Ra khỏi cổng trường: "Cừu non hóa sói"

Trong trường học sinh lễ phép, ngoan ngoãn. Nhưng bước chân ra khỏi cổng, các em lại thể hiện một "bộ mặt" hoàn toàn khác, văng tục liên mồm. Lý do là ngoài cổng trường, các em được... thả rông.

Quản trong trường, “thả rông” ngoài xã hội

Trao đổi với PV Infonet, thầy Lê Đình Tân, Phó phòng công tác chính trị và sinh viên (ĐH Thương mại) cho biết: “Trường có quy định về văn hóa ứng xử của sinh viên, trong đó không cho phép có những phát ngôn thiếu văn hóa bao gồm việc nói tục, chửi bậy. Về cơ bản chưa phát hiện được sinh viên nói bậy một cách thường xuyên trong trường, thỉnh thoảng đâu đó một số bạn có lời ăn tiếng nói chưa đúng chuẩn mực đã được các thầy cô chấn chỉnh ngay.

Song, trên mạng xã hội hay các quán nước ven trường vẫn còn  một số bạn có những phát ngôn chưa hợp chuẩn. Bản thân tôi cũng trực tiếp giảng dạy, trong quá trình lên lớp hay đi ở hành lang, đôi khi vẫn bắt gặp những phát ngôn lệch chuẩn. Tuy nhiên, có thể không phải do đạo đức của các em mà chỉ là do thói quen, hay đôi lúc đi chơi với bạn bè nên tư tưởng lúc đó cởi mở quá, các em không để ý đến hành vi của mình”.

Theo thầy Tân, với gần 30.000 sinh viên của trường đại học Thương Mại, lúc này hay lúc khác có những sinh viên phát ngôn chưa hợp chuẩn là điều khó tránh khỏi. Nhưng việc xúc phạm thầy cô giáo, trường lớp là không hay và vi phạm đạo đức, bất kể lý do gì.

Ra khỏi cổng trường: "Cừu non hóa sói" - 1

Thầy Lê Đình Tân, phó phòng công tác chính trị và sinh viên trường ĐH Thương mại

Riêng về vấn đề nói tục, chửi bậy, thầy Tân thẳng thắn: “Để tuyên truyền cụ thể về nói tục, chửi bậy, trường hiện chưa có hệ thống văn bản riêng nào. Song, giáo dục cho sinh viên liên quan đến ứng xử, văn hóa giao tiếp, trường đã triển khai rất nhiều. 

Với phản ánh của báo chí, lãnh đạo trường, phòng công tác sinh viên rất quan tâm. Chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi sẽ có các biện pháp hợp lý để giáo dục trực tiếp các bạn sinh viên có lời lẽ chưa hợp chuẩn”.

Tuy nhiên, theo thầy Tân, một bộ phận không nhỏ sinh viên vẫn chưa chủ động nắm bắt các thông tin tuyên truyền của trường, không chủ động tham gia vào các hoạt động, và không tự xây dựng cho mình những giá trị hợp chuẩn. Và hệ quả của việc thụ động ấy là có những bạn phát ngôn bừa bãi, thiếu trách nhiệm, cụ thể là nói tục chửi bậy. 

“Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đi vào thực chất để tác động được không chỉ số đông sinh viên mà cả bộ phận nhỏ có những quan điểm hoặc phát ngôn lệch lạc”, thầy Tân nói.

Theo thầy Tân, dù hiểu và xác định việc giáo dục tri thức và đạo đức cho sinh viên là trách nhiệm chính của nhà trường, tuy nhiên việc đào tạo vẫn phải là sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. 

“Chúng tôi đã hoàn thành khá tốt trách nhiệm trong khuôn viên trường, ít nhất là về mặt biểu hiện của sinh viên. Nếu sinh viên nói tục chửi bậy trong nhà trường thì trường có thể xử lý. Còn nếu sinh viên ở khu vực xung quanh trường, thì cũng là một sự băn khoăn về mặt trách nhiệm bởi các thầy cô không thể nắm được hết ai là sinh viên của mình. 

Chúng tôi cũng muốn gần khu vực học đường cần tạo một môi trường xung quanh văn hóa, nhưng quả thực điều này rất khó với cấp độ ĐH, quá “tầm tay” của ĐH Thương Mại nói riêng” - Thầy Tân chia sẻ.

Bàn về biện pháp khắc phục tình trạng này thời gian tới, thầy Tân cho rằng, trước hết cần tuyên truyền là chủ yếu, việc xử lý chỉ khi sinh viên vi phạm trong phạm vi trường và khi nắm được thông tin cụ thể. “Để hạn chế điều này, đến giờ học chúng tôi tạm khóa các cổng, để tạm “cách ly” môi trường giáo dục đào tạo với các quán trà đá,… hạn chế sinh viên tụ tập xung quanh trường uống trà đá, hút thuốc, nói tục chửi bậy,… 

Đồng thời, sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động thanh niên tình nguyện, giao về cho các khoa để tuyên truyền cho sinh viên không tụ tập quán sá, có những phát ngôn thiếu văn hóa, không hợp chuẩn đối với người trí thức”, thầy Tân đưa ra giải pháp.

Ra khỏi trường “ cừu non hóa sói”

Liên quan đến đạo đức của người học hiện nay, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học- Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, tình trạng suy thoái đạo đức đang diễn ra khá trầm trọng, trong khi vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện chưa được coi trọng. Theo TS Hương, việc xét hạnh kiểm hiện nay không được chính xác, bởi cứ học sinh giỏi là đương nhiên sẽ được hạnh kiểm tốt, ít có trường hợp các học sinh đạt điểm cao mà hạnh kiểm khá.

“Theo tôi, việc đưa giáo dục đạo đức vào tiểu học trở thành một môn học bắt buộc và phải xếp độ quan trọng gần như bậc nhất là rất cần thiết. Hai môn kỹ năng sống và môn đạo đức cần được có trọng số thuộc diện quan trọng nhất để xét chất lượng học sinh. Khi những môn này quan trọng để đánh giá, thì trẻ sẽ phải học một cách nghiêm túc nhất. Giáo viên cũng dựa vào phong thái đạo đức của từng học sinh để đánh giá”, TS Hương đề xuất.  

Bà lấy ví dụ về phương án này, nếu trẻ học giỏi nhưng khi ra ngoài xã hội chửi bậy thì các thầy cô sẽ áp dụng hình phạt là trừ điểm,…vì vậy đứa trẻ dần dần tự khắc sẽ ngoan hơn vì được đưa vào khuôn khổ. Đồng thời, bố mẹ cũng phải đề cao môn đạo đức để con mình học được tốt nhất. Bản thân bố mẹ cũng phải thay đổi những hành vi cư xử xấu để làm gương cho con.

Đồng quan điểm với TS Hương, chuyên gia về ngôn ngữ học PGS. TS Phạm Văn Tình (Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cũng đề cao vai trò của gia đình là quan trọng trong việc tác động đến đạo đức của người học. “Bố mẹ không nghiêm túc hoặc không quan tâm đến con thì giới trẻ sẽ dễ bị lệch lạc về hành vi và lời nói. Hỗ trợ của nhà trường và xã hội cũng quan trọng, có thể coi như bộ lọc để kiểm chứng và điều chỉnh những lệch lạc đó”, ông Tình nói.

Giới trẻ nói tục quá nhiều với tần suất dày đặc. Xét dưới góc độ ngôn ngữ học thì đấy là những hành vi phản chuẩn. Nói tục đang như một thói quen, có người dùng những từ tục tĩu là các từ đệm “như cơm bữa” trong lời nói. Số khác thì khi nổi đóa lên hoặc không bằng lòng về một việc gì đó cũng đưa những từ tục ra nói và họ cho như thế là có thể “áp đảo” được người khác, để coi mình là người làm chủ được tình hình. 

Đi ra đường gặp bất kỳ cái gì bức xúc là đều có thể  nói tục, đây là một điều không hay. Học sinh sinh viên là đối tượng có học thức và được giáo dục, vậy nên nếu nói tục thì có thể được coi là thiếu giáo dục. 

Tuy nhiên, hiện đối tượng này nói tục là khá phổ biến, đặc biệt là học sinh phổ thông. Nhiều em ra khỏi trường là dùng ngôn ngữ khác, mặc dù trong lớp tỏ ra rất lễ phép. Ở ngoài đường, quán nước,… học sinh thoải mái “văng” ra những từ mà người nghe cảm thấy rất ngượng và chối tai. 

Theo tôi, nguyên do bởi cộng đồng giới trẻ không phản ứng, không tỏ ra khó chịu trước thực trạng này, ngay cả các bạn nữ. Các bạn nam không nói, nhưng các bạn nữ không phản ứng hoặc cười theo hoặc cổ xúy cho họ, vô hình trung làm cho hiện tượng này trở nên bình thường. 

Nói tục nhiều khiến điều vốn từ bất bình thường trở nên bình thường. Thật đáng lo ngại khi xã hội không lên tiếng, cộng đồng không lên tiếng. Nếu có một người nói tục, người khác không ủng hộ, thậm chí có thái độ khó chịu hoặc không đồng tình thì chắc chắn người nói tục đó sẽ phải thôi hoặc giảm bớt đi, nhưng cộng đồng dường như lại “hùa” nói theo nhau.

Chuyên gia về ngôn ngữ học PGS. TS Phạm Văn Tình (Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN