Sách giáo khoa riêng của TP.HCM sẽ như thế nào?

Sự kiện: Giáo dục

TP.HCM sẽ chính thức bắt tay vào thực hiện bộ sách giáo khoa ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố chương trình khung.

Sách giáo khoa riêng của TP.HCM sẽ như thế nào? - 1

Ngày 18-9, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết khi có nội dung chương trình môn học từ Bộ GD&ĐT, TP.HCM sẽ chính thức bắt tay vào thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) trên cơ sở kinh nghiệm của các nhà giáo, chuyên môn có được khi biên soạn tài liệu dạy và học môn vật lý và toán học.

Tuyển chọn chuyên gia, học giả hàng đầu TP

Về lộ trình thực hiện, ông Hoàng cho biết Sở GD&ĐT đóng vai trò hỗ trợ, định hướng chuyên môn, mời và tập hợp các thành viên hội đồng biên soạn, còn nhà xuất bản thực hiện công đoạn biên tập, trình Bộ thẩm định.

Để thực hiện cho việc biên soạn bộ SGK của TP, theo ông Hoàng, Sở GD&ĐT đã mời và tuyển chọn những chuyên gia, học giả hàng đầu của TP, những giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, để có thể thực hiện bộ SGK, Sở đã tập huấn chuyên gia, các nhóm tác giả môn học về quan điểm viết sách theo định hướng phát triển tư duy của học sinh. Bên cạnh đó, từ nội dung SGK hiện hành, các nhóm tác giả viết một số bài mẫu để đưa ra cách tiếp cận, định lượng kiến thức sao cho phù hợp với mục tiêu.

Cấu trúc khác hoàn toàn sách cũ

Đề cập đến định hướng trong công tác biên soạn SGK, ông Hoàng chia sẻ bộ SGK sẽ bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình của bộ.

Mặt khác, bộ SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khắc phục các nhược điểm của bộ sách trước đó như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Sách sẽ được biên soạn theo hướng tinh giản về mặt kiến thức nhưng hiện đại, có tính ứng dụng. Còn về hình thức, sách sẽ được xây dựng và thiết kế sinh động khiến học sinh thích thú.

Sách giáo khoa riêng của TP.HCM sẽ như thế nào? - 2

Học sinh TP.HCM chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bộ SGK mới sẽ không đặt nặng việc học thuộc lòng, chỉ chú trọng dạy để học sinh hiểu và làm. Mặt khác, sách kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, nhóm tác giả biên soạn sẽ đưa vào nội dung sách những kiến thức mang tính đặc thù của TP về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người. Ngoài ra, sách còn tích hợp các chủ đề gắn với thực tiễn cuộc sống của TP cùng các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Hoạt động giáo dục địa phương sẽ được giảng dạy bằng sách lịch sử TP.HCM, lịch sử Đảng bộ Sài Gòn Gia Định-TP.HCM và chủ đề dạy học trong các hoạt động trải nghiệm thực tiễn ngoài nhà trường.

Ông Minh Hoàng cũng nói thêm, bộ SGK của TP sẽ có cấu trúc hoàn toàn khác với cấu trúc truyền thống. Điều đó được thể hiện qua nội dung sách sẽ được sắp xếp theo từng chủ đề, chủ điểm chứ không quy định cụ thể theo từng tiết dạy. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên chủ động hơn trong việc giảng dạy.

Dư luận ủng hộ

Đề cập đến vấn đề trên, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, cho biết Bộ GD&ĐT chỉ nên đưa ra chương trình khung có yêu cầu và chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đáp ứng. Từ đó các địa phương, các nhóm chuyên môn có thể biên soạn SGK, giáo viên và học sinh sẽ tìm ra bộ sách phù hợp cho mình. Bởi SGK nên đa dạng, phong phú tùy vào hoàn cảnh kinh tế-xã hội của từng vùng, miền sẽ tốt hơn.

Theo ông Minh, TP.HCM hoàn toàn có khả năng để biên soạn SGK phù hợp với hoàn cảnh kinh tế-xã hội của TP. “Việc một chương trình có nhiều bộ SGK thì sẽ có sự đánh giá, lựa chọn bộ sách phù hợp nhất. Tôi cũng hy vọng trên chương trình khung đó, các kiến thức sẽ bớt đi tính lý thuyết hàn lâm mà đi sâu vào ứng dụng thực tiễn, đặc biệt là bộ môn toán” - ông Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết thầy đồng tình với chủ trương trên. “Việc TP.HCM biên soạn SGK dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT sẽ phù hợp với điều kiện, trình độ của học sinh TP. Và những người biên soạn họ có thể biết được học sinh TP giỏi ở đâu, dở chỗ nào và đưa ra nội dung sách phù hợp” - thầy Thịnh nói.

Hội đồng nhà trường quyết định việc sử dụng sách giáo khoa

Sau khi Hội đồng Thẩm định Quốc gia phê duyệt bộ sách được giảng dạy trong trường phổ thông, bộ sách này sẽ được đưa vào danh mục các bộ SGK được nhà trường tham khảo ,lựa chọn. Khi đó Bộ GD&ĐT sẽ có một văn bản hướng dẫn các trường trong việc chọn lựa SGK. Và hội đồng các trường chính là đơn vị quyết định sẽ sử dụng SGK. Sở GD&ĐT TP.HCM hoàn toàn không áp đặt các trường học phải sử dụng bộ sách của TP hay bất kỳ bộ sách nào. Các trường có thể sử dụng bất cứ bộ SGK nào, đó là quyền của các cơ sở giáo dục. Tùy mỗi trường và quan trọng nhất là các tổ chuyên môn sẽ đưa ra quyết định căn cứ vào mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế sử dụng bộ sách nào có lợi cho học sinh.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM

TP.HCM sẽ thực hiện sách giáo khoa riêng

TP.HCM sẽ chính thức bắt tay vào thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố chương trình khung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN QUYÊN ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN