,B có từ thời Hùng Vương, họ Nguyễn họ Lê cũng từ thời Hùng Vương nhưng không biết tìm đâu ra những ngọc phả, thần tích đó...

GS có cảm thấy bức xúc trước tình trạng hỗn loạn này?

- Còn hơn cả bức xúc. Tôi thấy lo âu cho cả hai phương diện: Lo âu cho tương lai, cho khoa học lịch sử đi về đâu khi người người, nhà nhà tự cho mình bịa ra cái gọi là lịch sử. Khi không phân biệt được đúng sai thì chuyện nghiêm túc, khoa học biến thành cái cực nhảm.

Cái lo thứ hai là nhân danh lịch sử thiêng liêng người ta nhồi vào đầu người đọc và điển hình là thế hệ trẻ những sai lệch, những hiểu biết bậy bạ, nhân danh kiến thức nghiêm túc để nói những điều không nghiêm túc.

Hai cái đó rất nguy hiểm.

Theo tôi có 3 nơi cần chịu trách nhiệm: Thứ nhất là những nhà sử học chuyên nghiệp phải có trách nhiệm, có ý kiến. Hiện nay các nhà sử học không có thái độ quyết liệt. Thái độ ở đây là bằng những bài viết nghiêm túc, dẫn luận thuyết phục song họ né, họ thấy trở thành trào lưu quá rầm rộ nên thấy ngán.

Thứ hai, về phương diện cơ quan quản lý. Có thể họ không biết hết nhưng đáng lẽ phải có cố vấn hoặc móc nối với các chuyên gia.

Thứ ba, truyền thông không phải là cơ quan quản lý nhưng là một loại hình quyền lực, cần lên án những trường hợp tương tự “loạn” như vậy hay cũng phải cần tới tiếng nói của các chuyên gia để xem thực hư ra sao.

Theo Giáo sư, có cách nào để khắc phục tình trạng về những thông tin không chính xác trong sách, truyện sử?

- Theo tôi, 3 nơi chịu trách nhiệm tôi vừa nêu trên nên xích lại với nhau.

Các nhà quản lý nên tổ chức hội thảo với sự tham gia đông đảo giới báo chí, nêu vấn đề ấy ra, mổ xẻ, làm rõ căn nguyên.

Một cơ quan là Hội Khoa học Lịch sử có trách nhiệm rất lớn nhưng Hội là tổ chức phi chính phủ, về mặt quản lý nhà nước nên gắn với các Bộ ngành có liên quan.

Đặc biệt, những cuộc hội thảo này không chỉ bàn thảo về chuyên môn với các học giả mà phải để cho các nhà báo, người làm truyền thông hiểu sâu sắc và nhân kết quả đó lên thì mới thành hiệu ứng, dư luận xã hội, để cho ai, chỗ nào đó có ý định trục lợi phải ngán vì họ sợ chính quyền một, sợ báo chí mười.

Liệu hai sai sót vừa rồi với sách, truyện sử có làm ảnh hưởng đến hình ảnh dân tộc, thưa Giáo sư?

- Tôi nghĩ có. Cái hại đầu tiên là đối với người Việt.

Ví dụ như cuốn Trưng Nữ Vương dùng tranh minh họa quân Mã Viện cởi quần, người làm có vẻ khoái chí nhưng thực ra đây là câu chuyện thiếu nghiêm túc, nhảm nhí.

Những câu chuyện gần như trở thành thành tượng đài lại thành cái dung tục, gây cười. Tôi không hiểu đọc được những đoạn đó thì độc giả suy nghĩ gì nhưng chắc chắn cuộc khởi nghĩa quật cường của Hai Bà Trưng sẽ biến thành một câu chuyện đàm tiếu, vớ vẩn, thì thế có đáng hay không.

Trước kia là minh họa danh tướng, vừa rồi là vụ chi tiết phản cảm trong truyện Trưng Nữ Vương, theo Giáo sư những sai sót này có hệ thống hay không khi ông  vừa đề cập đến việc giáo dục sử của chúng ta đang có vấn đề?

- Tôi cho rằng nên giải quyết vấn đề theo cấp độ khác nhau, thấp nhất là thu hồi. Xử phạt thì cũng đáng xử nặng vì anh bôi bác xuyên tạc lịch sử.

Sách sử sai sót phản cảm: Chuyện nghiêm túc biến thành... cực nhảm - 2
 

Hình ảnh và nội dung phản cảm trong cuốn truyện tranh lịch sử Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh.

Về lâu dài, đối với những sách đề cập đến những nhân vật lịch sử có thật, những sự kiện lịch sử có thật, nhất là những sự kiện liên quan gắn với những trang sử hào hùng, những sự kiện chống ngoại xâm hay xây dựng đất nước thì hội đồng biên tập sách nên nghiêm túc hơn.

Nếu có hội đồng biên tập với nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết, có trình độ hiểu biết, lúc đó họ sẽ có ý kiến chuẩn xác.

Có nhiều nhà xuất bản làm sách sử nhưng không rõ tư liệu ở đâu. Ví dụ như cuốn Trưng Nữ  Vương, chỉ là một cuốn truyện tranh tham dự một cuộc thi nhưng không trích nguồn tư liệu rõ ràng. Theo ông, những nhà xuất bản làm sách như thế có tạm bợ hay không, nếu "sai đâu bịt đấy" thì không ổn?

- Tôi cho rằng, có biện hộ đến đâu cũng là do chạy theo doanh thu.

Một nửa là quyền của doanh nghiệp -  tức là họ làm gì để có lãi, nửa còn lại là họ phải đúng luật, có trách nhiệm về xã hội đối với một cơ quan xuất bản. Đưa ra xã hội sản phẩm kém phẩm chất, gây độc hại, rõ ràng là họ đã vì nửa lợi nhuận mà làm hỏng nửa trách nhiệm xã hội.

Phạt là chuyện đương nhiên nhưng có thể bổ sung chế tài, không phải cứ sai chỉ mỗi phạt, phạt lần thứ 2, thứ 3 thì thế nào mà sai nhiều phải rút giấy phép. Theo tôi không để tình trạng như thế đến lần thứ 3 hay phải có cách nào đó đủ sức răn đe.

Tôi vẫn nghĩ rằng những cuốn sách viết về lịch sử chắc chắn phải có hội đồng, cho dù là truyện tranh hay sách dự thi.

Và các nhà xuất bản cần có hội đồng bao gồm các nhà sử học, nhà chuyên gia - họ phải chịu trách nhiệm về nội dung đó.

Tôi nghĩ thiếu chế tài để buộc các nhà xuất bản phải có một hội đồng thẩm định nội dung.

Nếu có quy định với những sách như thế, bất luận ấn hành dưới dạng nào, viết, tranh, phải có ý kiến của hội đồng chuyên môn và những người chịu trách nhiệm chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm. Thế nhưng đây không phải là hội đồng hình thức, cho người ta dăm ba trăm nghìn rồi họp ào ào xong giải tán mà phải chịu trách nhiệm lâu dài và phải trả cho người ta thỏa đáng.

Nếu thuộc chuyên môn lĩnh vực của tôi mà tôi được mời vào hội đồng tôi sẵn sàng tham gia vì tinh thần trách nhiệm đối với nước nhà chứ không phải chuyện thích hay không.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Du (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN