Rèn trẻ viết chữ đẹp: Người ủng hộ lên tiếng
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc rèn chữ đẹp ở học sinh tiểu học là cần thiết, không nên bỏ. Trẻ luyện chữ tức là rèn luyện tính kiên trì, cần mẫn, chỉn chu trong việc.
Trước đề xuất bỏ luyện chữ đẹp của TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã lên tiếng phản hồi.
Học sinh phải được rèn nét chữ đầu tiên
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, lâu nay, việc rèn chữ đẹp cho học sinh tiểu học luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng. Thầy cô dạy trẻ viết chữ đẹp bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích giúp trẻ viết đúng ô li, nét chữ đẹp.
“Có quan điểm nói rằng ép trẻ luyện chữ quá sức sẽ làm chậm tư duy, ảnh hưởng đến tính cách, hay hệ cơ xương… của các em thì không đúng. Tôi có thể khẳng định là việc cho trẻ luyện chữ là cần thiết, hữu ích. Trẻ luyện chữ cũng coi như rèn luyện tính kiên trì, cần mẫn, chỉn chu trong công việc. Điều quan trọng là nhà trường và gia đình bố trí thời gian hợp lý để dạy trẻ luyện chữ đẹp, không để việc đó trở thành gánh nặng cho các em”, GS Hạc chia sẻ.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
GS Hạc giải thích rằng, ở độ tuổi học lớp 2, 3, có rất nhiều em nông thôn đã có thể quét nhà, lau nhà, thậm chí là phụ gia đình nấu cơm. Do đó, hệ cơ xương của trẻ đã đủ khỏe để luyện chữ viết. Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã chứng minh việc rèn chữ là hoàn toàn phù hợp ở độ tuổi đó.
Ông Phạm Trọng Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cũng không đồng tình với đề xuất bỏ luyện chữ đẹp ở bậc tiểu học. Ông Đạt nói, quan niệm cho rằng bây giờ mọi người sử dụng thành thạo máy tính nên không cần luyện chữ là không thuyết phục. Bởi khi trẻ luyện chữ, các em phải uốn lượn lên xuống cho đúng ô li. Việc này sẽ rèn cho các em được tính nhẫn lại. Mặt khác, nhìn nét chữ của học sinh viết đẹp cũng sẽ tạo được cảm xúc cho người đọc sách, văn bản.
“Chữ đẹp, rõ ràng tức là người đó chỉn chu, còn viết ngoáy bao giờ cũng cẩu thả hơn. Khi viết một bài văn, hay văn bản với nét chữ đẹp thì được nhiều người yêu thích, còn với chữ xấu thì chắc chắn sẽ bị chê. Do vậy, nếu học sinh viết được chữ đẹp là điều tốt, đáng khen”, ông Đạt nói.
Ông Đạt dẫn chứng, khi ông sang nước Nhật, Úc thì thấy họ cũng luyện chữ cho các em học sinh tiểu học. Ngay cả bên Trung Quốc cũng luyện chữ cho các em học sinh. Đặc biệt, ở các nước phương Tây, khi một công ty tuyển dụng người lao động thì bao giờ cũng yêu cầu người xin việc viết một bản kê khai lý lịch viết tay. Khi đó, họ sẽ dựa vào nét chữ để xem tính cách của người đó xem có chăm chỉ, cần mẫn hay không. Sau đó sẽ quyết định có nhận hay không. Các công ty đó quan niệm, dù nét chữ không nói đúng tính cách con người 100%, nhưng cũng phải đúng tới 50 hoặc 60%.
Học sinh rèn chữ đẹp là rèn luyện tính kiên trì, cần mẫn, chỉn chu trong công việc. (Ảnh minh họa)
Nên giữ nguyên việc luyện chữ đẹp
Bà Đỗ Thị Hường, Hiệu trưởng trường mầm non Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho hay, qua nhiều năm làm công tác quản lý, giảng dạy, bản thân bà nhận thấy những em viết chữ đẹp phần lớn học tốt. Tính cách, ý thức của các em trong giờ học cũng rất nghiêm túc. Do đó, bà Hường cho rằng vẫn phải giữ nguyên việc rèn luyện chữ đẹp ở bậc tiểu học.
Theo bà Hường, việc luyện chữ đối với các em học sinh tiểu học hiện nay trong trường học không hề quá tải. Sau mỗi bài viết chính tả của lớp 1, 2 hoặc 3, học sinh đều được nghỉ 15 phút, sau đó mới chuyển sang tập viết lên bảng. Đối với học sinh lớp 1, một tuần có 4 buổi tương ứng với 4 bài tiếng Việt. Trong giờ đầu học tiếng Việt, học sinh được học về âm mới, từ mới. Đến tiết học thứ 2, các em lại được thay đổi sang học từ ứng dụng và tập viết. Như vậy, học sinh cũng được thay đổi nội dung học để không nhàm chán, lặp lại.
“Theo quy định hiện nay, chúng tôi chỉ yêu cầu học sinh lớp 1, trong 15 phút viết 4 chữ. Lên lớp 2, cũng trong 15 phút, thầy cô yêu cầu các em viết 40 chữ. Lên lớp 5, trong 15 phút, học sinh viết 115 chữ. Như vậy, học sinh khi luyện chữ không hề quá sức bởi tốc độ này do Bộ GD-ĐT quy định và đã có nghiên cứu khoa học từ trước”, cô Hường chia sẻ.
Bà Hường cho rằng, việc rèn luyện chữ cho các em học sinh vẫn là cần thiết. Bà đã từng đi dạy nên biết việc luyện chữ đẹp cho học sinh không mất nhiều thời gian. Khi các em mới bước vào lớp 1, chỉ khoảng 15 ngày sau là học sinh đã biết chia theo tỷ lệ chữ cao, thấp tròn và viết có trật tự. Khi đó, nhiều em rất hào hứng tập viết chứ không có tâm lý chán nản.
Bà Nguyễn Thị Thanh, hiệu trưởng một trường mầm non ở huyện Hoài Đức, Hà Nội kể rằng, hiện nay có nhiều trường đã đầu tư vào việc luyện chữ nhiều quá khiến phụ huynh phải cho con đi học ngày học đêm. Điều này là quá đà, dẫn đến quá tải cho các em học sinh. Tuy nhiên, không phải vì lý do đó mà đánh đồng việc bỏ luyện chữ đẹp.
“Không để trẻ viết chữ cẩu thả, nguệch ngoạc nhưng cũng không nên bỏ việc luyện chữ đẹp ở bậc tiểu học. Khi mới vào học, học sinh giống như trang giấy trắng, chưa hình thành ý thức tập viết, do vậy thầy cô phải luyện cho các em tập viết. Viết nhiều, các em học sinh thành quen và viết đẹp lên. Quan trọng hơn, việc rèn chữ đẹp là rèn tính cách cho học sinh để các em vững vàng khi giao tiếp, làm việc”, bà Thanh nói.