Sách giáo khoa xưa - lắng đọng một trời kỷ niệm của thế hệ 7X, 8X
Một trong những việc gợi nhớ tuổi thơ của nhiều thế hệ học sinh 7X, 8X chính là bộ sách giáo khoa.
Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm, trong đó có một chuỗi kỷ niệm mãi neo đậu vào ký ức mỗi người với cảm xúc khó phôi phai. Đó là tuổi thơ.
Những năm tháng ấy là bầu trời trong sáng mà mỗi nhớ lại ta quên rằng mình đã già. Giữa những lo toan đời thường, thỉnh thoảng những khoảnh khắc xưa dào dạt bất chợt với cảm xúc mãnh liệt khiến ta lại thèm được một vé về tuổi thơ.
Một trong những việc gợi nhớ tuổi thơ của nhiều thế hệ học sinh 7X, 8X chính là bộ sách giáo khoa.
Mấy hôm nay, những thế hệ 8x về trước may mắn thay được quay về một phần của tuổi thơ dữ dội, đó là khi hình ảnh những trang sách giáo khoa ngày xưa được cư dân mạng chia sẻ đầy xúc động. Thủa hồn nhiên chợt trở về trong những cái chớp mắt cay cay.
Bất chợt như đang thấy hình ảnh được cô dắt vào lớp vẫn cố ngoái nhìn theo mẹ giữa sân trường rộng mênh mông của tuổi học đường, thấy cái bút chì bị gãy ngọn, thấy quyển vở mép xoăn tít, thấy đứa bạn ngồi bên nước mũi chảy dài lại hít trở lại... Tất cả bỗng ùa về nguyên sơ trên những trang sách nhuốm màu thời gian ố vàng, bản đẹp nhất cũng chỉ in bằng hai màu xanh và cam, làm bao người mắt đỏ hoe ngậm ngùi nhớ tuổi thơ đi học với bao kỷ niệm.
Có những người đã già, có người đương trung tuổi, và rất nhiều người vẫn ở tuổi thanh niên với nhiều khát vọng bồi hồi chung nhau một kỷ niệm, người như đang cùng nhau hít hà mùi sách mới, người tưởng như mới hôm qua lấy giấy bóng hoặc giấy xi măng bọc lại bìa những cuốn sách cũ anh chị cho, hay có khi chỉ là anh chị hàng xóm cho mượn.
Sách giáo khoa xưa nội dung bình dị, gần gụi, minh họa đơn sơ nhưng sinh động và rõ ràng, màu giấy không trắng như bây giờ nhưng trình bày thoáng nên học sinh dễ nhớ hơn. Hình ảnh nôm na dễ hiểu ghim sâu vào tâm trí mỗi người khi lớn lên, đến nỗi giờ đây nhìn lại hình vẽ cũng có thể đọc lại nội dung như mới hôm qua khoanh tay đọc cho cô nghe vậy.
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ
Buồn không hả trống
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve?
Cái trống lặng im
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá!
Kìa trống đang gọi
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng...
Vào năm học mới
Rộn vang tưng bừng.
“Làm anh khó đấy/ Phải đâu chyện đùa/ Với em gái bé/ Phải “người lớn” cơ”.
“Chú gà trống ưa dậy sớm”
Quyển vở này mở ra
Bao nhiêu trang giấy trắng
Từng dòng kẻ ngay ngắn
Như chúng em xếp hàng.
Lật từng trang, từng trang
Giấy trắng sờ mát rượi
Thơm tho mùi giấy mới
Nắn nót bàn tay xinh.
Ơi quyển vở mới tinh
Em viết cho sạch, đẹp
Chữ đẹp là tính nết
Của những người trò ngoan.
“Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”
“Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”
Hàng chục thế hệ đang tạm gác lại những tin nóng mới xảy ra, tạm quên đi ông sếp khó tính hay những nhân viên cầm tay chỉ việc mãi không hiểu, giả vờ như không còn những lo toan cứ bám theo vòng quay cuộc sống, để đọc đi đọc lại mãi về bức vẽ con ngựa trên bờ tường đẹp mà không đẹp, đàn kiến không sống riêng lẻ, những chú gà con lông vàng mát dịu mắt sáng đen ngời...
Niềm vui nho nhỏ nhẹ nhàng, dịu dàng ấy cứ lan tỏa khiến ta miên man trở về ngày xưa, tưởng như lát nữa sẽ thấy mẹ đi chợ về, mồ hôi lấm tấm thưởng cho ta một miếng bánh đa vừng vì hôm qua ta đã viết được chữ a loằn ngoằn.
Chiều 17/10, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng về yêu cầu này.