Quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ: Rối như ma trận
Từ Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ mỗi nơi một phách đã khiến thí sinh gặp khó khăn khi xét tuyển ĐH.
Miễn ngoại ngữ thi tốt nghiệp vẫn phải thi để xét tuyển ĐH
Trong Quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT khi có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ như tiếng Anh (IELTS 4.0; TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm); tiếng Nga (TORFL cấp độ 1); tiếng Pháp (TCF 300 - 400 điểm; DELFF B1); tiếng Trung (HSK cấp độ 3; TOCFL cấp độ 3); tiếng Đức (Coethe - Zertifikat B1; DSD B1; Zertifika B1); tiếng Nhật JLPT cấp độ N3.
Học sinh lớp 12 tại TPHCM đang trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Nguyễn Dũng
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết để được miễn thi môn ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp thí sinh năm nay cần đáp ứng đủ các điều kiện như chậm nhất ngày 13/5, thí sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ thì mới được đăng ký để miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 26/7 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định. Thí sinh được đăng ký dự thi môn thi ngoại ngữ giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học ở trường. Hoặc được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT có thể đăng ký thi môn thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, cao đẳng.
Theo ông Chương, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên không bắt buộc phải thi ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu có nhu cầu xét tuyển vào các trường ĐH những tổ hợp có môn ngoại ngữ (A01; D01 - D07, B08) thí sinh bắt buộc phải đăng ký dự thi môn ngoại ngữ. Tương tự, với thí sinh học THPT, năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục áp dụng quy định cho phép thí sinh vẫn được miễn thi môn ngoại ngữ để lấy điểm 10 của môn này khi xét tốt nghiệp THPT; đồng thời cho phép thí sinh dự thi để có kết quả thi xét tuyển vào ĐH theo tổ hợp môn thi mà mình đăng ký.
Mỗi trường một phách
Nguyễn Duy Hiếu, học sinh lớp 12 một trường chuyên trên địa bàn Hà Nội thắc mắc tại sao cùng đạt chứng chỉ IELTS từ 7.5 điểm do IDP cấp nhưng ĐH Bách khoa Hà Nội quy đổi 10 điểm nhưng Trường ĐH Ngoại thương chỉ quy đổi là 9,5 điểm còn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân lại lên đến 14 điểm. Hoặc Trường ĐH Ngoại thương chỉ xác định mức điểm quy đổi đối với IETLS từ 6.5 điểm (tương đương 8,5 điểm) còn ĐH Bách khoa Hà Nội quy đổi từ 5.5 điểm tương đương 8,5 điểm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân quy đổi từ 5.5 điểm tương đương 10 điểm. Một điểm mà Duy Hiếu băn khoăn là ĐH Bách khoa Hà Nội xác định từ đạt IELTS từ 6.5 điểm trở lên đều được quy đổi thành 10 điểm. Như vậy, bạn đạt IELTS 6.5 cũng có giá trị tương đương với bạn đạt IELTS 9.0. “Cách quy đổi này của ĐH Bách khoa Hà Nội không khuyến khích thí sinh đạt điểm cao chứng chỉ ngoại ngữ”, Hiếu chia sẻ.
Hiện mỗi cơ sở ĐH đang có một loại thang đo quy đổi khác nhau. Trường ĐH Thương mại, IELTS 5.5 được quy đổi thành 12 điểm; từ 7.5 điểm trở lên được quy đổi thành 16 điểm... Trường ĐH Giao thông vận tải, IELTS 5.0 quy đổi thành điểm 8, từ 8.0 trở lên quy đổi thành 14 điểm. Việc loạn quy đổi này dẫn đến tình trạng điểm sàn của trường này cao hơn điểm xét của trường kia. Ví dụ, với mức điểm IELTS 6.0 thí sinh có thể đã trúng tuyển vào nhiều trường ĐH nhưng lại chưa đủ điểm sàn để đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương.
Việc quy đổi mỗi trường một phách cũng diễn ra phổ biến tại các trường đại học phía Nam. Tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), IELTS 6.0 điểm được quy đổi thành 10 điểm môn tiếng Anh, IELTS 5.5 được quy đổi thành 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi thành 8 điểm môn tiếng Anh khi thực hiện xét tuyển.
Tương tự trường ĐH Bách khoa, trường ĐH Mở TPHCM cũng quy đổi IELTS 5.0 thành 8 điểm, IELTS 5.5 thành 9 điểm và IELTS 6.0 trở lên quy đổi thành 10 điểm môn tiếng Anh. Trường này còn mở rộng việc quy đổi, cho các thí sinh có điểm IELTS 4.5 thành 7 điểm môn tiếng Anh.
Trong khi đó, một số trường đại học khác lại có mức quy đổi điểm IELTS được cho là khá “chát”. Trường ĐH Tôn Đức Thắng quy định IELTS 5.0 được quy đổi thành 7 điểm môn tiếng Anh, IELTS 5.5 được quy đổi 7,5 điểm, IELTS 6.0 được quy đổi 8 điểm, IELTS 6.5 được quy đổi 8,5 điểm, IELTS 7.0 được quy đổi thành 9 điểm, IELTS 7.5 được quy đổi thành 9,5 điểm và IELTS 8.0 được quy đổi thành 10 điểm tiếng Anh... Cũng quy định thí sinh có IELTS 8.0 mới được 10 điểm môn tiếng Anh khi thực hiện xét tuyển đại học, trường ĐH Ngoại thương chỉ xét điểm IELTS từ 6.5 trở lên. Cụ thể, IELTS 6.5 được quy đổi thành 8,5 điểm, IELTS 7.0 quy đổi thành 9 điểm, IELTS 7.5 tương đương 9,5 điểm.
PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết Trường chú trọng năng lực ngoại ngữ của thí sinh vì trường có tới 20/35 ngành/chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, môn thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi IELTS là hai kỳ thi có mục tiêu và cách đánh giá, thang đo hoàn toàn khác nhau. “Thí sinh thi tốt nghiệp tiếng Anh 10 điểm chưa chắc thi IELTS được 6.0. Ngược lại, thí sinh có IELTS 6.0 chưa chắc thi tốt nghiệp tiếng Anh được 10 điểm nên việc quy đổi điểm này cũng chỉ là tương đương nhằm tạo điều kiện để thí sinh có điểm IELTS giảm bớt việc phải thi lại môn tiếng Anh” - ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, việc quy đổi điểm IELTS sang điểm tiếng Anh để xét đại học dựa vào chuẩn đầu ra đại học tức IELTS 5.5, tương đương tiếng Anh B1 chuẩn Việt Nam. Với IELTS 6.0, thí sinh có thể đi du học ở trường dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Do đó, mức quy đổi này phù hợp với điều kiện và mục đích đào tạo của trường.
Bất bình đẳng trong tuyển sinh
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng ở góc độ nhà quản lý phải nhìn thấy được sự lộn xộn trong quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ tại các đơn vị đào tạo ĐH hiện nay. Từ câu chuyện chỉ một chứng chỉ ngoại ngữ nhưng mỗi trường quy đổi điểm khác nhau, ông Hiệp cho rằng Bộ cần nhìn lại mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Chứng chỉ ngoại ngữ quy đổi lộn xộn như hiện nay chính là sự bất ổn định của mô hình tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đến lúc Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận lại vì việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ xét tuyển đang tiềm ẩn nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục”, ông Hiệp nói.
Quy đổi dễ dãi, không công bằng Nhiều ý kiến chuyên gia và giáo viên ngoại ngữ cho rằng Bộ GD&ĐT quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT để miễn xét tốt nghiệp THPT là dễ dãi và không công bằng. Từ khi đưa ngoại ngữ vào thi tốt nghiệp THPT, việc thí sinh đạt điểm 10 môn này có thể đếm trên đầu ngón tay nên điểm trung bình chung của cả nước thường đứng ở vị trí đội sổ. Năm 2022 cả nước chỉ có 425 bài thi ngoại ngữ đạt điểm 10 ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Năm 2023, thí sinh sở hữu IELTS 4.0 hoặc TOEFL iBT 45 điểm sẽ được miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ trong việc xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nguồn: [Link nguồn]