Sách giáo khoa in tràn lan, ai được lợi?

"Các nước tiên tiến trên thế giới thì có chuẩn chung về sách giáo khoa cho bậc phổ thông, còn ở ta năm nào cũng in lại, gây ra lãng phí, cho tới nay đã làm hao tổn nhiều tỷ đồng của nhân dân. Để ngăn chặn sự lãng phí ghê gớm này, Quốc hội cần đưa ra một chế tài: SGK được in ra, phải được dùng ít nhất một vòng là 12 năm hay lâu hơn mới được in lại một lần, nhiều quốc gia đã áp dụng cách làm này", GS Nguyễn Xuân Hãn nói.

LTS: Thời gian gần đây các nhà giáo dục tiếp tục luận bàn về việc đổi mới sách giáo khoa (SGK), mà vấn đề nằm ở cả hai vế đó là kiến thức trong những cuốn sách và sự lãng phí tiền khủng khiếp. Trước thực trạng này, một trong những nhà khoa học - nhà giáo luôn tâm huyết với sự nghiệp đào tạo là GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn – ĐH Quốc Gia Hà Nội cho hay, chỉ cần 100 tỷ đồng là đủ để hoàn thành toàn bộ chương trình sách chuẩn từ tiểu học cho tới hết đại học.

- Là một chuyên gia có tới 20 năm nghiên cứu về chương trình-SGK, ông có biết việc in SGK tràn làn trong nhiều năm qua thì ai là người được hưởng lợi nhiều nhất?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Nhóm lợi ích, NXB Giáo dục chỉ là cái ô che chung của họ! Vào ngày 7/9/2012, tại Hội thảo do Báo Nhân dân tổ chức sau khi tôi phát biểu, ông Ngô Trần Ái – Giám đốc NXB Giáo dục có nói “Giá cuốn sách của chúng tôi còn rẻ hơn giá một mớ rau”. Tôi trả lời: “Ước tính của tôi về doanh thu của NXB Giáo dục cỡ 100 triệu USD/năm là con số khiêm tốn. Tại sao vậy? Vì doanh số của ngành in ấn cả nước chừng 1 tỷ USD/năm, trong khi NXB Giáo dục chiếm 80% lượng in ấn. Thí dụ, cuốn SGK môn tiếng Việt xin mọi người hãy kiểm tra, kể từ năm 2002  năm nào NXB GD cũng thu của dân 2 triệu USD cho việc bán sách môn học này. Toàn quốc có 55 NXB, 6200 doanh nghiệp, cơ sở in ấn với doanh thu khoảng 1 tỷ USD/năm, tốc độ tăng doanh thu trung bình là 100-150 triệu USD/năm. Riêng giấy in sách giáo dục cần khoảng 2 triệu tấn/năm, trong nước chỉ cung cấp được 40% còn lại 60% phải nhập ngoại.

Trước đó vào năm 2000, tại cuộc họp hội đồng quốc gia giáo dục do Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì, tôi đã nói “Hàng năm, Chính phủ lo giấy in sách giáo dục, nếu không lo được giấy, người dân nói Thủ tướng chưa quan tâm đến giáo dục, nhưng chuẩn bị được giấy in SGK, kính thưa Thủ tướng, mỗi bộ SGK ở bậc phổ thông, người dân phải ban đi một tạ thóc để mua bộ SGK này/1 em/1 lớp”.

- Nhưng thưa Giáo sư, người ta có thể lý giải rằng khoa học công nghệ hiện nay phát triển như vũ bão, và như vậy thì năm sau phải in lại để cập nhật cái mới so với năm trước?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Viện dẫn cho việc làm nay người đưa ra lý do “kiến thức khoa học của nhân loại chỉ cần khoảng thời gian 7 năm để tăng gấp đôi và thời gian ấy ngày càng thu ngắn” làm căn cứ đổi mới chương trình và thay SGK ở bậc phổ thông, là không đủ sức thuyết phục!

Vậy bất biến trong cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật diễn ra ở thế kỷ XX, là gì? Chính là hai lý thuyết vật lý lượng tử và tương đối ra đời và được đưa vào nhà trường gần 100 năm nay. Bản chất của 4 chữ lượng tử và tương đối, có thể trình bày rõ ràng trong một cuốn sách nhỏ 50 trang, để HS phổ thông có thể hiểu đuợc. Các kiến thức này vào cuộc sống, nhiều công nghệ mới ra đời, phong phú và đa dạng, có trong hàng triệu trang sách Xin ví dụ, vật lý bán dẫn là sản phẩm của thuyết lượng tử và công nghệ. Không có vật lý bán dẫn, sẽ không có máy tính ngày nay, và càng không thể nói tới kinh tế tri thức, và toàn cầu hoá. Hiện tượng phân hạch hạt nhân phát hiện 1938, là cơ sở nghiên cứu nguồn năng lượng mới-năng lượng hạt nhân ngày nay, chưa bàn đến lượng dự trữ vũ khí hạt nhân, vẫn là nỗi ám ảnh thường trực nhân loại gần 70 năm qua. Lấy bất biến ứng vạn biến là lẽ thường. Bất biến ở đây được diễn đạt trong 50 trang sách, còn vạn biến được trình bày trong hàng triệu trang sách!  Còn ngược lại là không thuận (là nghịch). Thực tiễn cho thấy, tư duy ngược, giáo dục sẽ bị xáo trộn.

Sách giáo khoa in tràn lan, ai được lợi? - 1

GS Nguyễn Xuân Hãn: "Để ngăn chặn sự lãng phí ghê gớm này, Quốc hội cần đưa ra một chế tài: SGK được in ra, phải được dùng ít nhất một vòng là 12 năm hay lâu hơn mới được in lại một lần".

- Điều chắc chắn là chúng ta cần phải có một Tổng tư lệnh cho công việc mang tính quyết định tới vận mệnh của đất nước, bởi một hệ thống SGK chuẩn là vô cùng quan trọng, nó được coi là nền tảng tạo nên sự thành công của một dân tộc... nhưng vấn đề lúc này là phải tìm ra được Tổng tư lệnh, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Theo Điều 36 của Hiến pháp, điều 100 của Luật Giáo dục năm 2005 thì người chịu trách nhiệm về chương trình SGK chuẩn trước Quốc hội và nhân dân là Thủ tướng. Với quyền hạn và trách nhiệm của mình Thủ tướng có thể giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lo liệu việc này, hoặc Thủ tướng cũng có thể giao cho một hội đồng khoa học của các nhà giáo trực thuộc Chính phủ lo liệu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì giải tán. Giải pháp này cũng đã được Bà Nguyễn Thị Bình – Phó Chủ tịch nước đề xuất trên diễn đàn Quốc hội “Phải giải phóng Bộ GD-ĐT khỏi nhiệm vụ xây dựng và biên soạn CT-SGK chuẩn ở bậc phổ thông”.

Các nước tiên tiến trên thế giới thì có chuẩn chung về sách giáo khoa cho bậc phổ thông, còn ở ta năm nào cũng in lại, gây ra lãng phí, cho tới nay đã làm hao tổn nhiều tỷ đồng của nhân dân. Để ngăn chặn sự lãng phí ghê gớm này, Quốc hội cần đưa ra một chế tài: SGK được in ra, phải được dùng ít nhất một vòng là 12 năm hay lâu hơn mới được in lại một lần, nhiều quốc gia đã áp dụng cách làm này.

- Thưa Giáo sư, lâu nay chúng ta cứ luẩn quẩn với vô vàn những ý kiến tranh luận, nhưng cuối cùng cũng chưa định hình được một cách chính xác là chúng ta sẽ làm theo hướng nào, nếu ví von thì có nghĩa là chúng ta chưa xác định được cái móng của một ngôi nhà nhưng lại cứ tính đến chuyện xây tầng. Và như vậy mọi chuyện càng trở nên rối rắm...?


GS Nguyễn Xuân Hãn:
Nghiên cứu giáo dục của gần 200 nước trên thế giới nhiều người thống nhất nhận định rằng, hơn hai thế kỷ các nền giáo dục được thừa nhận là tiêu biểu cho nhân loại bao gồm Anh, Đức, Nga, Mỹ và Pháp là những cường quốc lớn về khoa học kỹ thuật, có vai trò to lớn trong lịch sử thế giới cận đại và hiện đại. Nền giáo dục của 5 nước kể trên là những nền giáo dục gốc, còn các nền giáo dục khác là phiên bản mà thôi, ngay cả những nước trước đây đã từng có lịch sử giáo dục huy hoàng như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả rập hồi giáo cũng từ lâu đã phải chuyển sang học tập các nền giáo dục kể trên.

Trong 5 nước này thì chỉ có Pháp phân ban ở PTTH, 4 nước còn lại không thực phân ban. Một thời gian Việt Nam là một thuộc địa của Pháp, sau khi giành độc lập, theo tư tưởng của Bác Hồ, vào năm 1950 ta bỏ phân ban mà Pháp để khẳng định giáo dục nước ta là giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, đến năm 1993 thì chế độ phân ban thời thuộc Pháp lại được khôi phục, chia thành ba ban A (tự nhiên), ban B (khoa học tự nhiên – kỹ thuật), ban C (xã hội). Năm 1998, chế độ phân ban bị xóa bỏ khi thông qua luật giáo dục, vì xã hội không chấp nhận. Nhưng tới năm 2002, chế độ phân ban lại một lần nữa được khôi phục, chỉ còn ban A và ban C. Và lúc này xuất hiện một thực tế là có tới 50% học sinh không vào ban nào cả, do đó tới năm 2003, Quốc hội đã cho phép dừng phân ban 2 năm để thiết kế lại phương án phân ban.

Năm 2005, Bộ Giáo dục trình phương án ba ban: A (tự nhiên), ban B (xã hội) và ban C (cơ bản). Tuy nhiên, trên thực tế xuất hiện tới 5 ban, đó là: Tự nhiên A, Xã hội C và CB, CB hướng A, CB hướng C. Đến nay đã gần 20 năm xã hội không chấp nhận bất cứ phương án phân ban mà Bộ Giáo dục đưa ra.

- Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đi ngược xu thế so với các nước tiên tiến, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Rõ ràng là chúng ta đã đi ngược xu thế của những nước tiên tiến nhất. Câu hỏi phải đặt ra là: Ai chịu trách nhiệm về việc khôi phục phân ban này? Khi xây dựng một nền giáo dục không theo tư tưởng nhất quán thì ắt hẳn không ra được chương trình SGK chuẩn. Theo cách nói của GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam thì 20 năm qua (1993 – 2012) chúng ta đã mang học sinh ra làm “chuột bạch” để thí nghiệm các loại chương trình, SGK.

- Thưa Giáo sư, vừa mới đây thôi, các chuyên gia giáo dục lại tranh luận về chuyện có nên sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau để phù hợp với trình độ học sinh ở các tỉnh miền núi và miền xuôi; rồi thì Bộ Giáo dục cũng đã lập ra Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa 2015 nhằm tìm ra các “lỗ hổng” để “vá” lại. Giáo sư có ủng hộ việc làm nhiều bộ SGK khác nhau?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Một chương trình, trên thế giới chỉ có thể có vài cách biên soạn SGK khác nhau chứ không phải là vô hạn. Bộ SGK chuẩn phổ thông phải thoả mãn các tiêu chí: phổ thông về kiến thức, ngôn ngữ và cách trình bày. Cuối những năm 1980, một chương trình ta đã biên soạn 3 bộ SGK toán, 2 bộ SGK Văn, rồi cuối những năm 1990 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, ta lại hợp nhất làm 1 bộ Toán, Văn. Năm 2002 ta lại chỉ đạo một chương trình viết 2 bộ SGK cho các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Ngữ văn (Văn và Tiếng Việt). Đến 2005 ta có tới 5 ban thì việc biên soạn còn hỗn loạn hơn.

Có ý kiến cho rằng nhiều nhóm cạnh tranh lành mạnh viết SGK, như kiểu "toàn dân đúc thép”, thì thực tế ta chỉ nhận được gang! Vì sao?  Đây là vấn đề khoa học!  Một chương trình có vài kiểu viết SGK khác nhau, song xin khẳng định nội dung các bộ SGK không phải tương đương nhau về  ngôn ngữ và cách trình bày. Bộ SGK nào mà phần trình bày nội dung khoa học, dễ hiểu nhất, ngôn ngữ phổ thông nhất, được chọn là chuẩn; các bộ SGK khác còn lại được chọn làm sách tham khảo. Nhầm lẫn khác ở chỗ hai người khác nhau không phải lúc nào cũng viết được hai bộ SGK khác nhau nếu không có tư tưởng, học thuật khác nhau. Nhiều tác giả trong thời gian qua đã bức xúc cảnh báo: Nếu cứ phải "quay lưng vào nhau” để biên soạn các bộ SGK khác nhau khi chưa nhận thức rõ đâu là chuẩn mực về mặt học thuật thì sự rắc rối cho việc dạy và học là khó tránh khỏi, cứ thế này thì là một mối lo.

- Giáo sư khẳng định chỉ cần 100 tỷ đồng là làm xong toàn bộ chương trình chuẩn SGK?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Người xưa đã nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Thế hệ trí thức cách mạng không có đồng tiền nào đâu, mà vẫn làm được CT-SGK theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với Việt Nam. Thế hệ chúng tôi đã được nhà nước đào tạo bài bản và hệ thống ở các nước tiên tiến, mà không kế tục được sự nghiệp của cha anh mình đã làm. thì đất nước sẽ khó mà phát triển.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

“Chưa kể tiền của dân bỏ ra, đợt thay sách từ 2002 đến 2011 dự chi 32.000 tỷ đồng vào thời gian đó, gần đây lại có sự kiện thay SGK vào năm 2015 với kinh phí 70.000 tỷ đồng, trong khi đó để tăng lương trong toàn quốc vào năm 2013, theo đúng lộ trình hàng năm cần 60.000 tỷ đồng. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng 32 năm qua kể từ 1980 đến nay chưa hề làm được CT-SGK chuẩn. Trong khi đó "một số nhà khoa học nêu ý kiến cho rằng, có thể giải quyết vấn đề chương trình và SGK chuẩn cho cả phổ thông lẫn đại học trong vòng một năm và với kinh phí 100 tỷ đồng" (Bài "Đổi mới căn bản nền giáo dục và đào tạo hiện nay: những việc cần làm ngay” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên tất cả các tờ báo lớn từ Trung ương đến địa phương, ví dụ như báo Nhân Dân ngày 10/9/2007, song hình như nhiều lãnh đạo chưa đọc. Cần nói thêm, việc làm CT-SGK chuẩn, theo GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo Dục, cũng chỉ cần 100 tỷ đồng là làm được. Nếu những đề xuất của những nhà giáo, khoa học và những người quản lý được chấp nhận, bộ CT-SGK chuẩn chắc chắn sẽ được hoàn thành để ổn định giáo dục phổ thông, mà còn thưa tiền giải quyết việc tăng lương theo lộ trình”.

Cần nói thêm Tôi lấy làm lạ là suốt 32 năm qua chúng ta chưa hề có một chương trình SGK chuẩn, hàng năm lãng phí cả nghìn tỷ đồng, nhưng khi một số nhà khoa học nêu ý kiến có thể giải quyết triệt để vấn đề này (trong đó có cả tôi) chỉ với chi phí khoảng 100 tỷ đồng thì không một người có trách nhiệm nào hỏi tới”, GS Nguyễn Xuân Hãn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Giáo dục Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN