Quy định mới "siết" tuyển liên thông
Đại diện nhiều trường đại học cho rằng dự thảo nghị định mới về liên thông dự kiến áp dụng từ năm 2024 có một số nội dung nếu áp dụng sẽ khó khăn cho người học, từ đó ảnh hưởng đến tuyển sinh
Ngày 18-12, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm với sự tham dự của chuyên gia trong nước và quốc tế về vấn đề "Liên thông từ trung cấp, CĐ lên trình độ ĐH: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam".
Chưa tới 50% số trường đào tạo liên thông
Báo cáo về thực trạng liên thông từ trung cấp, CĐ với trình độ ĐH giai đoạn 2017-2023, bà Nguyễn Thảo Hương, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết cả nước có 243 cơ sở giáo dục ĐH (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh). Trong số này, số trường có đào tạo liên thông là 134, chiếm 49% số cơ sở đào tạo.
Sinh viên nhập học tại một trường cao đẳng ở TP HCM .Ảnh: HUẾ XUÂN
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đây là hình thức tương đối phổ biến và được nhiều cơ sở đào tạo lựa chọn tổ chức đào tạo. Số lượng chương trình đào tạo và quy mô sinh viên học liên thông từ CĐ lên ĐH theo hình thức vừa làm vừa học là nhiều nhất cho thấy đối tượng người học liên thông chủ yếu là người đã đi làm.
Quá trình thực hiện tổ chức liên thông giai đoạn 2017-2023 cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như chưa có hướng dẫn cụ thể về miễn trừ, công nhận; chưa xác định được văn bằng nào hợp pháp để được dự tuyển; chưa xác định được chương trình nào sử dụng để xét công nhận tín chỉ (chương trình cấp tín chỉ, chương trình chưa hoàn thành, chương trình đã hoàn thành mà chưa được cấp chứng chỉ, văn bằng...); hạn chế về chỉ tiêu tuyển sinh...
"Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông vừa làm vừa học thuộc tổng chỉ tiêu được xác định hằng năm theo từng ngành đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học tương ứng theo ngành đào tạo" - bà Nguyễn Thảo Hương nêu ra những bất cập.
Quyết định 18/2017/QĐ-TTg quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ CĐ với trình độ ĐH áp dụng từ năm 2017 đã có nhiều cải tiến, đào tạo liên thông quy củ, bảo đảm chất lượng nhưng một số quy định quá chặt khiến các trường khó triển khai tuyển sinh. Bà Hương cho rằng một số quy định việc xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, tổ chức đào tạo... tại Quyết định 18 không còn phù hợp với thực tiễn.
Không nên quy định "cứng"
Theo dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân dự kiến áp dụng từ năm 2024 đã có một số nội dung thay đổi. Trong đó, chương trình giáo dục mà người học được cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy được chấp nhận trong liên thông tối đa 5 năm từ khi người học được công nhận tốt nghiệp đến ngày xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy.
Khối lượng học tập tối đa được công nhận chuyển đổi trong liên thông không vượt quá 15% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình giáo dục đối với liên thông lên trình độ cao hơn không kế tiếp, không liền kề; không quá 25% khi liên thông từ một bậc trình độ thấp lên bậc trình độ cao hơn kế tiếp, liền kề; không quá 50% đối với liên thông trong cùng một bậc trình độ hoặc từ một bậc trình độ cao hơn xuống bậc trình độ thấp hơn.
Những quy định trên nhận được nhiều ý kiến nhận định rằng sẽ làm khó người học. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng quy định này nếu ban hành sẽ rất khó cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Sinh viên CĐ khối kỹ thuật học 90 tín chỉ, sinh viên ĐH 150 tín chỉ. Nếu chỉ công nhận 25% khối lượng chương trình ở bậc ĐH thì sinh viên học liên thông lên tốn thêm rất nhiều thời gian so với học thẳng từ THPT lên ĐH.
TS Nguyễn Trung Nhân đề nghị không nên quy định cứng mà giao quyền tự chủ cho các trường trong việc công nhận tỉ lệ chuyển đổi. Ngoài ra, việc quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy trong liên thông 5 năm cũng không phù hợp, làm cản trở nhu cầu của người học vì khi tốt nghiệp văn bằng trước, họ phải đi làm để có thu nhập ổn định cuộc sống. Hiện người học liên thông đều đang đi làm việc, không thể học như sinh viên ĐH chính quy.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo không chính quy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết việc quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy sẽ hạn chế định hướng học tập suốt đời. Ông đề nghị bỏ việc quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập. Thay vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xây dựng bộ khung để kiểm tra chất lượng đào tạo của các trường.
Các ngành liên thông đông nhất
Theo báo cáo, ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học có nhu cầu liên thông lớn nhất. Theo bà Nguyễn Thảo Hương, điều này dễ giải thích vì hiện 2 ngành này được đào tạo ở trình độ trung cấp và CĐ, trong khi yêu cầu trình độ giáo viên với bậc mầm non và tiểu học ngày càng cao, số lượng giáo viên có bằng trung cấp và CĐ học liên thông để lấy bằng ĐH ngày càng nhiều.
Các ngành có nhiều người học liên thông tiếp theo là ngôn ngữ Anh, luật, kế toán, dược học, điều dưỡng, y khoa, luật kinh tế, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử... Quy mô liên thông hình thức vừa làm vừa học từ CĐ lên ĐH lớn nhất với 41.056 người.
Trường ĐH Nha Trang cho biết, kỳ tuyển sinh năm 2024 trường vẫn giữ ổn định nhưng từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn nên nhiều trường đang đề ra phương thức...
Nguồn: [Link nguồn]