Rục rịch thay đổi thi đánh giá năng lực
Tại TPHCM, hiện có Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo - ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Ngân hàng TPHCM là các cơ sở giáo dục có tổ chức kỳ thi riêng, thi đánh giá năng lực (gọi chung là ĐGNL). Theo ghi nhận của PV, dự kiến các cơ sở giáo dục trên sẽ giữ ổn định kỳ thi này trong năm 2024 nhưng ở năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tế.
Tuyển sinh bằng ĐGNL chiếm ưu thế
Theo báo cáo của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo - ĐHQG TPHCM tại Hội nghị tổng kết tổ chức kỳ thi ĐGNL giai đoạn 2018 - 2023 diễn ra mới đây, sau 6 năm tổ chức kỳ thi ĐGNL, quy mô và chất lượng của kỳ thi ngày càng được khẳng định. TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo cho hay, từ 7 trường ban đầu, đến năm 2023 đã có 47 trường ĐH - CĐ tham gia công tác phối hợp tổ chức kỳ thi. Số lượng trường sử dụng kết quả kỳ thi cũng không ngừng tăng, từ 7 trường năm 2018 lên 97 trường vào năm 2023. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi cũng tăng từ gần 5.000 em (của 616 trường THPT) lên hơn 100.000 em (1.815 trường THPT) năm 2023...
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại TPHCM năm 2023. Ảnh: Nguyễn Dũng
Là một trong số 97 trường sử dụng kết quả thi ĐGNL để tuyển sinh đầu vào, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho hay, năm đầu tiên, số lượng thí sinh trúng tuyển vào trường bằng phương thức này chỉ 151 em nhưng năm 2023 đã lên 2.000 em. “Kỳ thi ĐGNL để lấy kết quả xét tuyển ĐH nhưng thời gian chỉ gói gọn trong 1 buổi, giúp thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng, không áp lực. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu - từ đăng ký, nộp lệ phí đến xét tuyển - giúp kỳ thi được tổ chức đơn giản và hiệu quả”, ông Nhân đánh giá về hiệu quả của kỳ thi ĐGNL do ĐHQG TPHCM tổ chức.
Về phần trăm chỉ tiêu sử dụng kết quả thi ĐGNL trong tuyển tuyển sinh, ghi nhận từ nhiều trường, tỉ lệ phần trăm này tăng qua các năm khi chỉ từ 10% sau đó nâng dần lên 20% rồi 30%. Thậm chí, một số cơ sở giáo dục thuộc ĐHQG TPHCM như Trường ĐH Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Bách khoa…, tỉ lệ này chiếm 50- 60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Năm 2018, ĐHQG TPHCM là đơn vị đầu tiên tổ chức kỳ thi ĐGNL dùng để tuyển sinh song song bên cạnh các phương thức tuyển sinh truyền thống là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ… Những năm sau đó, nhiều trường đại học khác như ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Ngân hàng TPHCM… cũng tổ chức kỳ thi riêng sử dụng để tuyển sinh cho riêng mình hoặc dùng chung cho một số trường. |
Điều chỉnh trong năm 2025
Chia sẻ về kỳ thi ĐGNL năm 2024, TS Nguyễn Quốc Chính cho hay, ngoài việc định hướng mở rộng quy mô kỳ thi trong năm 2025, ĐHQG TPHCM sẽ điều chỉnh cấu trúc đề thi để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm 2025, kỳ thi tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự...
“Cấu trúc đề thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM từ năm 2025 vẫn 3 phần gồm sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề (vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật - thí sinh được lựa chọn 3 trong số 6 nhóm vấn đề này trong quá trình làm bài). Sự điều chỉnh so với bài thi hiện tại tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề”, ông Chính thông tin.
Theo ông Chính, để xác định cấu trúc nội dung đề thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ cuối năm 2022, nhà trường đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục và nhiều bên liên quan.
Tương tự, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (những cơ sở giáo dục có tổ chức kỳ thi riêng để tổ chức tuyển sinh) cũng cho biết sẽ giữ kỳ thi này trong năm 2024 nhưng ở năm 2025 sẽ có điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM, kỳ thi tuyển sinh riêng của trường chủ yếu phục vụ cho 2 trường sư phạm đầu ngành của nước ta là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM. ThS. Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho hay, thí sinh dự thi riêng năm 2024 yên tâm vì kỳ thi vẫn giữ ổn định như năm 2023 nhưng năm 2025 sẽ có điều chỉnh trong cấu trúc câu hỏi. Dự kiến, cuối năm 2024, trường sẽ công bố cấu trúc đề thi để thí sinh tham khảo.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Phát triển thương hiệu và tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên trường tổ chức kỳ thi riêng trên máy tính với 7 môn thi độc lập và thu được kết quả khả quan với trên 2.000 lượt bài thi. “Năm 2024, trường dự kiến kỳ thi sẽ ổn định như năm 2023 và số lượng thí sinh tham gia sẽ đông hơn, do đó chỉ tiêu cũng tăng từ 10% nâng lên 35% trên tổng chỉ tiêu”, ông Vũ nói. Dự kiến 2025 có thể sẽ điều chỉnh ngân hàng câu hỏi để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sáng 22/9, Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức công bố lịch 6 đợt thi Đánh giá tư duy năm 2024, tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn kết quả tốt nhất trong công tác...
Nguồn: [Link nguồn]