Rối bời đổi mới chương trình, SGK

Hôm qua, vấn đề đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông lại được các nhà khoa học hàng đầu về giáo dục tập trung mổ xẻ trong hội nghị tham vấn chuyên gia do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Kết thúc buổi thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết, càng thảo luận càng thấy rối.

Cần gạt bỏ những ảo tưởng về “năng lực”

Theo Bộ GD&ĐT, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của chương trình mới đang được Bộ GD&ĐT bắt tay vào xây dựng. Đó là chuyển căn bản từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, đảm bảo hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp. 

Rối bời đổi mới chương trình, SGK - 1

Một học sinh đang tìm chọn sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: Ngọc Châu

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại trước nguy cơ việc xây dựng chương trình sẽ đi từ thái cực này sang thái cực khác, khi những nhà làm chương trình quá mải mê chạy đuổi theo năng lực mà xem nhẹ việc trang bị kiến thức cho học sinh. 

GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục cho rằng, dự thảo đề án đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD&ĐT cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa “kiến thức” và “năng lực” để tránh ngộ nhận, đi tới khuynh hướng cực đoan. Ngay trong phạm vi kiến thức cũng có rất nhiều vấn đề về năng lực.

Gạt “kiến thức” ra khỏi “phạm vi” của năng lực là sai lầm! TS Trần Đình Châu, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục nói: “Khi bàn về chương trình, tôi thấy chúng ta chú trọng đến năng lực. Tuy nhiên, năng lực của mỗi người phải được tạo dựng trên nền kiến thức chắc chắn”. 

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhận xét: “Chương trình hiện hành không phải không hướng tới dạy năng lực, nhưng mình thực hiện được điều đó không lại là chuyện khác. Vì thế khi biên soạn chương trình mới, chúng ta đừng hy vọng chỉ nhờ một chữ năng lực mà đảo lộn được tất cả!”.

Phân luồng mờ nhạt

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự thất vọng với dự thảo đề án khi mà vấn đề phân luồng không được đề cập một cách rốt ráo. Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, lẽ ra sau bậc học giáo dục cơ bản phải tổ chức phân luồng mạnh như nghị quyết 29 yêu cầu. 

“Đây là vấn đề suốt 18 năm qua (kể từ năm 1996) chúng ta không thực hiện được. Giờ thêm vài trang về vấn đề này vào đề án cũng sẽ không sợ nghị quyết của Quốc hội dài thêm nhưng nó sẽ rất có ý nghĩa. Học xong giáo dục cơ bản, có em đi vào thị trường lao động, có em đi học nghề - trung cấp nghề, có em học tiếp THPT. Nhưng hiện nay, có tỉnh 90% học sinh học xong THCS lên THPT, hết THPT thì đổ xô thi ĐH, thế cho nên mới có chuyện hơn 20 vạn cử nhân thất nghiệp”, GS Phạm Minh Hạc nói. 

GS Văn Như Cương cũng bày tỏ băn khoăn khi trong dự thảo đề án chưa nói rõ giải quyết vấn đề phân luồng ra sao trong khi hiện nay hầu như toàn bộ học sinh tốt nghiệp THPT đều chỉ có một con đường thi vào ĐH.

Rối bời đổi mới chương trình, SGK - 2

Dẫn con đi lựa chọn sách giáo khoa tại một nhà sách ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu 

Bộ GD&ĐT có nên tổ chức biên soạn SGK?

Theo dự thảo đề án đổi mới chương trình, SGK, việc biên soạn SGK cho chương trình mới có hai phương án: Hoặc Bộ GD&ĐT tổ chức một bộ SGK đồng thời với các tổ chức cá nhân biên soạn SGK khác; hoặc việc biên soạn SGK được giao hoàn toàn cho các tổ chức, cá nhân.

Vấn đề này nhận được hai luồng ý kiến đóng góp: một bên ủng hộ Bộ đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK, bên còn lại cho rằng Bộ nên “buông”.

PGS.TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế góp ý trong vấn đề này Bộ GD&ĐT nên tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, theo đó cơ quan quản lý GD chỉ ban hành và quản lý chương trình đào tạo, SGK chỉ là tài liệu học tập, tác giả nào viết tốt thì người dạy - người học sử dụng. 

“Tôi là người học phổ thông ở miền Nam trước năm 1975 và thấy rằng miền Nam hồi đó có rất nhiều cá nhân và tập thể viết SGK rất hay, giáo viên chọn cuốn SGK nào hay để dạy”, PGS Nguyễn Thám nói. 

GS Nguyễn Khắc Phi cũng phát biểu ông không tán thành việc Bộ đứng ra làm một bộ SGK. Bộ quá nhiều việc rồi, chẳng hạn như hãy đầu tư trí tuệ - công sức để xây dựng một chương trình thật tử tế bởi đó là điều vô cùng khó! Mặt khác, việc tổ chức biên soạn SGK cũng không phải là chức năng của cơ quan quản lý GD. Còn GS Trần Đình Sử cho rằng việc Bộ đứng ra tổ chức biên soạn SGK sẽ làm nhụt chí các tác giả có ham muốn viết SGK, đặc biệt là cán bộ trẻ. 

“Dẫu có đủ can đảm làm, chắc chắn họ sẽ làm việc với trạng thái e ngại khi mà cảm giác mình sẽ không lại được với Bộ!”, GS Trần Đình Sử chia sẻ.

GS Nguyễn Minh Thuyết thì đề nghị: “Theo tôi Bộ chỉ làm một số SGK các môn khoa học xã hội, còn xã hội hóa các môn khác – thậm chí có thể dịch SGK của nước ngoài để sử dụng”.

Phát biểu tại hội nghị, PGS Trần Quốc Toản nhận xét vấn đề chương trình SGK càng đưa ra thảo luận càng rối. Kết thúc phiên thảo luận cuối cùng, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng các chuyên gia được mời đến dự hội nghị đã phát biểu với hai trách nhiệm, vừa là công dân vừa là nhà khoa học. 

“Trách nhiệm công dân chỉ giới hạn trong một đời người, còn trách nhiệm nhà khoa học là muôn đời. Tôi đề nghị rằng nên hoãn việc ban hành nghị quyết này (nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK của quốc hội – PV), bởi nó chưa chín, chưa kỹ, nhiều vấn đề còn loãng lắm!”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN